Hiện nay cả Ukraine lẫn Nga đều đang cáo buộc nhau là thủ phạm bắn rơi MH17. Phía Ukraine cho rằng máy bay bị bắn rơi bởi tên lửa đất đối không Buk của quân ly khai, một số quan chức thậm chí còn cáo buộc tên lửa được Nga cung cấp kèm theo sự trợ giúp về mặt kỹ thuật. Mỹ đã công bố các dữ liệu cho thấy một tên lửa đất đối không được bắn từ vùng do phe ly khai kiểm soát.
Ngược lại, Nga đặt ra câu hỏi về việc 2 chiếc Su-25 của Ukraine xuất hiện bên cạnh MH17 trước khi bị rơi với khoảng cách chỉ 3 - 5km. Cự ly này được cho là phù hợp để sử dụng tên lửa không đối không R-60 hoặc loại tương tự là R-73 có khả năng được trang bị trên các máy bay Su-25 (tuy nhiên theo một số thông tin thì Su-25 của Ukraine dường như chỉ trang bị R-60).
Mặc dù vậy Nga vẫn nghiêng về giả thiết MH17 bị bắn rơi bằng tên lửa đất đối không khi họ công bố các hình ảnh vệ tinh bố trí tên lửa Buk của Ukraine cũng như dữ liệu về sự tăng tần suất hoạt động của hệ thống radar tên lửa Buk.
Như vậy ở đây đã xuất hiện câu hỏi máy bay MH17 bị bắn bởi tên lửa nào, Buk hay R-60 và liệu những gì thu được tại hiện trường có thể giải đáp những bí ẩn đó?
Tên lửa R-60 được trang bị trên máy bay Su-25 của Ukraine
Để trả lời câu hỏi trên, ngoài việc giải mã hộp đen thì việc tìm chứng cứ tại hiện trường cũng rất quan trọng. Trong hộp đen có thể có được lời thoại của phi hành đoàn nói về việc tên lửa xuất phát ở đâu nếu như phi công nhìn thấy, cũng có thể họ không thấy được tên lửa nhưng hộp đen sẽ chỉ ra máy bay bị hỏng tại vị trí nào. Điều này cũng đưa ra gợi ý về loại tên lửa nào đã bắn rơi máy bay.
Thông thường đầu đạn của tên lửa đất đối không như Buk khi nổ sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ kim loại nhỏ trong một bán kính rộng. Máy bay với tốc độ cao khi bay qua đám mây kim loại này cùng với sóng xung kích sẽ bị xé nát nhiều vị trí dẫn đến hỏng hóc nhiều bộ phận và rơi.
Từ đó có thể thấy rằng nếu như máy bay bị hỏng ở nhiều vị trí cùng lúc ví dụ như hệ thống điện bị đứt, thùng dầu ở cánh bị thủng gây tụt áp hệ thống nhiên liệu... thì khả năng cao thủ phạm là tên lửa Buk. Điều này có thể được ghi lại trong hộp đen
Đối với tên lửa R-60 hoặc R-73 được trang bị trên Su-25 hoạt động theo nguyên lý tầm nhiệt do vậy nó sẽ đuổi theo luồng khí nóng của động cơ. Cùng với đó thì đầu đạn của R-60 chỉ có 3 kg, R-73 là 7,4 kg so với 70 kg của đầu đạn Buk. Vì vậy, phạm vi phá hủy trên máy bay cũng nhỏ hơn và thường tập trung vào phía sau.
Tuy nhiên việc phân tích hiện trường mới có thể đưa lại nhiều thông tin chính xác nhất. Trước hết đó là xem mức độ và phạm vi cũng như cách thức phá hủy trên xác máy bay. Như đã nói ở trên, phạm vi rộng ở nhiều bộ phận của máy bay thì khả năng cao thủ phạm là tên lửa Buk. Ngược lại, phạm vi nhỏ và tập trung ở khoang động cơ thì thủ phạm là tên lửa R-60.
Như vậy từ dữ liệu hộp đen và phân tích hiện trường là có thể có được câu trả lời Buk hay R-60 hoặc R-73 là thủ phạm.
Mảnh vỡ từ hiện trường MH17 cho thấy nhiều lỗ thủng nhỏ ở khắp máy bay khiến Buk được cho là thủ phạm
Nhưng từ hiện trường không chỉ có vậy, mặc dù trải dài trên một phạm vi rộng lớn nhưng rất có thể sẽ tìm được mảnh vỡ từ quả tên lửa. Nếu tìm được thì đó là lời khẳng định chắc chắn nhất.
Và nếu may mắn hơn nữa, trên mảnh vỡ này còn sót lại số hiệu thì ta sẽ biết tên lửa đó thuộc về phe nào. Thường trên những bộ phận, khối máy của tên lửa đều được đánh số xuất xưởng để tiện cho việc sản xuất cũng như bảo dưỡng, sữa chữa kỹ thuật. Những tham số hay sự thay đổi đều được ghi lại trong các quyển lý lịch kèm theo.
Mặc dù việc tìm được những mảnh vỡ từ tên lửa thực sự rất khó nhưng biết đâu điều đó có thể xảy ra và thủ phạm thực sự sẽ bị phơi bày dưới ánh sáng.
Mảnh vỡ thu được từ vụ thử tên lửa đất đối không S-300 của Nga với số hiệu còn rõ
Hệ thống Buk-M1-2 bắn đạn thật
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA