Thị trấn nhỏ bé Oberndorf nằm trong thung lũng ven khu rừng nổi tiếng - rừng Đen - đã trở thành tâm điểm chú ý không chỉ của nước Đức mà cả châu Âu và thế giới, vì nơi đây có lịch sử sản xuất vũ khí lâu đời, là nơi có nhà máy sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức, được mệnh danh là “kinh đô súng đạn” của châu Âu.
Truyền thống 200 năm
Thị trấn nhỏ bé Oberndorf lẽ ra là một nơi rất đáng sống, nơi được thiên nhiên ưu ái ban cho nhiều cảnh đẹp. 14.000 cư dân nơi đây sống trong một màu xanh ngút ngàn của thung lũng Neckar, nơi có dòng lạch nhỏ Neckar chảy xuyên qua khu rừng nổi tiếng - rừng Đen - một trong những nơi có cảnh trí đẹp nhất, có nhiều nắng và khí hậu ấm nhất nước Đức.
Thế nhưng, ngay ở trung tâm thị trấn, người ta lại không nhìn thấy được những nét đặc trưng của một thị trấn Đức, với đường phố trải đá sỏi và cửa hiệu bằng gỗ tinh xảo, mà thay vào đó là những khu phức hợp công nghiệp, nhà cửa, biệt thự sang trọng và các đại siêu thị được xây dựng dọc theo triền đồi phía trên.
Bên trong vẻ đẹp thiên nhiên xanh ngát ấy, Oberndorf còn có những thứ khác có thể khiến người ta giật mình: cư dân thị trấn này có biệt tài sản xuất các loại máy móc - như máy cưa, máy khoan, các loại máy công cụ, linh, phụ kiện máy móc cơ khí, và nhất là thứ "đặc sản" chết người: súng.
Người dân Oberndorf vốn đã có truyền thống làm ra những khẩu "chó lửa" lâu đời, dễ có đến trên 200 năm. Và nhà sản xuất súng lớn nhất của thị trấn này chính là Hãng Heckler & Koch, một trong những nhà sản xuất súng hạng nhẹ hàng đầu thế giới.
Theo các tài liệu lịch sử, người dân thị trấn Oberndorf đã bắt đầu sản xuất ra những khẩu súng hạng nhẹ từ khi Công tước Friedrich I của xứ Wurttemberg thiết lập nhà máy sản xuất súng đầu tiên vào năm 1811, với khu nhà xưởng đầu tiên đặt trong tu viện Augustine bỏ hoang. Trong suốt thế kỷ XIX, hàng chục nghìn khẩu súng trường có gắn lưỡi lê được xuất xưởng tại đây.
Cơ hội phát triển bắt đầu rộng mở cho ngành công nghiệp vũ khí Oberndorf khi nước Đức được thành lập vào năm 1871. Nắm bắt cơ hội này, 2 nhà công nghiệp vũ khí, anh em Wilhelm và Paul Mauser, đã tự đứng ra thành lập nhà máy sản xuất vũ khí.
Và trong nhiều thập niên sau đó, nhà máy của anh em nhà Mauser đã thầu trang bị toàn bộ vũ khí cho quân đội nhiều nước, từ Thụy Điển cho đến Đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Nhiều nhà máy mới đã được xây dựng để đáp ứng nhu cầu khổng lồ thời đó. Lúc đỉnh điểm, công nghiệp vũ khí của thị trấn Oberndorf sử dụng đến 11.000 nhân công.
Trước khi Thế chiến II bùng nổ, Oberndorf đóng vai trò không thể thiếu trong kế hoạch chiến tranh của Adolf Hitler. Theo lệnh của Hitler, mỗi tháng thị trấn này phải sản xuất 70.000 khẩu súng Mauser, và việc giao hàng phải huy động đến 5.000 người lao động cưỡng bức của toàn châu Âu.
"Oberndorf cơ bản là một nhà máy vũ khí. Đúng nghĩa như thế" - nhận xét của Ulrich Pfaff, một nhà hoạt động hòa bình chống vũ khí xuất thân từ thị trấn Oberndorf.
Đến thị trấn Oberndorf ngày nay, người ta dễ dàng nhận ra những khu nhà xưởng cổ, các nhà máy vũ khí thời kỳ đầu tiên trong thị trấn hiện vẫn còn tàn tích mà người dân địa phương không muốn xóa đi. Chúng nằm xen lẫn với các nhà máy mới.
Nhà máy vũ khí Mauser về sau được bán lại cho Công ty Rheinmetall Defence và công ty này hiện nay là nhà cung cấp súng máy cho tàu chiến. Rồi nhiều công ty, nhà máy súng khác cũng lần lượt ra đời tại Oberndorf, như Westinger & Altenburger, công ty chuyên sản xuất súng thể thao; và đặc biệt là trên triền đồi, nằm vượt hẳn bên trên thung lũng, tách hẳn với các nhà máy khác trong thị trấn, là khu nhà xưởng của Heckler & Koch (H&K), công ty sản xuất súng lớn nhất Oberndorf, và cả nước Đức.
Heckler & Koch, linh hồn của ngành công nghiệp vũ khí Đức
Có một lý do khiến nhà máy của Hãng H&K được đặt trên triền đồi thay vì ở trong thung lũng như các nhà máy khác và lý do đó có liên quan đến câu chuyện bí ẩn về sự ra đời của hãng này: Sau Thế chiến II, quân đội Pháp giám sát việc phá hủy nhà xưởng của Mauser. Vào lúc đêm khuya, 3 công nhân tham gia phá nhà xưởng là Edmund Heckler, Theodor Koch và Alex Seidel đã lén lấy đi 2 chiếc máy phay và cất giấu chúng dưới đống sắt vụn trên chiếc xe tải chở rác rồi lái chiếc xe đến một khu lán trại trên đỉnh đồi gần đó. Khu lán trại đó thời chiến tranh là nơi ở của những lao động cưỡng bức thời Hitler, và giờ đây nó đã trở thành nơi 3 người bạn Heckler, Koch và Seidel chọn đặt nhà máy đầu tiên ngay khi nước Đức được phép sản xuất vũ khí trở lại vào năm 1949.
Kể từ đó, H&K dần tham gia vào guồng máy cung cấp vũ khí cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Các email do bộ phận phát ngôn của Hãng H&K gửi báo chí có nội dung viết: "Châu Âu và nước Đức đang ngày càng bị lôi kéo vào các cuộc xung đột quốc tế. Một số điểm nóng hiện tại đang phả hơi nóng ngay trước mặt chúng tôi".
Ngày nay, H&K được xem là hãng sản xuất vũ khí lớn nhất nước Đức, là một trong những nhà sản xuất súng hàng đầu thế giới, chiếm đến 11% thị phần toàn cầu. Hãng này đã góp phần rất lớn vào nền công nghiệp vũ khí của nước Đức, giúp Đức xếp hàng thứ 3 trên thế giới về xuất khẩu vũ khí, sau Mỹ và Nga, với doanh thu xuất khẩu vũ khí chính thức (theo đường hợp pháp) là khoảng 2,1 tỉ euro vào năm 2010.
Cũng từ lâu, H&K đã trở thành động lực kinh tế chủ yếu của thị trấn Oberndorf. Và cái tên thị trấn Oberndorf cũng vì "danh tiếng" của súng trường G3 do H&K sản xuất mà được nhắc đến khắp thế giới như một công xưởng vũ khí lớn nhất của Đức, là kinh đô súng đạn bất đắc dĩ của châu Âu.
Ngày nay, thế giới không xa lạ gì với những khẩu súng do H&K sản xuất. Những khẩu MP5 của hãng này là vũ khí được trang bị cho các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ và Anh (một khẩu MP7A1 cải tiến được đặc nhiệm SEAL Mỹ sử dụng bắn chết Osama bin Laden trong chiến dịch tại Abbottabad, Pakistan, tháng 5/2011). Những khẩu súng trường G36 do H&K sản xuất được quân đội nhiều nước sử dụng, từ Đức cho đến Ai Cập, Brazil, Indonesia, được lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh sử dụng trong chiến tranh Iraq.
Việc bán giấy phép sản xuất súng G3 - thế hệ súng do Hãng H&K sản xuất lần đầu vào thập niên 50 thế kỷ XX - là một bước ngoặt quan trọng đưa súng trường H&K du nhập đến nhiều quốc gia. Từ thập niên 60 thế kỷ XX, Chính phủ Đức đã bán giấy phép cho 15 quốc gia, trong đó có những quốc gia được xem là cấm kị và đã sử dụng súng G3 để chống lại các mục tiêu, lợi ích của nước Đức và phương Tây là Bồ Đào Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Kể từ đó, súng G3 đã có mặt hầu khắp thế giới, từ Syria cho đến Somalia, Cộng hòa Trung Phi.
