VN không mua thêm, KNAAPO sẽ đóng cửa dây chuyền sản xuất Su-30?

Bình Nguyên - Huy Phong |

Nếu không có thêm đơn hàng nào được ký kết, khả năng cao là trong thời gian tới KNAAPO sẽ phải đóng cửa dây chuyền sản xuất dòng máy bay tiêm kích đa năng Su-30.

Tiêm kích đa năng Su-30 được sản xuất ở đâu?

Su-30 là phiên bản máy bay tiên phong của nhóm "Ông ba mươi" ("Тридцать" серий) gồm hàng loạt thiết kế máy bay tiêm kích nhiều mục đích phát triển trên cơ sở loại máy bay tiêm kích Su-27 trong giai đoạn cuối Liên xô đầu Liên bang Nga.

Su-30 được phát triển trên cơ sở các biến thể của máy bay tiêm kích Su-27, gồm các tổ hợp vũ khí có điều khiển chính xác và khí tài chiến đấu nhiều tính năng dùng để thực hiện nhiều loại hình nhiệm vụ chiến đấu khác nhau của lực lượng không quân chiến thuật.

Dòng máy bay này được xem như một bước chuyển có ý nghĩa quyết định giữa máy bay tiêm kích thế hệ 4 và máy bay tiêm kích thế hệ 4+ của ngành công nghiệp hàng không quân sự Nga.

Chúng có khả năng không chiến mạnh cả trong lẫn ngoài tầm nhìn, đồng thời tích hợp khả năng công kích mục tiêu mặt đất bằng vũ khí có điều khiển chính xác dựa trên nền tảng hệ thống khí tài vô tuyến điện tử nhiều tính năng.

Bên cạnh đó, nhóm máy bay tiêm kích này còn có khả năng tiến hành các hoạt động trinh sát chiến thuật như khí tượng, không ảnh, trinh sát điện tử, v.v bằng các khí tài trinh sát có sẵn hoặc treo ngoài.

Hiện nay dòng máy bay Sukhoi Su-30 đang được chế tạo và sản xuất bởi 2 tổ hợp công nghiệp hàng không gồm:

Liên hiệp chế tạo máy bay thành phố Irkutsk (IAPO) với sản phẩm chính là nhóm Su-30 "Nam Á" mà hạt nhân là phiên bản Su-30MKI trang bị cho KQ Ấn Độ, cùng các biến thể Su-30MKM trang bị cho KQ Malaysia và Su-30MKA trang bị cho KQ Algeri.


Su-30MKI của Ấn Độ.

Su-30MKI của Ấn Độ.

Ngoài các đặc tính chiến đấu chung, nhóm Su-30 "Nam Á", còn có các đặc tính chiến đấu thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ chế áp lực lượng máy bay tiêm kích phòng không tham gia chặn kích của đối phương trên không gian chiến trường đất liền.

Để giành ưu thế trong các cuộc cận chiến với máy bay tiêm kích phòng không đánh theo chiến thuật phục kích bất ngờ cất cánh từ các sân bay dã chiến phân tán của đối phương, nhóm Su-30 Nam Á được tăng cường hệ thống khí tài cảnh báo phòng vệ khi bị tấn công.

Đồng thời, nâng cao tính năng cơ động linh hoạt nhờ cánh lái mũi và động cơ lái hướng luồng phụt, đồng thời sử dụng kết hợp các khí tài điện tử do Phương Tây cung cấp.

Liên hiệp chế tạo máy bay Thanh niên cộng sản bên bờ sông Amua mang tên Y.A. Gagarin (KnAAPO) với sản phẩm chính là nhóm Su-30 "Đông Á" mà đại diện là phiên bản Su-30MKK trang bị cho Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.

Chúng được thiết kế chuyên cho nhiệm vụ chế áp mục tiêu mặt nước và tuần phòng kiểm soát không phận trên biển. Để phục vụ các nhiệm vụ chiến đấu này, nhóm Su-30 Đông Á không chú trọng tính năng cơ động siêu linh hoạt trong cận chiến như nhóm Su-30 Nam Á.

Tuy nhiên, ưu điểm vượt trội của chúng thể hiện ở khả năng mang trữ nhiên liệu bay đường dài và được trang bị khí tài thông tin liên lạc và tiếp chuyển tình báo tầm xa.


Su-30SM của Không quân Nga được phát triển từ Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: Airliners.net.

Su-30SM của Không quân Nga được phát triển từ Su-30MKI của Ấn Độ. Ảnh: Airliners.net.

KNAAPO sẽ đóng cửa dây chuyền sản xuất Su-30?

Trong khi IAPO bận rộn với những đơn hàng lớn cung cấp Su-30MKI cho Ấn Độ và Su-30SM cho Không quân và Không quân Hải quân Nga thì dây chuyền sản xuất Su-30 của KNAAPO lại đang đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động.

Nguyên nhân chính là họ chưa giành thêm được bất kỳ hợp đồng sản xuất máy bay Su-30 nào mà chỉ tập trung vào hoàn thiện những không cuối cùng để bàn giao Su-30MK2 cho Không quân Việt Nam và một số lượng nhỏ Su-30M2 cho Không Quân Nga.

Dự kiến, trong năm 2015 này, KNAAPO sẽ hoàn tất việc chuyển giao cho phía Việt Nam 8 chiếc Su-30MK2 còn lại trong hợp đồng đặt mua 12 chiếc.

Như vậy, toàn bộ các máy bay tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Việt Nam đã và đang được chuyển giao đều có xuất xứ từ Nhà máy KNAAPO.


Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Jetphotos.net.

Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam. Ảnh: Jetphotos.net.

Đầu năm tới, các máy bay Su-30M2 cuối cùng trong hợp đồng thứ 2 đặt mua 16 chiếc cũng sẽ được bàn giao cho Không quân Nga.

Gần đây, có thông tin Venezuela muốn mua thêm ít nhất 12 chiếc Su-30 nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng và bù đắp cho 1 chiếc Su-30MKV bị rơi đêm 17/9 khi đang truy đuổi một máy bay "xâm nhập bất hợp pháp" vào không phận nước này.

Phiên bản Su-30MKV của Venezuela thuộc dòng Su-30 "Đông Á" vốn thiết kế chuyên cho nhiệm vụ chế áp mục tiêu mặt nước và tuần phòng kiểm soát không phận trên biển.

Khi làm nhiệm vụ truy đuổi mục tiêu, nhất là các mục tiêu cỡ nhỏ bay thấp bám địa hình trên đất liền, dòng Su-30 này không bằng so với dòng Su-30 "Nam Á" của Irkutsk. Do vậy, rất có thể lần này Venezuela sẽ chuyển hướng sang sản phẩm của Irkutsk.

Bởi lẽ các máy bay do Irkutsk chế tạo có thiết kế chuyên biệt cho nhiệm vụ chế áp lực lượng máy bay tiêm kích phòng không tham gia chặn kích của đối phương trên không gian chiến trường đất liền.

Đích thân Tổng thống Nicolas Maduro tuyên bố sẽ mua thêm máy bay mới, nhưng dường như với tình trạng kinh tế khó khăn, chắc chắn quốc gia này sẽ phải mất khá nhiều thời gian để thu xếp nguồn tài chính.

Đợt mua sắm vũ khí trước đây, Venezuela tiếp cận được với nguồn tín dụng dồi dào của Nga. Lần này chính Nga cũng đang khó khăn, e là khó có thể "phóng tay" cấp thêm tín dụng cho nước này.

Trong khi đó, ông Kuznetsov Viktor Dmitrievich, TGĐ Công ty AVIAPROM (đơn vị đầu mối điều phối việc hợp tác kỹ thuật giữa các tổ hợp công nghiệp hàng không Liên Bang Nga) khẳng định rằng Irkutsk sẽ là đơn vị cung cấp máy bay chiến đấu mới cho Việt Nam.

Thế nên, nếu Việt Nam tiếp tục mua Su-30 thì chưa chắc KNAAPO đã nhận được đơn hàng.

Trên thực tế, tính đến tháng 9 này, KNAAPO chưa ký được thêm bất kỳ hợp đồng sản xuất máy bay Su-30 nào, trong khi họ phải tập trung toàn lực vào sản xuất Su-35S và chuẩn bị cho sản xuất loạt dòng tiêm kích tàng hình thế hệ 5 T-50 PAK-FA cho KQ Nga.

Trong thời gian tới, chắc chắn dây chuyền sản xuất Su-35 của KNAAPO sẽ phải chạy hết công suất nếu Không quân Nga chính thức đặt mua thêm 48 Su-35S và các hợp đồng với Trung Quốc, Indonesia và một vài nước khác được ký.

Vì thế, có lẽ chính KNAAPO cũng không mặn mà lắm trong việc chào bán thêm các máy bay Su-30 cho các quốc gia khác mà tập trung vào cháo bán dòng tiêm kích Su-35 thế hệ 4++ và sắp tới là tiêm kích tàng hình thế hệ 5.

Như vậy, nếu không có thêm đơn hàng nào được ký kết, khả năng cao là trong thời gian tới KNAAPO sẽ phải đóng cửa dây chuyền sản xuất dòng máy bay tiêm kích đa năng Su-30.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại