Tại buổi lễ kỷ niệm 75 năm ra đời trung tâm bay thử nghiệm của Sokol, ông Karezin đã phát biểu: "Đây là một đóng góp đáng kể cho sự nghiệp bảo vệ đất nước". Việc nâng cấp các chiến đấu cơ Mig-31 tại nhà máy được làm theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng và cũng nằm trong chương trình Sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự quốc gia.
Vị Tổng giám đốc cho biết thêm: "Hợp đồng dài hạn này được ký kết cho giai đoạn 2011 - 2018. Theo đó Sokol sẽ sửa chữa và nâng cấp gần 60 chiếc Mig-31".
Mikoyan MiG-31 (tên ký hiệu của NATO: "Foxhound", tạm dịch là "Chó săn chồn") là máy bay tiêm kích đánh chặn siêu âm được phát triển để thay thế cho MiG-25 'Foxbat', được thiết kế bởi Phòng thiết kế Mikoyan dựa trên MiG-25.
Chuyến bay thử nghiệm đầu tiên của MiG-31 được thực hiện vào ngày 16/9/1975 nhưng phải đến năm 1979 loại máy bay này mới được bắt đầu sản xuất hàng loạt và được đưa vào phục vụ trong quân chủng phòng không Xô Viết (PVO) vào năm 1982. Tấm ảnh đầu tiên chụp được MiG-31 được thực hiện bởi một phi công Na Uy trên vùng biển Barents năm 1985.
Khoảng 500 chiếc MiG-31 đã được chế tạo và 370 chiếc đang hoạt động trong Không quân Nga, 30 chiếc phục vụ trong Không quân Kazakhstan.
Một vài chương trình nâng cấp đã được thực hiện trong các phi đội MiG-31, như phiên bản MiG-31BM đa năng với hệ thống điện tử cải tiến, radar đa chế độ mới, hệ thống cần điều khiển kiểu phương Tây (HOTAS) mới, màn hình màu tinh thể lỏng (LCD) hiển thị đa chức năng (MFDs), khả năng mang tên lửa AA-12 'Adder' và nhiều loại tên lửa không đối đất (AGM) của Nga như tên lửa chống radar (ARM) AS-17 "Krypton", một máy tính mới có khả năng xử lý mạnh, và liên kết dữ liệu.
Tuy nhiên chỉ một số rất nhỏ máy bay MiG-31 của Nga được nâng cấp tới tiêu chuẩn MiG-31BM, dù những chiếc khác đã được trang bị máy tính mới và khả năng mang tên lửa tầm xa Vympel R-77.
Công ty sản xuất máy bay Sokol thuộc Tập đoàn sản xuất máy bay thống nhất (OAK) của Nga, chuyên về các dòng sản phẩm chiến đấu cơ MiG, đặc biệt là Mig-21, Mig-25, Mig-29UB/UBT và Mig-31.