Đối tượng sử dụng súng G3 cũng vô cùng đa dạng, từ các chiến binh Hezbollah ở Liban cho đến các nhân viên cảnh sát ở Los Angeles (Mỹ) đều sử dụng G3. Theo thống kê do nhà hoạt động chống vũ khí Pfaff cung cấp, trên thế giới hiện nay, bản đồ phân bố sử dụng súng G3 của H&K đã phủ kín toàn cầu, chỉ trừ 2 khoảng trắng là khối các quốc gia Đông Âu (khối Warsaw cũ) chuyên sử dụng súng Kalasnikov (AK) và vùng Bắc Cực.
Ngày nay, G3 có một phiên bản cải tiến, cao cấp hơn là G36, xuất hiện từ cuối thập niên 90 thế kỷ trước. Và giấy phép để sản xuất phiên bản mới này cũng đã được bán cho nhiều nước, trong đó có Tây Ban Nha và Arập Xêút.
Hậu quả kinh khủng của súng
Với việc bán giấy phép sản xuất, công tác kiểm soát sử dụng cũng trở nên khó khăn hơn, hầu như không thể được. Jurgen Grasslin, một nhà hoạt động chống phổ biến vũ khí sát thương chuyên theo dõi các nhà sản xuất vũ khí Đức, cho rằng một khi giấy phép sản xuất đã được cấp cho các quốc gia khác thì không gì có thể ngăn cản việc các quốc gia đó cung cấp súng cho nhiều nơi khác nữa, tức là mức độ phổ biến vũ khí lan rộng rất nhanh.
Các đời Chính phủ Đức trong suốt hơn 60 năm qua đều cho rằng việc sản xuất và xuất khẩu súng, đặc biệt là súng G3, G36 của Hãng H&K, là nhằm mục tiêu "tạo sự ổn định" tại nhiều điểm nóng xung đột trên thế giới. Thế nhưng, súng G3 (và nhiều loại súng khác xuất xứ từ thị trấn Oberndorf) luôn làm điều ngược lại: gây ra những cái chết oan uổng cho hàng ngàn người.
Súng G3 đã từng được sử dụng để giết hại người da đen trong các cuộc xung đột ở Nam Phi thời chế độ kỳ thị chủng tộc Apartheid, trong cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và cả trong cuộc chiến Iran-Iraq năm 1981-1988. Nó là thứ vũ khí thông dụng tại các quốc gia độc tài, diệt chủng ở châu Phi như Uganda, và hiện diện trong các cuộc xung đột hiện tại ở Cộng hòa Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mali; là thứ vũ khí giết người được bọn tội phạm ma túy ở Mexico dùng để giết hàng chục ngàn người.
Tính đến thời điểm cách đây 3 năm, số lượng súng G3 được bán ra trên toàn thế giới đã lên đến con số 20 triệu khẩu. Và nạn nhân của súng G3, G36 cũng nhiều vô số kể; mỗi ngày có 114 người phải chết vì súng G3, G36.
Năm 2010 đánh dấu một bước ngoặt đi xuống của nhà sản xuất súng lớn nhất nước Đức H&K. Sau 26 năm dày công theo đuổi cuộc đấu tranh chống vũ khí sát thương, nhà hoạt động Grasslin đã gặt hái thành công đầu tiên: Đưa H&K ra tòa vì đã cung cấp 9.500 khẩu súng trường G36 cho Mexico trong các năm 2006-2009 mà không khuyến cáo phạm vi sử dụng loại súng này.
Khi dư luận về vụ cung cấp súng đó ngày càng nóng lên, giới chức Đức mới vào cuộc và tổ chức thanh tra, lục soát tổng hành dinh của H&K ở thị trấn Oberndorf. Vài tuần sau, người phụ trách các vấn đề pháp lý của hãng H&K buộc phải từ chức sau khi các nhà điều tra phát hiện thêm những phi vụ buôn bán vũ khí trái phép. H&K cũng buộc phải sa thải một số nhân viên có liên quan trong các phi vụ buôn bán súng trái phép.
Sau hàng loạt "sự cố" liên quan đến việc phổ biến súng G3 và G36, Hãng H&K cũng bắt đầu lâm vào khó khăn. Bên cạnh các phiên tòa kiện tụng liên quan đến súng, H&K hiện cũng đang sa sút về mặt doanh thu, thua lỗ và đang nợ các đối tác hàng trăm triệu euro.