Không quân Nhật sẽ dập tắt tham vọng Trung Quốc

Cùng với tuyên bố cứng rắn, Nhật Bản đang tiến hành các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường sức mạnh quân sự để đối phó với những mối đe dọa.

Mới đây trưởng đoàn Trung Quốc tại Diễn đàn đối thoại Shangri-la, Phó Tổng tham mưu trưởng PLA Vương Quán Trung đã thẳng thừng tuyên bố là sẽ không có bất kỳ một sự thỏa hiệp nào trong các tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.

Trước tình hình trên, Nhật Bản đã thông qua “Kế hoạch quốc phòng trung hạn” (Mid-Term Defense Plan, MTDP), trong đó ưu tiên chủ yếu sẽ được dành cho Không quân (kể cả không quân của Lục quân và Hải quân).

Một số thông tin về MTDP

Máy bay tiêm kích dự kiến F-35A của Không quân Nhật

Máy bay tiêm kích dự kiến F-35A của Không quân Nhật

1. Các định hướng chính trong MTDP:

a/ Tăng cường khả năng trinh sát, giám sát, điều khiển của Không quân để có thể phản ứng tức thời các cuộc tấn công vào những đảo xa của Nhật Bản.

b/ Tăng cường khả năng phòng thủ chống tên lửa và năng lực tiến hành các chiến dịch phối hợp liên quân chủng.

2. Kế hoạch chi tiết liên quan đến không quân:

Trong hơn 10 năm trở lại đây - các máy bay tiêm kích Nhật Bản liên tục phải xuất kích để chặn các mục tiêu trên không và số lần báo động xuất kích ngày càng tăng. Cụ thể: từ năm 2003 đến năm 2013, số lần xuất kích tăng lên 3 lần - từ 158 lên 567, trong đó số lần xuất kích liên quan đến các máy bay Nga tăng gấp đôi - từ 124 lên 248, nhưng đáng kể nhất là số lần xuất kích để chặn các máy bay quân sự Trung Quốc - từ 2 lần lên 306 lần.

Theo MTDP, tổng ngân sách dành cho Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tăng 5% trong vòng 5 năm với tổng giá trị lên đến 247 tỷ USD, trong đó Không quân sẽ được chú ý đặc biệt. Nhật Bản sẽ tăng số lượng các biên đội máy bay tiêm kích và nâng tổng số máy bay tiêm kích trong các biên đội đó từ 260 như hiện nay lên 280 chiếc.

Nước này cũng sẽ bổ sung thêm một số trạm radar mặt đất và những radar hiện có sẽ được hiện đại hóa. Các máy bay cảnh báo sớm đang có trong trang bị cũng sẽ được hiện đại hóa.

Nhật Bản sẽ mua thêm một số máy bay cảnh báo sớm, đồng thời đưa vào biên chế các máy bay trinh sát không người lái đầu tiên do nước này tự sản xuất.

Về cơ cấu tổ chức và bố trí lực lượng: Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ tái bố trí lại một số đơn vị không quân - đưa một số đơn vị này về phía Nam, bao gồm các đảo thuộc quần đảo Ryu Kyu và các đảo đang tranh chấp Sensaku. Căn cứ không quân Nakha trên đảo Okinawa sẽ là mắt xích chủ yếu trong chiến lược tái bố trí lực lượng của Nhật Bản.

Nhật Bản sẽ cho các máy bay tiêm kích F-15J và máy bay tuần tiễu biển P-3C Orion tiến hành bay hàng ngày trên biển Hoa Đông.

Không quân sẽ được tăng cường ở Quần đảo Ryukyu

Không quân sẽ được tăng cường ở Quần đảo Ryukyu

Số lượng máy bay tiêm kích tại căn cứ Nakha sẽ được tăng lên gấp đôi - từ 20 lên 40. Sẽ bố trí thường xuyên tại căn cứ không quân này một phi đội hỗn hợp các máy bay cảnh báo sớm và điều khiển gồm cả E-2C và E-767 (hiện nay các máy bay E-2C đã thay nhau trực chiến tại căn cứ này).

Thành phần chủ yếu để tăng cường sức mạnh cho không quân tiêm kích sẽ là các máy bay tiêm kích F-35A. Theo MTDP, Nhật Bản sẽ mua 28 chiếc máy bay kiểu này trong vòng 5 năm tới và sau đó sẽ mua thêm 14 chiếc nữa.

Điều đáng chú ý là các công ty Nhật Bản sẽ tham gia vào một số công đoạn sản xuất và lắp ráp F-35A mà cụ thể là Công ty IHI của Nhật sẽ tham gia sản xuất động cơ (cụ thể là 17 loại cụm chi tiết động cơ), còn công ty Mitsubishi Electric sẽ sản xuất các linh kiện cho radar của máy bay, kể cả thiết bị thu tín hiệu. Tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries sẽ chịu trách nhiệm lắp ráp hoàn chỉnh máy bay.

Các máy bay F-35A đầu tiên của Không quân Nhật Bản sẽ được bố trí tại căn cứ không quân Mizawa. Một thông tin mới được tiết lộ cho biết là Nhật Bản đang xem xét khả năng mua một số chiếc máy bay F-35B để bố trí chúng trên các đảo xa và cả trên các tàu mang máy bay lên thẳng kiểu mới Izumo hoặc là những tàu mang máy bay lên thẳng đang có trong biên chế Hyuga.

Ngoài kế hoạch mua mới, Nhật Bản sẽ hiện đại hóa hiện đại hóa các máy bay hiện có mà cụ thể là: ngay trong năm 2014, sẽ hiện đại hóa 12 chiếc tiêm kích F-15J (giá để hiện đại hóa mỗi chiếc là 12,5 triệu đôla).

Những trang thiết bị được ưu tiên hiện đại hóa là các tổ hợp tác chiến điện tử trên máy bay, hệ thống hồng ngoại trong thiết bị bám mục tiêu quang - điện tử. Các phi công F-15J cũng sẽ được trang bị kính nhìn đêm.

Không quân nước này cũng sẽ hiện đại hóa sâu các máy bay tiêm kích F-2 do Nhật Bản tự sản xuất - bao gồm lắp radar công suất lớn hơn J/APG-2 và trang bị tên lửa không đối không mới AAM-4B cho F-2.

Các tên lửa có đầu tự dẫn chủ động AAM-4B này sẽ thay thế các tên lửa do Mỹ sản xuất AIM-120 AMRAAM. Một chiếc F-2 sau khi hiện đại hóa có thể mang 4 tên lửa AAM-4B và bom có điều khiển JDAM.

Tất cả các khoản chi cho hiện đại hóa F-2 đã có trong ngân sách năm 2014 ( có cả khoản chi mua các thiết bị laser để chiếu mục tiêu cho F-2 dành cho Lục quân).

Các máy bay cảnh báo sớm cũng sẽ được hiện đại hóa và tái cơ cấu. 4 chiếc E-767 hiện có sẽ được trang bị các trang thiết bị điện tử và các máy tính mới (đã có khoản chi cho nội dung này trong ngân sách 2013).

Nhóm các máy bay phát hiện sớm và điều khiển gồm 4 chiếc E-767 và 13 chiếc E-2C sẽ được biên chế lại thành 3 phi đội (hiện nay là 2 phi đội). Số lượng các cụm radar mặt đất trên lãnh thổ Nhật Bản sẽ tăng lên thành 28 trạm.

Các trạm radar của Lục quân cũng sẽ được nhanh chóng hiện đại hóa, riêng các trạm ở Miiakodzima và Takakhatiama sẽ được bổ sung thêm các trang thiết bị - khí tài mới (các khoản chi cho các nội dung trên đã có trong ngân sách năm tài chính 2013).

Cả 2 trạm radar phát hiện từ xa trên 2 đảo này có thể kiểm soát toàn bộ vùng biển Hoa Đông và lãnh thổ lục địa của Trung Quốc.

Để tăng cường khả năng trinh sát, giám sát và cảnh giới, Nhật Bản cũng lên kế hoạch mua 3 máy bay không người lái của Hãng “Northrop Grumman” RQ-4 Global Hawk.

Chiếc thứ nhất sẽ được chuyển giao ngay năm 2014 (có tin là sẽ được chuyển giao hết trong năm 2015) và sẽ được bố trí tại căn cứ không quân Mizawa để có thể theo dõi chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Máy bay trinh sát không người lái RQ-4 Global Hawk

 

Hải quân Nhật Bản trong 5 năm tới cũng sẽ mua 4 máy bay tuần tiễu biển Kawasaki P-1 và sẽ có tổng cộng 6 chiếc loại này. Các máy bay P-1 do Nhật Bản tự sản xuất này có thể dần thay thế P-3C Orion mua của Mỹ.

P-1 được trang bị động cơ turbin phản lực công suất lớn hơn và hệ thống xử lý thông tin hiện đại hơn P-3C Orion. Theo MTDP, trong tương lai Nhật Bản sẽ đưa 70 chiếc P-1 vào trang bị. Các máy bay P-3C Orion hiện có sẽ được bảo dưỡng và gia hạn để vẫn có thể tiếp tục trực chiến.

Hải quân Nhật cũng sẽ được tăng cường thêm máy bay lên thẳng. Cụ thể là trang bị thêm các máy bay lên thẳng chống ngầm kiểu SH-60K Seahawk (sẽ mua 4 chiếc máy bay kiểu này) để bảo vệ các tàu mang máy bay lên thẳng kiểu Hyuga và Izumo. Ngoài ra, các máy bay lên thẳng SH-60J hiện có sẽ được tăng hạn sử dụng.

Và điểm nhấn cuối cùng của MTDP: Lục quân Nhật Bản sẽ mua thêm 17 máy bay Bell Boeing MV-22 Osprey. Quân chủng này sẽ thành lập các đơn vị tác chiến thủy - bộ theo mô hình Quân đoàn lính thủy đánh bộ Mỹ.

Các máy bay MV-22 Osprey sẽ chịu trách nhiệm vận tải chiến thuật và điều đó cho phép chi viện nhanh cho các lực lượng đồn trú của Nhật Bản tại các đảo xa trong trường hợp có tình huống mà không cần phải xây dựng các đường băng mới trên các đảo.

MV-22 Osprey qua quá trình khai thác cho thấy là hoàn toàn tương thích với các tàu đổ bộ kiểu Osumi và các tàu khu trục mang máy bay lên thẳng kiểu Hyuga.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-1 của Nhật Bản

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại