Shaurya Ấn Độ và DF-16 Trung Quốc - Tên lửa nào mạnh hơn?

Đức Anh |

Tên lửa đạn đạo Shaurya được trang bị công nghệ dẫn hướng rất tinh vi, trong khi DF-16 có phương tiện mang phóng chuyên dụng tốt hơn.

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn đến tầm trung đang dần trở thành vũ khí có vai trò chiến lược cao, quốc gia sở hữu chúng có thể tung đòn tấn công phủ đầu làm tê liệt sức mạnh quân sự đối phương.

Ngoài ra, vũ khí này còn đem lại khả năng răn đe lớn một khi nó được triển khai đến những khu vực có nguy cơ bất ổn.

Nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ đang tập trung phát triển mạnh các loại tên lửa đạn đạo thuộc phân nhóm trên nhằm tăng cường sức mạnh quân sự.

Trung Quốc có khá nhiều mẫu tên lửa đạn đạo chiến thuật, trong đó nổi bật nhất là DF-16, được cho là phiên bản nâng cấp từ tên lửa đạn đạo tầm ngắn DF-15.

So với Bắc Kinh, New Delhi chậm chân hơn trong việc phát triển vũ khí, đặc biệt là tên lửa. Gần đây, Ấn Độ mới đưa vào hoạt động tên lửa đạn đạo Shaurya.

Theo Military Today, Shaurya là phiên bản sử dụng trên đất liền của tên lửa đạn đạo K-15 triển khai trên tàu ngầm tấn công hạt nhân của Ấn Độ.

Shaurya sở hữu công nghệ dẫn hướng tinh vi


Tên lửa Shaurya là vũ khí giúp nâng cao năng lực tấn công chiến thuật và chiến lược của Ấn Độ.

Tên lửa Shaurya là vũ khí giúp nâng cao năng lực tấn công chiến thuật và chiến lược của Ấn Độ.

Cũng theo Military Today, Shaurya trang bị động cơ nhiên liệu rắn 2 giai đoạn, động cơ tăng cường giai đoạn một sẽ đẩy tên lửa lên độ cao khoảng 5 km.

Sau đó, giai đoạn 2 sẽ kích hoạt để đưa tên lửa đến độ cao khoảng 40 km và lao đến mục tiêu với tốc độ tới Mach 7,5 ( khoảng 9.189 km/h).

Shaurya được dẫn hướng kết hợp giữa quán tính và hệ thống con quay laser hồi chuyển tiên tiến. Tên lửa có thể đánh trúng mục tiêu với sai số khoảng 20 m, tầm bắn từ 700 - 1.900 km tùy thuộc trọng lượng đầu đạn.

Shaurya mang được đầu đạn thông thường nặng 180 - 1.000 kg hoặc đầu đạn hạt nhân chiến thuật có đương lượng nổ 17 kT.

Tên lửa lắp trên xe phóng cơ động Tatra T815 8x8. Tuy nhiên, xe mang phóng thiết kế còn thô sơ, Ấn Độ vẫn chưa thể sản xuất các phương tiện chuyên dụng như của Nga hay Trung Quốc.

Giới quân sự thế giới đánh giá, Shaurya là 1 trong 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn có công nghệ dẫn hướng tinh vi nhất thế giới.

Shaurya có chiều dài 10 m; đường kính 0,74 m; trọng lượng 6,2 tấn. Tên lửa hoàn thành quá trình thử nghiệm trong năm 2011, được đưa vào hoạt động từ năm 2013.

DF-16 có phương tiện mang phóng chuyên dụng và số lượng lớn

Tên lửa DF-16 chuẩn bị tham gia lễ diễu binh ở Bắc Kinh ngày 3/9.
Tên lửa DF-16 chuẩn bị tham gia lễ diễu binh ở Bắc Kinh ngày 3/9.

DF-16 là bản nâng cấp từ DF-15B nên có ngoại hình khá giống, điểm khác biệt là 4 vây lái phía trước tên lửa được thiết kế ngắn hơn và thân tên lửa dài hơn để nâng tầm bắn.

Động cơ của DF-16 là loại nhiên liệu rắn 2 giai đoạn. Tên lửa này được cho là có tầm bắn từ 800 - 1.000 km.

Theo Missile Threat, DF-16 có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân chiến thuật theo công nghệ MIRV. Ngoài ra, nó còn mang được đầu đạn thông thường liều nổ mạnh, đạn chùm.

Tên lửa sử dụng công nghệ dẫn hướng quán tính kết hợp định vị Bắc Đẩu, tuy nhiên bán kính xác suất lệch mục tiêu (CEP) không được công bố.

DF-16 lắp trên khung gầm chuyên dụng 10x10 có tính việt dã rất cao. Trung Quốc đã phát triển khá nhiều loại phương tiện mang phóng hiện đại cho các tên lửa đạn đạo của nước này.

Theo Aviation Week, DF-16 tiến hành thử nghiệm lần đầu tiên trong năm 2009. Tên lửa này dự kiến sẽ thay thế cho DF-11 và DF-15.

Xét tổng thể, Shaurya và DF-16 đều có những lợi thế riêng theo đường lối tác chiến của mỗi nước. Tên lửa nào chiến thắng trong một cuộc xung đột nếu có rất khó nhận định, vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại