Thương vụ bán tàu ngầm tỷ đô của Trung Quốc: Không chỉ vì tiền!

Hải Vy |

Theo tạp chí The Diplomat, thương vụ tàu ngầm có thể là một bước đệm để Trung Quốc thực hiện tham vọng chen chân vào Ấn Độ Dương.

Pakistan mua tàu ngầm Trung Quốc

Theo tạp chí The Diplomat (Nhật Bản), hồi đầu năm nay, Pakistan tuyên bố nước này đã nhất trí mua 8 tàu ngầm diesel-điện Type 41 lớp Yuan từ Trung Quốc.

Những con tàu này sẽ mang lại cho Islamabad khả năng chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) mà họ đang rất cần để đối phó Hải quân Ấn Độ trong trường hợp xảy ra xung đột.

Khả năng này đặc biệt hữu dụng trong trường hợp Ấn Độ phong tỏa bờ biển Pakistan và khiến New Delhi phải nghĩ lại trước khi triển khai chiếc tàu sân bay mới mang tên INS Vikrant.

Tàu ngầm lớp Yuan khá tiên tiến. Đây là lớp tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc được tích hợp hệ thống đẩy không khí độc lập (AIP) do nước này tự thiết kế và chế tạo, cho phép tàu đạt tốc độ hành trình 18 hải lý/h và có tầm hoạt động 8.000 hải lý.

Mô hình tầu ngầm S20 được giới thiệu tại triển lãm IDEX 2013.
Mô hình tầu ngầm S20 được giới thiệu tại triển lãm IDEX 2013.

Mặc dù S-20, phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm lớp Yuan, không được lắp đặt sẵn các hệ thống AIP nhưng Pakistan chắc chắn có thể đề nghị Bắc Kinh lắp đặt thêm hệ thống này cho các tàu ngầm của mình.

Các tàu ngầm lớp Yuan còn được tích hợp các công nghệ giảm ồn tiên tiến.

Kết hợp với AIP, tính năng ưu việt này giúp các tàu ngầm lớp Yuan trở thành lớp tàu ngầm phi hạt nhân êm ái nhất của Hải quân Trung Quốc (PLAN).

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong nói về tên lửa YJ-18
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Du Wenlong nói về tên lửa YJ-18

Không những thế, tàu ngầm lớp Yuan còn có hệ thống vũ khí "ấn tượng". Ngoài 6 ống phóng ngư lôi 553mm, tàu còn được trang bị tên lửa hành trình chống tàu YJ-8/8A.

YJ-8/8A chỉ có tầm bắn tối đa từ 30-42km nhưng Trung Quốc đang có kế hoạch trang bị tăng cường cho tàu ngầm lớp Yuan các tên lửa hành trình chống tàu YJ-18, với tầm bắn tới 220km.

Hiện chưa rõ Pakistan có ý định trang bị những tên lửa này hay một loại khác (như tên lửa nội địa Hatf VII Babur) cho các tàu ngầm mua từ Trung Quốc.

Tham vọng chen chân vào Ấn Độ Dương

Giao dịch giữa Pakistan và Trung Quốc làm dấy lên một câu hỏi quan trọng: Tại sao Trung Quốc lại bán cho Pakistan những chiếc tàu này?

Theo The Diplomat, hiển nhiên là có lý do thương mại. Hiện chưa rõ Pakistan sẽ trả chính xác bao nhiêu tiền để mua tàu ngầm Trung Quốc, dù chắc chắn nó rơi vào khoảng vài tỷ USD.

Tuy nhiên, các nhà phân tích tại New Delhi lo ngại rằng đây sẽ là bước đệm của Trung Quốc để thực hiện tham vọng chen chân vào Ấn Độ Dương.

Khả năng này nên được nhìn nhận nghiêm túc bởi:

Đầu tiên, Ấn Độ Dương rất quan trọng với Trung Quốc vì nhiều lý do. Bắc Kinh có nhiều tuyến thương mại đường biển đi qua Ấn Độ Dương.

Những tuyến đường này là huyết mạch của nền kinh tế Trung Quốc, cho phép nước này nhập khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là hybrocarbon, và xuất khẩu các mặt hàng do Trung Quốc sản xuất.

Tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc tại cảng Karachi, Pakistan vào tháng 6/2015.
Tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc tại cảng Karachi, Pakistan vào tháng 6/2015.

Thứ hai, Trung Quốc gần đây đã triển khai tàu ngầm tới Ấn Độ Dương (trong đó có chuyến thăm của một tàu ngầm lớp Yuan tới Karachi).

Theo Bắc Kinh, những con tàu của nước này tới đó để tham gia vào chiến dịch chống hải tặc đang được tiến hành ở Vịnh Aden.

Điều này có phần đúng, song cũng có khả năng chúng tiến hành các cuộc tập trận, khảo sát và thậm chí là tuần tra tác chiến.

Đây đều là những hoạt động hữu ích cho các chiến dịch triển khai của Trung Quốc tới Ấn Độ Dương trong tương lai.

Thứ ba, Bắc Kinh rất quan tâm đến hình ảnh của mình và rất “thực tế” về khả năng triển khai lực lượng.

Theo báo cáo gần đây của trường US Naval War College, có vẻ Trung Quốc sẽ không xây dựng các căn cứ ở nước ngoài giống như Mỹ hay Pháp trong tương lai gần.

Đó là do nước này lo ngại làm kinh động các bên liên quan khác và lo không đủ khả năng điều động các nguồn lực hải quân về nước khi cần thiết.

Cuối cùng, Trung Quốc cách xa Ấn Độ Dương, trong khi Pakistan là đối tác thân cận nhất của Trung Quốc tại khu vực này.

Ngay cả nếu những chiếc tàu ngầm Trung Quốc có thể hoạt động trên biển nhiều tháng mà không cần tiếp liệu, các thủy thủ trên tàu cũng không thể làm được điều đó.

Có nơi thả neo tiện lợi gần khu vực mà chiếc tàu ngầm dự định triển khai hoạt động sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để luân phiên các kíp thủy thủ, cung cấp thực phẩm, vật dụng và tiến hành bảo dưỡng.

Tàu của PLAN đã ghé vào các cảng biển ở Oman, Djibouti và Aden trong suốt chiến dịch chống hải tặc ở Vịnh Aden.

Tuy nhiên, đó đếu là các tàu chiến mặt nước. Tàu ngầm đòi hỏi các cơ sở hạ tầng đặc biệt mới có thể hoạt động hiệu quả.

Bố trí một cơ sở tiếp tế (không phải căn cứ) tại quốc gia thân thiết nhất trong khu vực này sẽ là giải pháp hợp lý.

Cơ sở hải quân của Pakistan, nơi đã có những chiếc tàu ngầm neo đậu, có vẻ chính là địa điểm phù hợp.

Như vậy, Trung Quốc sẽ không cần bố trí thường trực một số lượng lớn nhân lực và thiết bị trên khoang tàu.

Nơi đây sẽ cung cấp cơ sở bảo dưỡng đầy đủ để thực hiện các đợt bảo dưỡng thường kỳ mà tàu ngầm nhất thiết phải có mới có thể hoạt động trơn tru trong thời gian dài.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại