Theo Defense News, Đức đã từ đình chỉ thương vụ trị giá khoảng hơn 100 triệu USD giữa Rheinmetall và quân đội Nga, trong đó Rheinmetall cung cấp công nghệ mô phỏng cho một trung tâm huấn luyện chiến đấu của Nga. Hợp đồng này đã được ký kết từ 2 năm trước và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay.
Trong khi đó, tạp chí quốc phòng IHS Jane's tiết lộ Anh đã tạm ngừng cấp giấy phép sản xuất trên lãnh thổ Nga các loại súng trường bắn tỉa, đạn cũng như một số linh kiện sử dụng cho máy bay và trực thăng. Tổng giá trị giấy phép bị tạm ngừng khoảng 133 triệu USD. Chính phủ Anh cũng ngừng xuất khẩu quân sự sang Ukraine.
Sau khi tuyên bố đình xuất khẩu quân sự sang Nga, chính phủ Đức và Anh cho biết quyết định của họ liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Crimea.
Moscow đã lên tiếng cực lực chỉ trích Anh khi quyết định ngừng một phần hợp tác quân sự với Nga để phản đối việc Moscow muốn sáp nhập Crimea.
Hãng Interfax dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Anatoly Antonov cho hay: "Việc đơn phương cắt bớt hợp tác quân sự đã hủy bỏ mọi điều tích cực từng đạt được một cách khó khăn trong những năm gần đây".
Bên cạnh đó, cũng theo tạp chí quốc phòng Jane's, Pháp đang cân nhắc tạm ngừng xuất khẩu quân sự sang Nga. Hiện tại, Paris đang thực hiện hợp đồng đóng 2 tàu độ bộ trực thăng lớp Mistral cho Bộ Quốc phòng Nga. Tuy nhiên, quyết định chính thức chưa được đưa ra vì Pháp cho rằng hủy bỏ hợp đồng cung cấp tàu đổ bộ là “biện pháp cuối cùng”.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cảnh báo Pháp rằng trước khi cắt hợp đồng, Paris nên tính toán mức thiệt hại sẽ phải chịu.
"Sóng gió trên bán đảo Crimea sẽ lặng dần và các mối quan hệ sẽ được khôi phục. Khi các chính trị gia châu Âu đưa ra một tuyên bố như vậy ngày hôm nay, họ nên nghĩ về hậu quả, chủ yếu liên quan tới lợi ích của chính đất nước họ. Cá nhân tôi đề nghị Ngoại trưởng Pháp và các chính trị gia châu Âu hãy bình tĩnh. Nếu không, họ sẽ có những bước đi mà chắc chắn kéo theo những hậu quả đáng kể" - Ông Rogozin nói.