Các loại tên lửa chủ lực của Không quân Việt Nam (P1)
Thông số kỹ thuật tên lửa R-73
Trọng lượng: 105 kg
Chiều dài: 2,9m
Đường kính: 170 mm
Sải cánh: 510 mm
Vận tốc: Mach 2,5
Tầm bắn: 0,3 - 40 km
Độ cao khai hỏa: 0,02 -20 km
Đầu nổ: 8 kg
Khả năng chịu tải tối đa: 12G
R-73 là loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn tiêu chuẩn của Nga, được phát triển bởi cục thiết kế Vympel dựa trên những kinh nghiệm thu được từ loại tên lửa đối không tầm ngắn đời cũ R-60, bắt đầu đưa vào biên chế từ năm 1984.
R-73 nằm trong kho vũ khí của tiêm kích MiG-23MLD, MiG-29 và Su-27 cũng như các loại trực thăng Mi-24, Mi-28, Ka-50... R-73 cũng có thể sử dụng trên các máy bay vốn không có hệ thống ngắm bắn phức tạp.
Tên lửa đối không tầm ngắn R-73 (AA-11 Archer)
Hiện tại, R-73 vẫn là loại tên lửa đối không tầm ngắn hiện đại nhất của Nga. Ngoài khả năng linh hoạt tuyệt vời, R-73 còn có thể kết nối trực tiếp với mũ bay của phi công, cho phép công kích các mục tiêu ở cạnh sườn máy bay, điều vốn không thể thực hiện được với các loại tên lửa có phương cách nhắm bắn và điều hướng thông thường.
Thời điểm ra đời, tiêm kích MiG-29 với tên lửa R-73 được điều khiển qua mũ phi công đã thể hiện khả năng không chiến tầm gần vượt trội so với máy bay phương Tây. Phiên bản đời cũ R-73A có tầm bắn 30 km trong khi phiên bản R-73M mới nhất có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 40km.
Tiêm kích Mig-21-93 với tên lửa R-73 và R-77
Nhìn bề ngoài có vẻ như R-73 chỉ là phiên bản phóng to của R-60 để chứa đầu dò hiệu quả hơn, đầu nổ lớn hơn và động cơ mạnh mẽ hơn. Thiết kế của tên lửa R-73 có các cánh khí động học ở phía đầu, thân tên lửa bao gồm các thành phần như đầu dò tín hiệu nhiệt, hệ thống lái khí động bề mặt, thiết bị điều khiển bay, ngòi nổ, đầu nổ sát thương, động cơ tên lửa, hệ thống kiểm soát khí động và thiết bị lái các cánh phụ. Sự kết hợp các yếu tố hàng không-khí động học giúp cho R-73 có khả năng cơ động nhanh và cực kỳ linh hoạt.
Đầu dò tín hiệu nhiệt thụ động có vai trò hỗ trợ khóa mục tiêu trước khi phóng tên lửa, việc điều hướng tới vị trí dự đoán được lập trình bởi thuật toán đặc biệt, đúng nghĩa vũ khí bắn-và-quên khi tên lửa sẽ đuổi theo mục tiêu mà không cần sự tác động của phi công. Thành phần chiến đấu của tên lửa bao gồm ngòi nổ chủ động kích hoạt bằng radar hoặc laser và ngòi nổ chạm đích, tiếp theo là đầu nổ nặng 8 kg.
Tên lửa R-73 trên tiêm kích Su-30 của trung đoàn 923
Tầm bắn tối đa của R-73 vào khoảng 30-40 km với phiên bản mới nhất, trong khi đó tầm bắn tối thiểu là 300m giúp loại tên lửa này cực kỳ hữu dụng trong các trận không chiến quần vòng (dogfight).
Hiện nay bên cạnh các mẫu máy bay đời mới như Su-27, Su-30 hay Su-34 thì các máy bay đời cũ nâng cấp cũng có thể sử dụng tên lửa R-73 như MiG-21, MiG-23, Su-25. Trong nhiều trường hợp, tên lửa R-73 còn được lắp bên cạnh loại R-60 trên sải cánh máy bay chiến đấu.
R-73 là vũ khí không chiến tầm gần của Su-30 Việt Nam
Có thể nói các kỹ sư đến từ cục thiết kế Vympel - Nga đã chế tạo ra một loại vũ khí không-đối-không đa năng để dễ dàng lắp đặt và sử dụng trên nhiều loại máy bay tiêm kích cũ lẫn hiện đại, giúp chúng có khả năng không chiến hiệu quả với các loại tiêm kích chủ lực của Mỹ như F-15 và F-16. Việc sử dụng công nghệ mới với động cơ mạnh mẽ, hệ thống điều hướng tinh vi và khả năng cơ động linh hoạt giúp cho AA-11 có kích thước nhỏ nhất có thể mà vẫn đảm bảo sự hiệu quả đáng sợ.
Cánh đuôi của tên lửa R-73 gắn trên máy bay Su-30
Tên lửa R-73 hiện được trang bị cho tiêm kích Su-27 và Su-30 của Không quân Việt Nam để sử dụng trong các cuộc không chiến tầm gần bên cạnh những loại tên lửa dẫn đường bằng radar hiện đại khác.
Tên lửa R-73 được bắn đi từ tiêm kích MiG-29
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA