Theo trang mạng powerapple.com của Trung Quốc, từ những thông tin và ảnh liên quan cho thấy Nga có thể triển khai nhanh chóng một trung đoàn không quân cách lãnh thổ hàng nghìn km và duy trì tần suất hoạt động cao.
Điều này thể hiện khả năng về kỹ chiến thuật của Không quân Nga là tương đối tốt, nhưng đồng thời cũng để lộ một vài nhược điểm, trong đó bao gồm vấn đề tác chiến đêm.
Hệ thống KAIRA-24 trên Su-24M
Nga bị phương Tây bỏ xa về năng lực tác chiến đêm
Giai đoạn đầu của cuộc không kích, giới quan sát rất chú ý đến hệ thống chỉ thị mục tiêu, đo khoảng cách laser KAIRA-24 trang bị cho máy bay ném bom Su-24M.
Hệ thống này đưa vào sử dụng từ những năm 1980, dùng để xác định, theo dõi, đo khoảng cách, kiểm soát hỏa lực và dẫn đường cho vũ khí có độ chính xác cao tấn công mục tiêu trên mặt đất. Khi trời nắng, tầm hoạt động của KAIRA-24 đạt 12 km.
Tuy nhiên, nó vẫn có một khoảng cách rất lớn nếu so với hệ thống nhận biết mục tiêu quang điện tử (EOTS) mà các nước phương Tây như Không quân Mỹ trang bị.
Chẳng hạn như trong chiến tranh vùng Vịnh, Mỹ lần đầu tiên đưa thiết bị AN/AAQ-14 vào trong hệ thống nhắm mục tiêu hồng ngoại LANTIRN. Nhờ sử dụng tia hồng ngoại nhìn xuyên đêm, nó có thể tìm, theo dõi và nhận dạng mục tiêu như xe tăng ở khoảng cách 15 km.
Còn hiện nay Không quân Mỹ sử dụng thiết bị quang điện tử hiện đại hơn, có khả năng tìm kiếm xa hơn, đạt tới 40 - 50 km, kết hợp với dẫn đường quán tính có thể hỗ trợ bám bắt, tự định vị và nhanh chóng hoàn thành hiệu chỉnh đường ngắm.
Điều này cho thấy năng lực tác chiến tổng thể của khí tài mới đã được cải thiện rõ rệt so với AAQ-14.
Cửa sổ của hệ thống nhắm mục tiêu quang điện tử trên Su-34
Trong khi đó, tiêm kích-bom Su-34 lại bố trí hệ thống chỉ thị, đo xa laser ở giữa cửa hút khí và được giấu trong thân máy bay, khi sử dụng mới đưa ra ngoài.
Ưu điểm của thiết kế này là giảm bớt lực cản cho máy bay nhưng nhược điểm rất dễ thấy đó là tầm nhìn bị hạn chế, đồng thời cũng để lộ điểm yếu về khả năng tác chiến đêm của Không quân Nga vẫn còn thua kém Mỹ.
Trực thăng Mi-24P của Nga được triển khai tại Syria
Một minh chứng khác cho sự yếu kém về năng lực tác chiến đêm của Nga đó là trực thăng vũ trang Mi-24P mà nước này triển khai tại Syria. Hình ảnh trên cho thấy loại trực thăng này không được trang bị hệ thống quang điện tử, cho nên việc tác chiến đêm của nó là rất kém.
Trong khi đó trực thăng vũ trang của Mỹ và phương Tây phổ biến trang bị hệ thống tìm hồng ngoại nhìn xuyên đêm FLIR, camera kỹ thuật số CCD và thiết bị chỉ thị đo xa laser có tính năng tác chiến đêm rất mạnh.
Thực tế này cho thấy, nguyên nhân chủ yếu tạo nên điểm yếu trên là do trình độ kỹ thuật trong lĩnh vực chế tạo thiết bị hồng ngoại của Nga và Liên Xô kém hơn so với phương Tây.
Mặc dù bước sang thế kỷ mới Nga đã sớm phát triển hệ thống nhận biết mục tiêu quang điện tử SAPSON-E nhưng dường như nó vẫn chưa hoàn thành thử nghiệm.
Thậm chí có thông tin cho rằng Không quân Nga có kế hoạch mua hệ thống Damocles của Pháp, nhưng với tình hình hiện nay thì dự định trên quá xa vời.
Cường kích JH-7 của Trung Quốc
Năng lực tác chiến đêm của Trung Quốc đã vượt Nga?
Năng lực tác chiến đêm của Nga không chỉ thua kém phương Tây mà có thể còn kém xa cả Không quân Trung Quốc, vì hiện nay Quân đội Trung Quốc đã bắt đầu trang bị rộng rãi thiết bị quang điện tử như K/JDC-1 cho cường kích JH-7A.
Ngoài ra, tiêm kích J-10 và cường kích J-5 nâng cấp cũng có thể được lắp đặt để nâng cao khả năng tấn công chính xác trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày đêm.
Thậm chí máy bay ném bom và máy bay vận tải chiến thuật như H-6K, Y-9 hay trực thăng vũ trang Z-10, Z-19, Z-9WA/WZ và một số trực thăng vận tải như Mi-17, Z-8 của Trung Quốc sau khi nâng cấp cũng mang được thiết bị này.