Hạm đội Caspian Nga – Kẻ thay đổi cuộc chơi ở Syria?

Hải Vy |

Giới chuyên gia đã buộc phải thay đổi cách nhìn nhận về Hạm đội Caspian sau cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào các mục tiêu IS ở Syria hôm 7/10.

Tàu chiến nhỏ, sức mạnh lớn

Rất ít nhà chiến lược hải quân đánh giá cao Hạm đội Caspian của Nga, do phần lớn các tàu hải quân của lực lượng này là tàu tên lửa cỡ nhỏ hoặc tàu gần tra, chúng đều có lượng giãn nước dưới 1.000 tấn.

Tuy nhiên, cách nhìn nhận này đã thay đổi khi ngày 7/10 vừa qua, 4 tàu chiến thuộc Hạm đội Caspian phóng 26 tên lửa hành trình SS-N-30A (Kalibr) vào các mục tiêu IS tại Syria từ khoảng cách gần 1.000 hải lý.

“Cuộc tấn công từ biển Caspian không chỉ nhằm vào các mục tiêu tại Syria”, một quan chức Mỹ nói, “lực lượng của họ ngay tại Syria cũng đủ để thực hiện vụ tấn công này”.

“Đó đích xác là thông điệp gửi đến thế giới và Mỹ rằng đây là thứ năng lực mà người Nga đã có và có thể sử dụng tới nó” – vị quan chức Mỹ nhấn mạnh.

Theo trang mạng Defense News (Mỹ), loại tên lửa Kalibr được sử dụng trong cuộc tấn công hôm 7/10 là phiên bản cải tiến của tên lửa hành trình tấn công mặt đất Granat. Nó tương tự như tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ, di chuyển với tốc độ cận âm.

Được Nga gọi là 3M-14T và NATO định danh là SS-N-30A, phiên bản tên lửa Kalibr tầm xa này mới đạt được khả năng hoạt động gần đây.

Phiên bản phóng từ tàu ngầm cũng được Nga đưa vào trang bị, cùng với phiên bản phóng từ tàu chiến mặt nước trên các tàu chiến kích cỡ lớn hơn như tàu hộ vệ hạng nhẹ Dagestan thuộc đề án 1161K lớp Gepard.

Đây là 1 trong 4 con tàu tham gia cuộc tấn công hôm 7/10, 3 chiếc còn lại là tàu tên lửa Buyan-M.

Tàu Dagestan phóng tên lửa trong 1 cuộc tập trận vào năm 2012.
Tàu Dagestan phóng tên lửa trong 1 cuộc tập trận vào năm 2012.

Theo Defense News, cho tới hiện tại, vẫn chưa rõ những tàu chiến có kích cỡ nhỏ hơn, như các tàu hộ tống tên lửa Buyan-M đề án 21631 có bắn được loại tên lửa này không.

“Đây không phải là loại tên lửa thường được trang bị trên các tàu hộ tống, chúng thường mang các tên lửa tầm ngắn hơn so với phiên bản tấn công mặt đất” – Bryan Clark, nhà phân tích hải quân tại Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách ở Washington nhận định.

Milan Vego, một nhà nghiên cứu lâu năm về các tàu chiến cỡ nhỏ cho rằng nhiều nhà phân tích hải quân không nhận thấy những khả năng của loại tàu này.

“Các lực lượng hải quân viễn dương, như của Mỹ và một số quốc gia khác, phải để ý hơn tới những gì đang diễn ra. Những con tàu nhỏ này có lượng giãn nước chưa đầy 1.000 tấn.

Sẽ rất nguy hiểm nếu xem nhẹ chúng, đặc biệt là tại những eo biển nhỏ, nơi chúng có thể gây ra rất nhiều tổn thất cho đối phương”.


3 tàu Buyan-M xuất hiện trong cuộc tấn công IS hôm 7/10. Ảnh chụp từ video do Bộ QP Nga công bố.

3 tàu Buyan-M xuất hiện trong cuộc tấn công IS hôm 7/10. Ảnh chụp từ video do Bộ QP Nga công bố.

Dagestan là 1 trong 2 tàu lớp Gepard trong biên chế Hải quân Nga có lượng giãn nước đầy tải 1.961 tấn. Theo tạp chí IHS Jane’s, chúng được hoàn thiện vào năm 2012 sau quá trình chế tạo kéo dài tại nhà máy Zelenodolsk. Cả 2 chiếc đều được trang bị cho Hạm đội Caspian.

3 chiếc Buyan-M của Hạm đội Caspian nằm trong số 6 chiếc tàu loại này được đóng tại Zelenodolsk, với lượng giãn nước 949 tấn.

Tàu Buyan-M được cho là trang bị 1 hệ thống phóng tên lửa thẳng đứng với 8 ống phóng lắp đặt ở giữa tàu, có thể phóng tên lửa SS-N-27.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên chúng thể hiện khả năng bắn tên lửa tầm xa Kalibr.

Nga phô trương sức mạnh

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố tất cả 26 tên lửa đã bắn trúng 11 mục tiêu IS ở Syria. Song theo Defense News, không rõ trên thực tế, hiệu quả của các cuộc tấn công tên lửa này tới đâu.

Các nguồn tin từ Lầu Năm Góc cho biết, phần lớn các tên lửa nhằm vào khu vực xung quanh Aleppo, trong khi đây không phải là nơi có hoạt động của IS.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, các tên lửa đã băng qua Iran và Iraq trước khi tới Syria, Moscow đã nhận được sự cho phép của 2 quốc gia này trước khi thực hiện vụ tấn công.

Hôm 8/10, xuất hiện thông tin 4 trong 26 tên lửa Nga đã rơi xuống Iran trước khi tới được các mục tiêu ở Syria. Trong khi Nga kịch liệt bác bỏ thì Lầu Năm Góc lại vô cùng tự tin rằng cáo buộc này là chính xác.

Theo Vego, mục đích chính của cuộc tấn công trên biển này không phải là mang lại hiệu quả quân sự.

“Đó là đòn tâm lý”, Vego nói, “Tôi không cho rằng nó mang lại nhiều hiệu quả quân sự. Đó đúng hơn là phô trương sức mạnh”.

Nhà phân tích Clark chỉ ra những tính toán phức tạp có liên quan trong vụ tấn công của Nga. Theo Clark, vụ tấn công này diễn ra trong một môi trường hỗn loạn bởi các cuộc tấn công đồng thời bằng tên lửa và máy bay của Nga.

“Các cuộc tấn công này chủ yếu làm bộc lộ những bước tiến đáng kể của Nga trong lĩnh vực kiểm soát và chỉ huy”, Clark nói, “Chúng bao gồm việc giảm bớt nguy cơ chồng chéo giữa các tên lửa và máy bay trong cùng một không phận". Đây là một thành công lớn.

Theo Clark, bắn tên lửa vào các mục tiêu cố định trên bộ cũng đơn giản hóa cuộc tấn công, bởi các con tàu không cần dùng đến các cảm biến tinh vi hay các hệ thống kiểm soát hỏa lực để tiêu diệt mục tiêu.

Chúng sẽ nhận được thông tin về vị trí của mục tiêu từ một phương tiện khác và tất cả những gì cần làm là đưa dữ liệu đó vào tên lửa.

Đối với mục tiêu di động thì quy trình này phức tạp hơn rất nhiều.

Clark nhận đinh, cuộc tấn công là một minh chứng cho khái niệm “phân bổ sát thương”, trong đó các loại vũ khí và cảm biến không cần tập trung trên cùng 1 phương tiện mang cỡ lớn mà có thể được chia ra thành nhiều đơn vị nhỏ.

“Nga đang áp dụng mô hình này nhanh hơn Mỹ”, Clark nói.

Những ý kiến ủng hộ mô hình này cho rằng có thể phân bổ sức mạnh hỏa lực trên nhiều tàu chiến cỡ nhỏ. Khi tản ra, chúng khiến đối phương khó tấn công hơn. Còn khi tập hợp, chúng mang lại sức mạnh hỏa lực tương đương như khi chưa phân tách.

“Các tàu hộ tống 900 tấn này của Nga khó phát hiện hơn là 1 tàu tuần duyên (LCS) 4.000 tấn của Mỹ. Người ta có thể mua các tàu này với số lượng lớn và chúng có thể mang theo các loại vũ khí tấn công mặt đất” – Clark nói.

“Không giống như LCS, chúng có thể mang lại hiệu quả tấn công mặt đất lớn hơn những gì mà Hải quân Mỹ đang theo đuổi”.

Hải quân Mỹ hiện đang phát triển một phiên bản vũ trang hạng nặng của LCS, gọi là khinh hạm LCS. Tuy nhiên, những con tàu này dường như không được trang bị loại vũ khí nào tương tự như Kalibr.

“Chúng ta có một lớp tàu mới nhưng lại không trang bị cho chúng thứ vũ khí nào như loại tên lửa này”, Clark nói, “Hải quân Mỹ nên cảm thấy xấu hổ khi họ để chuyện như vậy xảy ra”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại