Trang mạng mil.news.sina.cn của Trung Quốc cho hay ngày 12/3 NATO đã điều 2 máy bay cảnh báo sớm E-3 Sentry đến khu vực biên giới Ukraine, bay trên không phận Ba Lan và Romania, để thu thập thông tin tình báo về tình hình Crimea. Trong khi đó, để đáp trả sự tăng cường chiến đấu cơ của Mỹ và NATO, Nga đã điều động thêm máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không AWACS A-50 đến Belarus.
Hiện nay trên thế giới tổng cộng 23 nước có máy bay cảnh báo sớm bao gồm Mỹ, Nga, Ấn Độ, Israel, Trung Quốc, Pakistan, Hy Lạp, Pháp, Thái Lan với hơn 230 máy bay, trong đó có 5 loại máy bay được sử dụng nhiều nhất.
Sina cho biết, tờ Lenta của Nga gần đây đã căn cứ vào số liệu sử dụng máy bay cảnh báo sớm của không quân và hải quân do Sở nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) công bố và dữ liệu của cổng thông tin Flightglobal MiliCAS và GlobalSecurity đưa ra danh sách 5 loại máy bay cảnh báo sớm hàng đầu thế giới, trong đó máy bay cảnh báo sớm KJ-200 của Trung Quốc đứng thứ 4.
Dưới đây là danh sách 5 loại máy bay này:
1. E-2 Hawkeye
E-2 Hawkeye
Máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye bắt đầu được phát triển từ những năm 1950, bay thử lần đầu tiên vào năm 1960 và chính thức gia nhập Hải quân Mỹ vào năm 1964.
Hiện tại, đây là loại máy bay cảnh báo sớm sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, có mặt ở 5 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Mỹ, Ai Cập, Đài Loan, Pháp và Nhật Bản, với 92 máy bay thuộc các đời E-2C/D/K/T. Trong đó một số máy bây được nâng cấp hiện đại, trang bị điện tử hàng không mới, nâng cấp radar và hệ thống phân biệt bạn-thù (IFF).
Máy bay thông dụng nhất E-2C dài 17,5 m, sải cánh 24,6 m, cao 5,6 m, tốc độ 598 km/h và bán kính tác chiến 320 km với trong thời gian hoạt động 4 giờ liên tục. E-2C có thể phát hiện mục tiêu trên không là máy bay ở khoảng cách xa tới 540 km hoặc tên lửa hành trình cách xa 260 km.
Hiện Mỹ đang phát triển loại máy bay E-2D tiên tiến hơn. Dự kiến E-2D sẽ được Hải quân Mỹ sử dụng vào năm 2015 với khoảng 75 chiếc.
2. E-3 Sentry
Dòng máy bay này do hãng Boeing Mỹ sản xuất vào đầu năm 1970 trên cơ sở máy bay Boeing 707-320, bay thử đầu tiên vào năm 1076 và chính thức trang bị cho Không quân Mỹ vào năm 1977.
E-3 Sentry chỉ xếp sau E-2 Hawkeye về mức độ phổ biến, hiện loại máy bay này đang được Anh, Mỹ, Ả Rập Saudi, Pháp và một số nước khác trong khối NATO sử dụng. Hiện có các loại E-3A/C/D/F.
E-3 Sentry dài 46,3m, sải cánh hai bên là 44,4m và cao 12,6m, khối lượng cất cánh tối đa đạt tới 157 tấn. Sức mạnh đến từ 4 động cơ Pratt&Whitney TF33-PW-100A cho E-3 Sentry đạt tốc độ tối đa 981km/h với tầm hoạt động 7.400km ở độ cao 12.500m.
Tác chiến trên E-3 Sentry là kíp phi công 4 người cùng đội ngũ chuyên viên tác chiến điện tử từ 13 đến 19 người.
Thời gian hoạt động liên tục 8 giờ trên không đảm bảo tốt các hoạt động tác chiến liên tục, hơn nữa nó còn có thể được tiếp dầu trên không từ máy bay KC-135 Stratotanker giúp tăng đáng kể khả năng quần thảo trên bầu trời cho E-3.
3. A- 50
Đây là dòng máy bay AWACS được phát triển vào năm 1970 trên nền tảng vận tải cơ Il-76MD, chính thức hoạt động năm 1989. Hiện có 29 chiếc đời A-50/U/EI đang hoạt động tại Nga và Ấn Độ. Riêng phiên bản A-50 ở Ấn Độ đã được hiện đại hóa với việc trang bị động cơ PS-90A-76 và loại radar Doppler EL/M-2075 theo công nghệ của Israel.
Nga cũng đã từng nghiên cứu máy bay cảnh báo đời A-50I cho Trung Quốc, nhưng chương trình liên quan không thể hoàn thành. Máy bay bàn giao cho Trung Quốc không được trang bị thiết bị của máy bay Il-76, sau đó loại máy bay này được dùng làm nền tảng hệ thống của KJ-2000 sản xuất trong nước của Trung Quốc.
A-50 có chiều dài 48,3m, sải cánh dài 50,5 m, cao 14,8 m, tốc độ tối đa 800 km/h, hoạt động trong suốt 9 giờ liên tiếp.
Được trang bị hệ thống vô tuyến Bumblebee, radar Doppler, A-50 có thể phát hiện máy bay ném bom ở khoảng cách 650 km, mục tiêu chiến đấu cơ cách xa 300 km và tên lửa hành trình ở 215 km. Nó cũng có thể phát hiện mục tiêu dưới đất ở khoảng cách lên đến 250 km.
Máy bay nâng cấp mới nhất đời A-50U hiện đang được sử dụng trong Không quân Nga. Loại máy bay A-50 có thể đồng thời theo dõi 300 mục tiêu, chỉ huy 30 máy bay tiêm kích, số lượng mục tiêu theo dõi của máy bay A-50U được tăng đáng kể. Một sự khác biệt nữa là nó được trang bị phòng nghỉ ngơi và phòng ăn cho phi công.
4. Máy bay KJ-200
Những thông tin công khai liên quan đến máy bay KJ-200 Trung Quốc không nhiều. Theo suy đoán, máy bay này được phát triển từ những năm đầu thế kỷ 20 trên nền tảng vận tải cơ quân sự Y-8, loại máy bay được tin là sao chép từ máy bay An-12 của Liên Xô.
KJ-200 được trang bị cho Không quân Trung Quốc vào năm 2009 và hiện Trung Quốc có tổng cộng 15 chiếc. Trong đó, có 2 chiếc thuộc quân đội Pakistan đã được trang bị hệ thống vô tuyến ZDK-03. Thời gian trước, Venezuela cũng từng để mắt tới dòng máy bay do thám này của Trung Quốc nhưng những hợp đồng mua bán vẫn chưa được ký kết.
KJ-200 có tốc độ 650 km/h và hoạt động ở phạm vi 5.600 km, trang bị một radar hình mái Doppler, giống với hệ thống Ericsson Erieye của Thụy Điển. KJ -200 được trang bị động cơ phản lực cánh quạt PW150B của Mỹ và hệ thống điện tử của công ty Honeywell.
5. Máy bay B737
B737
Dòng máy bay B737 được công ty Boeing Mỹ phát triển vào năm 2000, bay thử đầu tiên vào năm 2004 và chính thức trang bị cho không lực Australia 2009. Hiện loại máy bay có tổng cộng 11 chiếc trang bị cho các nước Australia, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc.
B737 được phát triển trên cơ sở máy bay chở khách B737-700IGW của Boeing và được xem như một loại phiên bản đơn giản của E-3 Sentry, dài 33,6 m, cao 12,5 m, sải cánh 35,8 m, tốc độ bay 850 km/h, phạm vi hoạt động 6500 km, trang bị radar quét điện tử MESA, có thể đồng thời phát hiện các mục tiêu ở trên không và trên biển và chỉ huy máy bay tấn công. Phát hiện mục tiêu trên không như máy bay ném bom ở khoảng cách 600 km, máy bay chiến đấu ở xa 370 km và phát hiện mục tiêu trên biển như tàu hộ vệ cách xa 240 km.
B737 có thể đồng thời theo dõi tới 180 mục tiêu và chỉ huy 24 máy bay chiến đấu. Nó cũng là loại máy bay được trang bị thiết bị trinh sát điện tử vô tuyến điện, có thể phát hiện nguồn bức xạ tần số vô tuyến ở khoảng cách lên đến 850 km từ độ cao 9000 m.