Chuyển đổi mô hình lực lượng mang tính chất tấn công
Ngày 26-10, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã tổ chức “Lễ hội hàng không” (Aviation Festival) tại sân bay Ibaraki. Tại đây có trưng bày nhiều loại máy bay chiến đấu tiên tiến, trong số đó, có một mô hình máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ được sơn màu của lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo mọi người.
Theo giới phân tích, căn cứ vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ” và “Kế hoạch xây dựng lực lượng phòng vệ trung hạn giai đoạn 2014 - 2019” do chính phủ Nhật Bản ban hành, trong vòng 5 năm tới, lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản (JASDF) nhanh chóng chuyển đổi và mở rộng, phát triển thành một lực lượng tấn công không thể xem nhẹ.
Theo những văn kiện có liên quan đến xây dựng lực lượng quân sự mà chính phủ Nhật đã công bố, trước năm 2020, lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản sẽ lần lượt trang bị hàng loạt phương tiện tác chiến mới.
Đầu tiên, Tokyo đã xác định đặt mua 42 chiếc F-35 của Mỹ thay thế cho 75 chiếc F-4EJ và RF-4E/EJ đã lão hóa, đã phục vụ trong lực lượng không quân nước này từ vài chục năm nay.
Theo kế hoạch, Mỹ sẽ bàn giao chiếc F-35 đầu tiên cho lực lượng tự vệ trên không Nhật Bản vào năm 2016, sau đó các phi công nước này sẽ sang Mỹ để huấn luyện 2 năm. Do vậy, F-35 sẽ chính thức được triển khai trong biên chế của JASDF vào khoảng năm 2018.
Nhật đang chuyển đổi mô hình một lực lượng không quân mang tính tiến công
Theo giới phân tích, do khả năng tàng hình và khả năng tấn công mặt đất của F-35 tương đối mạnh, sau khi Nhật Bản đưa F-35 vào biên chế sẽ hình thành “ưu thế xuyên phá phi đối xứng” với các quốc gia xung quanh.
Do đó, “tàng hình” và “tấn công” sẽ trở thành từ khóa quan trọng mới trong chiến lược tác chiến của JASDF.
Cũng trong 5 năm tới, JASDF sẽ tiếp nhận 4 chiếc máy bay cảnh báo sớm kiểu mới, 3 chiếc máy bay không người lái tầm xa, và các loại máy bay bảo đảm hỗ trợ, bao gồm 3 chiếc máy bay tiếp dầu trên không, 10 chiếc máy bay vận tại C-2…
Tất cả những trang bị phục vụ, bảo đảm mới này sẽ nâng cao khả năng của lực lượng trên không Nhật Bản khi triển khai các hoạt động ở ngoài biên giới.
Về việc thay thế máy bay chiến đấu, tạp chí “Người yêu thích hàng không” (Aviation Enthusiasts) của Nhật đã tiết lộ, nhập khẩu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ không phải là trọng tâm duy nhất trong quá trình điều chỉnh lực lượng không quân Nhật Bản.
Để tránh tình trạng đơn điệu về chủng loại, lực lượng phòng vệ Nhật Bản đã thúc đẩy kế hoạch phát triển “Máy bay chiến đấu quốc nội tương lai”. Đến năm 2020, Nhật Bản có khả năng bố trí đồng thời 4 loại máy bay chủ lực, bao gồm: Máy bay chiến đấu F-2, phiên bản nâng cấp của F-15, F-35 và 1 loại chiến đấu cơ nội địa.
Máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 ATD-X Shinshin của Nhật Bản
Sau đó, F-2 sẽ dần bị loại bỏ tùy vào số lượng sản xuất chiến đấu cơ nội địa hiện nước này đang nỗ lực phát triển là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 ATD-X Shinshin. Từ đó, mô hình 4 loại máy bay chiến đấu hiện diện trong biên chế không quân sẽ quá độ chuyển sang cơ cấu trang bị 3 loại máy bay.
Về biên chế, hiện nay Nhật Bản có 2 phi đội F-4EJ, 7 phi đội F-15, 3 phi đội F-2. Nếu tiến trình nghiên cứu máy bay chiến đấu sản xuất trong nước thực hiện đúng kế hoạch, thì đến năm 2022, 2 phi đội F-4EJ sẽ chuyển thành F-35, 7 phi đội F-15 sẽ rút xuống còn 4 phi đội và được biên chế phiên bản F-15 cải tiến, 3 phi đội F-2 sẽ chuyển sang sử dụng máy bay chiến đấu nội địa.
Tiếp tục dựa dẫm vào Mỹ để hoàn thiện khả năng tác chiến
Về bố trí quân lực, các chuyên gia quân sự Nhật Bản phân tích, dựa vào “Đại cương kế hoạch phòng vệ” mới của Nhật Bản, lấy “bảo vệ tây nam” làm trọng điểm, trong tương lai, sức mạnh không quân Nhật Bản sẽ có sự dịch chuyển theo hướng tập trung binh lực đến Okinawa.
