Liệu Nga có điều 2 khinh hạm hiện đại nhất đánh IS?

Ly Vy |

Màn phô diễn sức mạnh của Quân đội Nga nói chung và Hải quân Nga nói riêng trong chiến dịch chống IS tại Syria cần có yếu tố bất ngờ nếu muốn tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh.

Yếu tố bất ngờ

Hải quân Nga bắt đầu trực tiếp tham chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào ngày 07/10, khi các tàu chiến thuộc Hạm đội biển Caspian phóng tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu IS ở Syria.

Gần đây nhất, ngày 08/12, Bộ Quốc phòng Nga công bố hình ảnh cho thấy tàu ngầm Rostov-on-Don (lớp Kilo) đã phóng tên lửa Kalibr từ vùng biển Địa Trung Hải vào thành phố Raqqa, thủ phủ của IS tại Syria.

Tàu ngầm Kilo của Nga phóng tên lửa hành trình Kalibr diệt IS hôm 8/12.

 

Việc Hải quân Nga tham chiến có thể coi là bước mở rộng quy mô trong chiến dịch quân sự của Moscow tại khu vực này.

Tuy nhiên, có nhiều đánh giá cho rằng đây còn là màn phô diễn sức mạnh của Nga, khi chi phí của mỗi quả tên lửa Kalibr lớn hơn nhiều so với các loại bom mà Không quân Nga dùng để không kích IS, trong khi hiệu quả không vượt trội hơn nhiều.


Tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M.

Tàu tên lửa cỡ nhỏ lớp Buyan-M.

Có thể thấy màn phô diễn sức mạnh quân sự của Quân đội Nga nói chung và Hải quân Nga nói riêng nếu muốn tạo ra hiệu ứng truyền thông mạnh thì cần phải có yếu tố bất ngờ.

Trong lần đầu tiên tham chiến chống IS, Hải quân Nga đã làm được điều này khi lần đầu sử dụng các tên lửa hành trình đánh đất phóng từ tàu chiến, vượt qua quãng đường rất xa để đến mục tiêu ở Syria.

Đến lần phóng tiếp theo vào ngày 20/11, yếu tố bất ngờ này đã không còn.

Tàu chiến Nga nã tên lửa vào IS từ biển Caspian hôm 20/11

Người Nga dường như hiểu rất rõ điều này, vì vậy, vào ngày 08/12, Moscow công bố hình ảnh tàu ngầm lớp Kilo Rostov-on-Don phóng tên lửa khi đang lặn, tạo nên một sự bất ngờ lớn khác cho cả giới quân sự và truyền thông.

Như vậy, qua 3 đợt tấn công bằng tên lửa (đã được xác nhận) của Hải quân Nga vào tổ chức khủng bố IS, ta có thể thấy một điểm chung như sau:

Các cuộc tấn công đều sử dụng tên lửa 3M-14 đánh đất thuộc họ tên lửa Kalibr. Do đặc thù các căn cứ của IS nằm sâu trong vùng nội địa Syria nên các tàu mặt nước, tàu ngầm phải sử dụng tên lửa tầm xa thì mới có thể tiêu diệt mục tiêu.

Trong 3 đợt tấn công, 2 đợt vào ngày 07/10 và 08/12 là tạo được nhiều hiệu ứng và tiếng vang nhất.

Do đó, nếu trong tương lai, Hải quân Nga tiếp tục tấn công IS thì điều đầu tiên là họ sẽ tiếp tục sử dụng tên lửa 3M-14 và thứ nữa là người Nga sẽ tìm cách tạo ra một bất ngờ mới.

Vậy Hải quân Nga sẽ còn bất ngờ gì "dành tặng cho IS"?

Đó có thể là 2 khinh hạm Admiral GoshkovAdmiral Grigorovich đang được Hải quân Nga thử nghiệm.


Khinh hạm Admiral Goshkov thuộc đề án 22350.

Khinh hạm Admiral Goshkov thuộc đề án 22350.

Khinh hạm Admiral Goshkov là chiếc tàu đầu tiên thuộc đề án 22350 đóng cho Hải quân Nga. Đây là mẫu tàu chiến lớn nhất do nước này đóng mới sau khi Liên Xô tan rã.

Khinh hạm thuộc đề án 22350 được trang bị nhiều thiết bị và vũ khí hiện đại, có thể kể đến 16 ống phóng thẳng đứng đa năng UKSK cho tên lửa Kalibr, Yakhont hoặc Brahmos, 32 ống phóng thẳng đứng cho hệ thống tên lửa phòng không Redut,...

So với các tàu tên lửa lớp Buyan-M và tàu Dagestan lớp Gepard tấn công IS hồi tháng 10 thì số lượng đạn 3M-14 mà tàu Admiral Goshkov mang được là gấp đôi (16 so với 8 quả). Như vậy, một loạt phóng của nó sẽ tấn công được nhiều mục tiêu hơn.


Khinh hạm Admiral Grigorovich thuộc đề án 11356.

Khinh hạm Admiral Grigorovich thuộc đề án 11356.

Còn với khinh hạm Admiral Grigorovich, đây là thiết kế sửa đổi từ đề án 11356 đóng cho Ấn Độ với một số thay đổi dành riêng cho Hải quân Nga.

Con tàu cũng được trang bị nhiều loại vũ khí hiện đại gồm 8 ống phóng UKSK và 24 ống phóng thẳng đứng cho tên lửa phòng không Shtil-1...

Như vậy, có thể thấy 2 khinh hạm Admiral Goshkov và Admiral Grigorovich đều có thể thực hiện các cuộc tấn công vào mục tiêu của IS nhờ sử dụng tên lửa 3M-14.

Tuy hiện nay 2 tàu đều đang trong quá trình thử nghiệm, chưa biên chế nhưng Hải quân Nga hoàn toàn có thể nhân cơ hội này thử nghiệm thực tế chiến đấu của cả 2 tàu trước khi trang bị chính thức.

Ngoài ra, do 2 con tàu đều đang thử nghiệm xung quanh khu vực biển Trắng và biển Baltic, nếu tham chiến, chúng bắt buộc phải di chuyển một quãng đường dài để đến vùng biển Địa Trung Hải nên đây còn là cơ hội tốt để huấn luyện thủy thủ đoàn hoạt động dài ngày.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại