Về hệ thống tên lửa phòng không S-300P (SAM S-300P), trong những năm 70 của thế kỷ trước, nó đã được tạo ra như là một phần của hệ thống phòng không mạnh nhất của Liên Xô.
Nó được bố trí chủ yếu ở sâu trong lãnh thổ của Liên Xô, do vậy mà không có nguy cơ bị tấn công từ mặt đất, từ dưới lên là các tên lửa phòng không tầm trung và tầm ngắn, còn từ trên cao đã có các máy bay chiến đấu.
Nếu như đặt hệ thống SAM S-300P ra khỏi bối cảnh được bảo vệ và đặt nó trong điều kiện mà nó được sinh ra, bắt đầu cho thấy một số yếu điểm không phải dễ khắc phục.
Gót chân Asin của hệ thống vũ khí hoàn hảo
Giả sử Syria có đuợc SAM S-300P thì điểm yếu đầu tiên của SAM S-300P đó là nó quá cồng kềnh. Ngay cả trong cấu hình tối thiểu, một tiểu đoàn S-300P bao gồm 10 xe tải bốn trục, dài tới 12 m và có trọng lượng lên đến 40 tấn. Thế nhưng, một tiểu đoàn chưa phải là đơn vị chiến đấu đầy đủ.
Hạn chế thứ hai đó là có một “vùng chết” rộng xung quanh mỗi bệ phóng, trong vùng chết này các tên lửa sẽ không thể tiêu diệt mục tiêu.
Lỗ hổng thứ ba, đó là thời gian nạp đạn (đưa tên lửa vào các bệ phóng) phải mất ít nhất 1 giờ. Thậm chí, thời gian này mới là trên lý thuyết, để tiếp nạp đạn cần phải có xe tiếp đạn cho từng bệ phóng cũng như cơ số đạn dự phòng của đơn vị.
Từ những hạn chế của S-300P, chúng ta thấy rằng hệ thống này rất dễ bị tấn công từ mặt đất, còn trước hoặc trong quá trình triển khai thì có thể bị tấn công từ trên không. Thậm chí, ngay cả khi đã triển khai, mỗi tiểu đoàn S-300P và sở chỉ huy trung đoàn cần phải được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không vác vai, pháo phòng không và tên lửa tầm thấp.
Ngoài ra, một trung đoàn được biên chế từ 1-2 tiểu đoàn, trong thực tế chúng dễ bị mất sức chiến đấu vì cơ số đạn tiêu thụ rất nhanh và thời gian nạp đạn cũng mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, cần phải có nhiều hơn một tiểu đoàn để “san lấp” “vùng chết” của nhau.
Và cuối cùng, vì SAM S-300 quá cồng kềnh nên rất khó khăn trong công tác vận chuyển chúng, đặc biệt, bằng đường hàng không là hầu như không thể.
Về mặt lý thuyết, có thể dùng máy bay “thồ hàng” khổng lồ An-124, thế nhưng cũng chỉ “nhồi nhét” được 1-2 xe, mặt khác phương tiện này lại quá tốn kém và mất nhiều thời gian. Phương án vận chuyển đường biển, quá lâu nhưng nó rẻ hơn rất nhiều. Như vậy, hệ thống SAM S-300 rất rễ bị tổn thương ngay cả trong quá trình vận chuyển, bốc dỡ, hành quân đến vị trí dự định triển khai.
Từ tất cả những lý do trên, thành thật mà nói thì không dễ chuyển giao SAM S-300P cho Syria một cách “bí mật”. Vậy khi muốn chuyển giao, sẽ phải tiến hành một chiến dịch quân sự quy mô lớn có sự tham gia của các tàu chiến của Hải quân Nga, trong đó gồm cả các tàu tuần dương.
Trong một đất nước đang bị bao phủ bởi các cuộc nội chiến đẫm máu như Syria, thì S-300P khi hành quân và cả sau khi triển khai sẽ liên tục bị đe dọa bởi các cuộc tấn công từ mặt đất do các phiến quân nổi loạn đối lập hoặc bởi các nhóm biệt kích của Israel, NATO và Arab được cải trang thành các phiến quân.
Liên quan đến các cuộc tấn công từ trên không, nếu như S-300P đã được triển khai thành công thì đây chính là mục tiêu bắn phá của nó được thiết kế.
Trước mắt, tạm bỏ qua vấn đề đào tạo quân nhân để vận hành SAM S-300P (không ngoại trừ, nhân viên vận hành không phải là người Syria). Ngoài ra, việc “chiến đấu” với kẻ thù tiềm năng khác nhau cũng sẽ là rất khác nhau.
Mỹ thừa sức hạ gục S-300 nhưng không... thừa tiền
Như đã biết, trong cuộc chiến ở Lybia năm 2011, lực lượng Không quân Châu Âu thay phiên nhau “loại khỏi vòng chiến đấu” tất cả nguồn cung cấp đạn dược và nhiên liệu của đất nước này, tất nhiên, lực lượng phòng không của Gaddafi hầu như không hoạt động.