Được biết, Nhật Bản đang cân nhắc tăng cường cho căn cứ Naha ở Okinawa thêm 1 phi đội máy bay chiến đấu, 1 phi đội máy bay cảnh báo sớm và 1 phi đội máy bay tiếp dầu. Căn cứ này có vị trí chiến lược trọng yếu bởi nó chỉ cách đảo Điếu Ngư/Senkaku vẻn vẹn 400km.
Mặc dù Nhật Bản nỗ lực đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự, tăng cường khả năng nghiên cứu, phát triển các loại vũ khí, trang bị quốc nội, xây dựng chiến lược xuất khẩu quốc phòng của mình, nhưng quan sát tỉ mỉ có thể thấy, từ nay về sau, Nhật Bản sẽ càng phải dựa dẫm vào Mỹ nhiều hơn.
Máy bay chỉ huy - cảnh báo sớm trên không Boeing E-767, máy bay cảnh báo sớm E-2C và máy bay chiến đấu F-35 phiên bản Nhật
Về cấu thành và điều động binh lực, Bộ tư lệnh không quân Nhật Bản và Bộ tư lệnh Liên đội không quân số 5 của Mỹ thực hiện “hợp nhất chỉ huy” ở căn cứ không quân Yokota. Một khi phát sinh tình huống, sẽ trở thành Bộ tư lệnh tác chiến chung, xem như là sự “hợp tác bình đẳng” giữa lực lượng vũ trang hai nước.
Tuy nhiên, Mỹ sẽ dựa vào ưu thế của những vũ khí quân sự tiên tiến như F-22 hay những tin tức do hơn 300 vệ tinh quân sự mang lại hay việc kiểm soát cung ứng các linh kiện máy bay chiến đấu do Mỹ chế tạo, hiện đang biên chế trong lực lượng tự vệ trên không của Nhật Bản để nghiễm nhiên chiếm vị trí chủ đạo trong “liên quân Mỹ-Nhật”.
Lúc này, Nhật Bản chỉ có thể mang hệ thống quân sự của mình gia nhập vào hệ thống tác chiến quân đội Mỹ, trở thành một yếu tố cấu thành của nó mới có khả năng phát huy tác dụng tối đa.
Điều này có tính chất hai mặt khi nó phản ảnh sự lệ thuộc JASDF vào lực lượng không quân Mỹ đồn trú ở đây nhưng mặt khác nó cũng cho thấy là Nhật Bản vẫn có được sự hậu thuẫn vững chắc của Mỹ trong cuộc chiến chống lại sức mạnh quân sự ngày càng trở lên mạnh mẽ của Trung Quốc.
Cùng với việc đẩy mạnh chiến lược “Tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương”, ngoài việc điều chuyển 60% lực lượng hải quân và không quân về châu Á, Mỹ cũng đòi hỏi nâng cao yêu cầu điều chỉnh và liên hợp lực lượng quân sự của các nước đồng minh ở khu vực, trong đó có cả Nhật Bản.
Máy bay tuần tiễu chống ngầm P-1 và thủy phi cơ US-2 của JASDF
Vì vậy, trong bối cảnh Nhật chưa kịp xây dựng lực lượng không quân tấn công đủ mạnh để đương đầu với Trung Quốc, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản nói chung và lực lượng tự vệ trên không nói riêng sẽ rơi vào tình trạng luẩn quẩn “càng xây dựng, càng dựa dẫm” vào lực lượng đồn trú của Hoa Kỳ tại nước này.
Tuy nhiên, đó không hẳn là điều đáng lo ngại bởi từ trước đến nay, chiến lược quân sự thiên về phòng vệ đã hạn chế quy mô lực lượng và tính chất trang bị của lực lượng không quân Nhật, quá trình chuyển đổi mô hình sang một lực lượng tác chiến có xu hướng tấn công là một điều mới mẻ nên việc tiếp tục dựa dẫm vào Mỹ là điều tất yếu.
Trên thực tế, khả năng chỉ huy - điều phối, năng lực trinh sát, thu thập và xử lý số liệu tình báo, khả năng tác chiến điện tử và cảnh báo sớm của không quân Mỹ là rất ưu việt, tiếp tục dựa dẫm của Nhật vào Mỹ sẽ khiến quân đội nước này sẽ có khả năng phản ứng nhanh hơn, khả năng chỉ huy, điều phối lực lượng toàn diện hơn.
Tình trạng “phụ thuộc” này sẽ chỉ kết thúc khi quân đội Nhật Bản đạt đến trình độ cao hơn, thay đổi toàn diện tư tưởng quân sự phòng thủ, xây dựng hoàn thiện lực lượng, trang bị, chiến thuật và tích lũy được những kinh nghiệm trong quá trình phối hợp chỉ huy - hiệp đồng và triển khai tác chiến liên hợp với quân đội Mỹ.