Mỹ không thể đủ gan phiêu lưu quân sự mới
Có thể nói, vấn đề Syria tại cuộc gặp thượng đỉnh G-8 ngày 17/6 đã không đạt được bất cứ tiến triển nào. Các nước Phương Tây “dù 7 đánh 1” đã không thể thuyết phục được Nga thỏa hiệp. Tổng thống V.Putin vẫn quyết không bỏ rơi B. Assad.
Dù trong các cuộc họp báo, các bên đều có những tuyên bố bày tỏ “sự mong muốn” hoặc “nhất trí sẽ….” này khác nhưng đằng sau các ngôn từ ngoại giao thì bản chất vấn đề chỉ có một: các bên đều giữ quan điểm của mình và sẽ hành động theo cách nghĩ riêng.
Trước hội nghị thượng đỉnh, Mỹ đã có một số động thái mà nhiều nhà phân tích cho rằng đó là các bước đi chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
Có thể liệt kê ngắn gọn như sau: Ngày 15/6, 300 lính thủy đánh bộ cùng hệ thống tên lửa phòng không “Patriot”, máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã được triển khai ở phía bắc Jordan, sát biên giới Syria trong khuôn khổ cuộc tập trận chung “Sư tử dũng mãnh” với nhiều quốc gia khác.
Tuy nhiên ai cũng hiểu là sau cuộc tập trận, lính Mỹ sẽ ở lại một thời gian (khoảng vài tháng), “Patriot”, F-16 cùng một số vũ khí khác sẽ được chuyển giao cho Jordan (chuẩn bị cho việc thiết lập vùng cấm bay nếu có quyết định như vậy).
Mỹ cũng đã tuyên bố về kế hoạch hỗ trợ vũ khí cho quân nổi dậy Syria và ý định thiết lập vùng cấm bay dọc biên giới Syria – Jordan vào sâu 25 dặm (40 km) trong lãnh thổ Syria. Tuy nhiên, vẫn chưa có quyết định chính thức nào về “kế hoạch quân sự” (Tổng thống Obama vẫn đang tư vấn Quốc hội Mỹ và với các nhà lãnh đạo nhóm G-8 vào hai ngày 17 và 18/6 ).
Trước đó, vào tháng 3, Mỹ cũng điều tàu sân bay hạt nhân Eisenhower cùng nhiều máy bay chiến đấu từ Vịnh Ba Tư đến Địa Trung Hải, đồng thời Cục quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) cùng đồng minh của Mỹ triển khai nhiệm vụ huấn luyện cho quân nổi dậy Syria.
Quốc hội Mỹ đang xem xét một dự thảo luật dành 250 triệu USD để hỗ trợ việc thành lập các định chế chính quyền chuyển tiếp, cung cấp vũ khí và huấn luyện, trang bị cho lực lượng đối lập ở nước này.
Ở một phía khác, báo chí phương Tây đưa tin Chính quyền Iran đã quyết định cử 4.000 binh sỹ thuộc lực lượng tinh nhuệ Vệ binh cách mạng đến giúp chính quyền Syria (đây chỉ là số quân đầu tiên).
Trước đó, lực lượng Hezbollah cũng đã trực tiếp tham chiến tại nước này bên cạnh lực lượng quân chính phủ Syria. Mới đây, thủ lĩnh lực lượng này tuyên bố là sẽ tham chiến tại Syria cho đến “khi nào còn thấy cần thiết”.
Bối cảnh tại Syria hiện nay làm người ta nhớ lại những diễn biến ở Libya trước khi Mỹ và các đồng minh thiết lập vùng cấm bay ở nước này dẫn đến sự sụp đổ của Chính quyền Gaddafi 2 năm trước đây.
Vào thời điểm đó, quân chính phủ Libya đang giành lại quyền kiểm soát thành phố chiến lược Benghazi, còn hiện nay quân chính phủ Syria cũng đang ở nỗ lực chiếm lại các thành phố và khu dân cư vốn là thành trì của phe đối lập, đặc biệt là thành phố chiến lược Aleppo. Những động thái trên của Mỹ làm nhiều người nghĩ rằng: một cuộc can thiệp quân sự theo kịch bản Libya có vẻ như sắp diễn ra.
Nhưng liệu Mỹ có đủ “dũng cảm” để khởi động một cuộc phiêu lưu quân sự mới hay không? Nếu xét trên nhiều góc độ thì khả năng này rất khó xảy ra, vì sao? Xin cùng bạn đọc xem xét một số yếu tố.
Các lý do khiến Mỹ chưa thể can thiệp quân sự trực tiếp vào Syria
Thứ nhất: Can thiệp quân sự vào Syria là một cuộc phiêu lưu có thể dẫn đến một kết cục không thể lường trước. Vấn để là ở chỗ, một cuộc can thiệp như vậy sẽ làm cho cả khu vực trở nên không thể kiểm soát được.
Ngoài ra, trước đây Nga cung cấp vũ khí cho Syria (giờ vẫn tiếp tục). Chính tổng thống Nga V. Putin tái khẳng định hôm 16/6 tại Anh là “Nga cung cấp vũ khí cho chính phủ hợp pháp ở Syria là hoàn toàn phù hợp với các chuẩn mực của luật pháp quốc tế” và “chúng tôi không vi phạm điều gì và mong muốn các nước khác cũng làm như vậy”.
Trước đó, vào tháng 2/2013, Phó Thủ tướng Nga phụ trách công nghiệp quốc phòng Rogozin cũng đã khẳng định là các hợp đồng cung cấp vũ khí cho Syria sẽ được thực hiện. Nói như vậy có nghĩa là Nga sẽ tiếp thực hiện các hợp đồng bán vũ khí cho chính phủ Syria (trong đó có S-300) dù các nước khác có muốn hay không.
Mỹ có thể cung cấp vũ khí cho phe đối lập (không theo một hợp đồng nào cả và xin lưu ý là đến nay Mỹ vẫn công nhận chính quyền B. Assad là hợp pháp).
Như vậy, tình huống ở đây là hai nước Nga và Mỹ vốn là đối thủ trong Chiến tranh Lạnh, giờ lại đứng trên hai chiến tuyến đối lập. Thêm một vấn đề nữa đối với Mỹ là xác suất xảy ra khủng bố ngay trong lòng nước Mỹ do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành sẽ rất cao, phong trào thánh chiến sẽ mở rộng.
Thứ hai: Khác với Iraq, Syria thực sự có vũ khí hóa học. Theo các tính toán khác nhau thì hiện nay trong các kho của quân đội Syria có tới 100 tấn chất độc tác chiến, chỉ sau Mỹ và Nga. Qua các thông tin đã được kiểm chứng thì Syria có 4 nhà máy sản xuất vũ khí hóa học bố trí tại các khu vực rất khó tiếp cận và chương trình chế tạo vũ khí hóa học của Syria đã có từ năm 1973 (nhưng không có thông tin là Syria có những loại vũ khí hóa học nào).
Như bạn đọc đã biết, mặc dù lấy cớ là Iraq sở hữu vũ khí hóa học để tiến hành chiến dịch lật đổ S. Hussein, nhưng nếu Mỹ biết chắc chắn là Hussein có vũ khí hóa học, họ sẽ không bao giờ đưa bộ binh vào nước này bởi vì Mỹ không thể mạo hiểm sinh mạng binh sỹ Mỹ vì bất kỳ một lý do gì.
Nay Mỹ biết chắc chắn là Syria sở hữu vũ khí hóa học và sẽ sử dụng chúng “trong trường bị tấn công từ bên ngoài” như tổng thống B. Assad đã tuyên bố. Đấy là chưa kể đến một lực lượng phòng không mạnh mà báo chí đã đề cập nhiều, xin không nhắc lại ở đây.
Thứ ba: Nếu muốn can thiệp trực tiếp như thiết lập vùng cấm bay chẳng hạn, Mỹ cần phải nhận được đồng thuận của LHQ qua một quyết định hoặc một nghị quyết nào đấy.
Căn cứ vào những phản ứng mới đây nhất của Nga (Trung Quốc sẽ ủng hộ Nga trong trường hợp này) thì chắc chắn Nga sẽ phủ quyết mọi nghị quyết cho phép can thiệp quân sự vào Syria (kể cả thiết lập vùng cấm bay).
Trong chiến dịch can thiệp vào Libya, cả Nga và Trung Quốc đều cho rằng mình bị lừa và lần này chắc chắn sẽ không để kịch bản Libya lặp lại. Về phần mình, Mỹ chắc cũng không muốn và cũng không có ý định đối đầu với Nga và đặc biệt là Trung Quốc khi mà việc rút quân ra khỏi Afghanistan còn chưa kết thúc, tình hình Iraq đang mất ổn định.
Thứ tư: Nếu một chiến dịch như vậy xảy ra, sẽ rất đắt đỏ đối với Mỹ nếu xét về khía cạnh tài chính. Theo một tính toán sơ bộ thì để duy trì vùng cấm bay (dù hạn chế) thì mỗi ngày sẽ ngốn khoảng 50 triệu USD. Sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với sự can dự của Mỹ vào xung đột Libya, ở Afghanistan và ở Iraq.
Khó có khả năng những người đóng thuế Mỹ chấp nhận một sự xa xỉ như vậy trong bối cảnh khủng hoảng tài chính. Đấy là chưa kể đến những rủi ro về sinh mạng binh sỹ Mỹ và những tổn thất có thể có.
Thứ năm: Nếu Syria gây xung đột với Israel hoặc Thổ Nhĩ Kỳ - các đồng minh của Mỹ, thì Mỹ hoàn toàn có quyền can thiệp quân sự trực tiếp vào cuộc xung đột đó một cách “chính đáng” và qua đó sẽ có thể tiếp tục can thiệp vào tình hình nội bộ của Syria.
Tuy nhiên, phải công nhận rằng B. Assad là một nhà chính trị thông thái. Mặc dù Israel đã nhiều lần vi phạm không phận Syria và ném bom lãnh thổ nước này nhưng B. Assad vẫn giữ một thái độ kiềm chế, tránh xảy ra đụng độ quân sự và như vậy là tránh tạo cớ để Mỹ can thiệp.
Thứ sáu: Một yếu tố có ý nghĩa cực kỳ quan trọng khiến Mỹ phải cân nhắc là tình hình nội bộ Syria. Cuộc nội chiến tại Syria đã kéo dài hơn 2 năm (bắt đầu từ tháng 3/2011) nhưng đến nay chế độ B. Assad vẫn đứng vững. Điều đó cho thấy Assad nhận được sự ủng hộ của một bộ phận đáng kể dân chúng (nếu không thì ông đã đi theo Gaddafi từ lâu rồi).
Hiện nay ở trong nước có 4 lực lượng chính ủng hộ Assad, đó là – quân đội, các lực lượng đặc biệt (tình báo, phản gián, an ninh…), đảng Baas, các nhà doanh nghiệp giàu có ở Damascus và người theo đạo Thiên chúa (chiếm khoảng 10 % dân số). Người Alawite mà B. Assad là một đại diện (một nhánh của dòng Shiite) tuy chỉ chiếm 12% dân số nhưng là xương sống của chính quyền, lực lượng vũ trang và các cơ quan an ninh. Nói ngắn gọn là B. Assad vẫn đang có con bài mạnh trong tay.
Và cuối cùng: Nga và Mỹ đã đồng đưa ra sáng kiến triệu tập Hội nghị Geneva-2 để giải quyết hòa bình vấn đề Syria, ít nhất là cho đến khi hội nghị diễn ra Mỹ sẽ không có một động thái quân sự nào làm đổ vỡ tiến trình này để dẫn đến hậu quả là chịu sự chỉ trích của dư luận quốc tế.
Mỹ cho quân nổi dậy Syria vũ khí gì?
Theo báo chí Anh thì Lầu Năm Góc đang chuẩn bị danh mục các loại vũ khí sẽ cung cấp cho quân nổi dậy. Chưa có quyết định chính thức nhưng nhiều khả năng đó sẽ là các loại vũ khí bộ binh hạng nhẹ, tên lửa chống tăng vác vai, đạn dược và các hệ thống chỉ huy và kiểm soát.
Cũng các nguồn thông tin đại chúng cho biết là Tư lệnh quân đội Syria Tự do (đối lập) Salim Idric đã gửi một bức thư trong đó kê chi tiết các loại vũ khí đề nghị Mỹ, Anh và Pháp cung cấp.
Một điều đáng chú ý là viên tư lệnh này đề nghị cung cấp các loại vũ khí do Nga sản xuất, mà cụ thể là tên lửa chống tăng “Konkurs”, tổ hợp tên lửa phòng không cơ động cùng các cơ số đạn dược kèm theo.
Có 2 lý do để S. Idric đưa ra đề nghị này: 1/ thành phần nòng cốt của quân đội tự do Syria là các cựu quân nhân của quân đội Syria vốn đã được huấn luyện để sử dụng các loại vũ khí do Liên Xô sản xuất và
2/ Hiện nay loại vũ khí nói trên còn nhiều tại kho của các nước thuộc Hiệp ước Warsaw cũ (nay đã tham gia NATO).
Chỉ riêng tại Đức còn có tới 11.500 tên lửa chống tăng “Konkurs” từ thời Cộng hòa Dân chủ Đức. Tất nhiên, phe đối lập sẽ không nhận được tất cả những gì họ muốn.
Các nước Phương Tây không thể không tính tới khả năng các loại vũ khí trên sẽ được sử dụng để chống lại Israel, nhất là tên lửa phòng không và thừa hiểu là trong hàng ngũ “quân đội Syria Tự do” không thiếu gì các phần tử thân Al- Queda (nếu không phải là chính các tay súng Al- Queada).
Sao lại là Mỹ?
Dư luận hiện đặt câu hỏi tại sao Mỹ lại tuyên bố vũ trang cho phe đối lập Syria vào thời điểm này? Có nhiều cách giải thích, nhưng theo nhiều nhà phân tích thì quyết định của Mỹ về việc sẽ cung cấp vũ khí cho quân nổi dậy thể hiện hai điều.
1/ Đây là: “phương tiện gây sức ép chính trị”. Mỹ vẫn chưa từ bỏ ý định triệu tập Hội nghị Geneva-2” (vì lý do chính trị là chính), do đó Mỹ phải tăng cường sức mạnh cho lực lượng đối lập để có một chút vốn liếng trên bàn đàm phán (nếu các bên ở Syria chấp nhận đàm phán).
Thời gian gần đây B. Assad đang giành ưu thế, giành lại quyền kiểm soát các thành phố quan trọng nhất. Nếu phe đối lập bị suy yếu đáng kể trước khi hội nghị diễn ra thì hội nghị trên sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.
2/ Điều này cho thấy phe diều hâu trong giới lãnh đạo Mỹ đang thắng thế và buộc B. Obama phải có những quyết định cụ thể can dự (hỗ trợ quân sự) cho phe đối lập. Như báo chí đã đưa tin, thời gian gần đây Washington đã thực hiện công tác “thuyên chuyển cán bộ”.
Một nhân vật thuộc phái diều hâu là Susan Rice (cựu đại diện của Mỹ tại LHQ) mới nhậm chức cố vấn an ninh quốc gia thay một chính khách tương đối “bồ câu” là T. Donilon (chính S. Rice là một trong những người thuyết phục B. Obama ném bom Libya dù Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là R. Gate phản đối).
Ngay cả Đảng Dân chủ của B. Obama cũng gây sức ép đối với ông. B. Clinton hối thúc B. Obama phải hành động nếu không sẽ trở thành “kẻ ngốc” trong con mắt cộng đồng quốc tế.
Không thể không kể đến sự vận động hành lang của các tổ chức thân Do thái tại Mỹ, mà cụ thể là Viện chính sách Trung Cận đông và AIPAC .
Diễn biến sắp tới
Như đã nói ở trên, kịch bản Mỹ can thiệp quân sự bằng cách đưa lực lượng bộ binh vào Syria là rất khó xảy ra. Mỹ sẽ hỗ trợ lực lượng đối lập ở nước này (có chọn lọc đối tượng) bằng cách hỗ trợ vũ khí, tài chính, huấn luyện v.v.
Khả năng thiết lập vùng cấm bay vẫn bỏ ngỏ. Và như vậy, trước mắt chưa thể có một bước ngoặt nào trong cuộc nội chiến ở Syria vì không phải đến bây giờ lực lượng đối lập mới được cung cấp vũ khí.
Rất khó để dự báo những gì sẽ diễn ra tiếp theo ở Syria, nhưng theo nhiều chuyên gia thì có một điều chắc chắn là hội nghị “Geneva-2” (nếu có) sẽ không thể giải quyết được vấn đề Syria do tính toán của các bên liên quan rất khác nhau.
Đối với một số nước lớn, vấn đề bây giờ không chỉ đơn thuần là lợi ích mà còn là uy tín trên trường quốc tế (Nga chẳng hạn). Một giải pháp chính trị cho vấn đề Syria hiện nay không chỉ phụ thuộc vào các bên tham gia xung đột (vốn đã hết sức phức tạp- nhưng đấy lại là một chủ đề khác), mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác ngoài Syria.
Diễn biến hội nghị G-8 cho thấy còn rất lâu mới có thể có một giải pháp cho Syria mà các bên đều có thể chấp nhận được.
Không loại trừ khả năng cuộc xung đột sẽ lan rộng ra cả khu vực và số người Syria thiệt mạng sẽ không dừng lại ở con số 93.000 người. Những hậu quả của nó sẽ không chỉ có riêng Syria gánh chịu.