Còn ở Syria, họ có hệ thống phòng không khá hùng hậu từ S-75, S-125, S-200 đến các tên lửa Kub, Oka, Buk và Pantrir-1. Và chắc chắn kịch bản phòng không Lybia sẽ không thể lặp lại. Sự xuất hiện của SAM S-300P sẽ loại trừ khả năng can thiệp của Châu Âu và điều đó là không thể thay đổi.
Israel đang rất lúng túng, bởi vì lực lượng không quân của họ lần đầu tiên trong vòng 40 năm phải đương đầu với một vấn đề thực sự nghiêm trọng và khi mà họ không có những phi công giàu kinh nghiệm chiến đấu thực tế (các cuộc tấn công vào Palestine và Hezbollah không đáng tính).
Để tiêu diệt được SAM S-300, Israel cần phải tiến hành những hoạt động hết sức nghiêm túc cùng với việc phải sử dụng đáng kể một phần lực lượng không quân. Điều này sẽ dẫn đến một tổn thất lớn và khi các phi công bị bắn hạ và trở thành tù binh ở Syria, đây sẽ là một vấn đề nghiêm trọng đối với Nhà nước Do Thái.
Các luận điểm truyền thông ở Israel cho rằng, sẽ là rất nguy hiểm khi S-300P rơi vào tay của bọn khủng bố, điều này là phi lý.
Bởi vì, nếu chiếm được S-300P, những kẻ khủng bố chỉ có thể kích nổ chúng ngay tại vị trí, họ không đủ khả năng vận hành và sử dụng hệ thống này, đây là điều chắc chắn (việc bảo trì và vận hành không thể thực hiện nếu như không có sự tham gia của Nhà sản xuất).
Ngoài ra, những kẻ khủng bố luôn muốn giữ bí mật những hoạt động của mình. Còn làm S-300P “biến mất” là hoàn toàn không thể, bởi vì như đã nói ở trên, nó bao gồm cả một “tập hợp” các loại xe cộ máy móc. Ngoài ra, trong điều kiện chiến đấu, hệ thống tên lửa phòng không này “tự phơi” trận địa từ trên không chỉ bằng một vài thiết bị định vị mạnh.
Nói cho cùng, chỉ có người Mỹ là có thể vô hiệu hóa hoàn toàn hệ thống S-300P mà không cần đến máy bay và phi công, chỉ cần dùng tên lửa hành trình Tomahaws.
Trong trường hợp này, bất kỳ tên lửa hành trình nào (ngoại trừ bay lệnh hướng) cũng hoàn thành nhiệm vụ, hoặc phá hủy bất kỳ thành phần nào của S-300P hoặc làm lạc hướng 1-2 tên lửa, góp phần vào việc làm suy giảm tiềm lực của hệ thống S-300P, bởi vì, đã nói ở trên việc nạp đạn lại cho hệ thống không thể thực hiện một cách nhanh chóng.
Ngoài ra, người Mỹ có số lượng Tomahawk hơn nhiều hệ thống SAM mà Syria nhận được, vì vậy, sớm hay muộn thì họ (Mỹ) cũng “hạ gục” được S-300P bằng cách đánh đơn giản.
Tuy nhiên, điều này sẽ “tiêu tốn” vài trăm tên lửa (tên lửa trong kho vũ khí của Mỹ có hạn, khoảng 3000-4000 quả) và số tiền tương ứng cũng lên đến hàng trăm triệu USD. Còn đối với Israel để đạt được mục đích này còn phải trả giá cao hơn rất nhiều.
Về pháp lý, không có nghĩa là Nga không nên cung cấp S-300P cho Syria. Ở mức tối thiểu, hợp đồng đã ký phải được thực hiện, đặc biệt là không có lý do gì để không thực hiện nó.
S-300P là cần thiết và ưu tiên, tất nhiên cũng phải tập trung vào những mối đe dọa tiềm tàng trước mắt. MiG-29, S-300P, Buk và cả Bastion là tốt, nhưng lực lượng Syria còn cần cả những khẩu Kalashnikov, súng chống tăng RPG-7, xe tăng T-72, pháo phản lực BM-21, trực thăng Mi-24 và tất cả đạn dược đi theo chúng.
Ở Nga, những vũ khí này còn rất nhiều trong kho quân dụng, vì vậy nó có thể được chuyển giao một cách miễn phí, coi như là “thanh lý”, và sẽ là tốt hơn nhiều khi chúng được chuyển giao cho quân đội của Assad dùng trong cuộc nội chiến này.
Nói chung, sự hiện diện của S-300P sẽ cải thiện đáng kể sự ổn định và vị thế của hệ thống phòng không Syria chống lại sự can thiệp của NATO và Israel, nhất là lúc một vùng cấm bay trên bầu trời Syria có thể được thiết lập.