Tàu sân bay nhỏ nhất TG của Thái Lan: "đắp chiếu" hay "làm cảnh"?

Bình Nguyên |

Dù "đắp chiếu" nằm bờ dài hạn, nhưng TSB Chakri Naruebet của Thái Lan cũng có đóng góp cho nền du lịch nước này khi "làm cảnh" để đón 30-40 nghìn lượt khách thăm quan mỗi tháng.

Tham vọng "lớn" nhưng lựa chọn "nhỏ"

Suốt thập kỷ 70 và 80 của thế kỷ trước và cho đến tận đầu những năm 1990, Thái Lan có những bước phát triển thần kỳ, đưa nước này vươn lên thành một trong những nền kinh tế mới nổi, được ví như một "con rồng nhỏ" của Châu Á.

Tham vọng của Quân đội Thái Lan lúc bấy giờ là xây dựng một hạm đội hải quân mạnh, có khả năng tung phóng lực lượng nên cần được trang bị những vũ khí hiện đại. Vì thế, Chính phủ và Quân đội nước này "nghiến răng" mua một chiếc tàu sân bay hạng nhẹ.

Năm 1997, sau gần 5 năm kể từ ngày khởi đóng tại Nhà máy Đóng tàu El Ferrol (Tây Ban Nha), con tàu trị giá 336 triệu USD đã được bàn giao cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Tàu được mang tên Chakri Naruebet (Chakri là tên của vị vua khai quốc Vương triều Bangkok) với số hiệu chính thức 911.

Sự kiện này biến Thái Lan thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên có tàu sân bay và vịnh dự được xếp "chung mâm" với một số ít quốc gia có tàu sân bay. Điều đáng nói, với lượng choán nước 11.485 tấn, con tàu này lại "giành" ngay vị trí "tàu sân bay bé nhất thế giới".

Đến nay, sau gần 20 năm, và có thể cả sau này nữa, dường như vẫn chưa và chẳng có đối thủ nào "muốn" soán ngôi vị đó.

Nhiệm vụ chính của Chakri Naruebet là chỉ huy và hỗ trợ hạm đội tàu mặt nước của mình từ trên không, nhưng có lẽ người Thái coi tàu sân bay như là một biểu tượng sức mạnh, là niềm tự hào của dân tộc hơn là nhu cầu quân sự thực tế.

Máy bay trang bị theo tàu gồm có 6 chiếc máy bay chiến đấu phản lực cất cánh đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng AV-8S Harrier và 6 trực thăng đa nhiệm S-70B SeaHawk.

Tàu dài 182,65 mét, với kích thước boong dài 174,6 mét, rộng 27,5 mét, có khả năng phục vụ 5 trực thăng chiến đấu cất và hạ cánh cùng lúc.


Thời hoàng kim nay còn đâu?

Thời hoàng kim nay còn đâu?

"Con rồng kiệt sức" và biểu tượng bị "đắp chiếu"

Khi kíp thủy thủ, phi công còn chưa kịp thuần thục các thao tác vận hành con tàu và các vũ khí trang bị thì cuộc khủng hoảng Tài chính - Tiền tệ châu Á năm 1997 đã nổ ra, "quất sụm" nền kinh tế Thái Lan, biến nước này thành một con rồng nhỏ "kiệt sức".

Chưa kịp tự hào về "biểu tượng", Chakri Naruebet gần như ngay lập tức trở thành gánh nặng vì nó là cỗ máy ngốn tiền khủng khiếp. Thi thoảng tàu được xuất bến chạy lòng vòng huấn luyện những bài tập cơ bản, hầu như không tham gia hoạt động quân sự đáng kể nào.

Phần lớn thời gian của Chakri Naruebet là nằm bờ, "đắp chiếu" bởi không đủ ngân sách hoạt động. Nó chỉ thực sự trở nên hữu dụng khi tham gia các hoạt động cứu hộ, cứu nạn như thảm họa sóng thần (2004) và lũ lụt - những hoạt động phi quân sự.

Chưa hết, đến năm 2006, toàn bộ các máy bay AV-8S theo tàu đều bị loại biên, tức là sau chưa đầy 10 năm vận hành. Tất nhiên, AV-8S của Thái Lan không phải là máy bay mới mà là máy bay cũ (sản xuất năm 1987-1988) mua lại từ Hải quân Tây Ban Nha.

Chưa rõ nguyên nhân cụ thể của việc xếp xó những máy bay này, nhưng thật đáng tiếc khi chúng phải giã từ bầu trời quá sớm. Bởi lẽ, các máy bay AV-8 cùng thời của Hải quân Tây Ban Nha đến nay vẫn đang bay tốt.

Không còn máy bay chiến đấu, tàu sân bay tí hon Chakri Naruebet, vốn được trang bị hệ thống phòng vệ, tác chiến điện tử khá khiêm tốn, rơi vào tình trạng "rồng mất nanh vuốt", trở thành chiếc "phà" trở trực thăng đúng nghĩa.

Và nếu như vậy, thì cách đây gần chục năm, Indonesia hay Singapore - những "con rồng, con hổ" một thời ở châu Á cùng với Thái Lan, đã tự đóng được.

Thậm chí, Chakri Naruebet đã biến thành một điểm du lịch "có tiếng" ở Thái Lan với lượng khách tới thăm (miễn phí) bình quân mỗi tháng khoảng 30.000-40.000 lượt người. Đây được coi là hoạt động phô trương sức mạnh của Hải quân Hoàng gia Thái Lan.

Người dân Thái Lan có vẻ khá hồ hởi mỗi khi thăm tàu, nhưng liệu họ có biết rằng với mọi quân đội, vũ khí trang bị thường không dùng để "làm cảnh", mà nó phải được dùng đúng mục đích tối thượng là bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Thế mới biết, dù điều kiện khách quan đã làm khó Hải quân Hoàng gia Thái Lan và có thể thông cảm được, nhưng rõ ràng, "sai một ly, đi một dặm", chọn sai hướng có thể phải trả giá đắt, tư duy quân sự không có chỗ đứng cho những hành động và quyết định duy ý chí.

Tuy nhiên, dường như Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã có quyết định sửa sai trước khi quá muộn. Đó là, họ đã tiến hành nâng cấp con tàu để đưa trở lại hoạt động đúng như chức năng vốn có của nó.

Gói nâng cấp đã giúp tàu sân bay của Thái Lan lột xác, trở nên mạnh mẽ hơn, hiện đại hơn với hệ thống chỉ huy, kiểm soát 9LV Mk4 cùng radar mảng pha Sea Giraffe AMB (của Thụy Điển) và kênh truyền dẫn dữ liệu mới.

Chỉ có điều, sức mạnh của tàu sân bay này dựa chủ yếu vào các máy bay AV-8S, nay chúng đã bị loại biên. Vậy Chakri Naruebet sẽ tác chiến bằng gì?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại