Phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhấn mạnh Mỹ đang nỗ lực xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực, tăng cường các mối quan hệ liên minh, giúp đỡ đồng minh và đối tác trong khu vực phát triển các khả năng mới, tiên tiến, đồng thời khuyến khích các nước hợp tác hoạt động chặt chẽ hơn.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 13 tại Singapore.
Cũng trong bài phát biểu của mình, bên cạnh việc thẳng thắn cảnh báo Trung Quốc dừng ngay các hành động gây mất ổn định khu vực, ông Hagel còn điểm lại một số hoạt động hợp tác quốc phòng với các nước châu Á. Một số chuyên gia cho rằng, đây có thể là một sự răn đe ngầm đối với Trung Quốc khi mà quốc gia này đang có những hành động làm căng thẳng tình hình trong khu vực.
Indonesia
Ông Hagel điểm lại rằng trong chuyến thăm tới Jakarta hồi năm ngoái, ông đã thông báo về việc Mỹ sẽ lần đầu tiên bán các trực thăng Apache cho Indonesia. Theo hãng thông tấn AFP, hợp đồng trị giá 500 triệu USD, gồm 8 chiếc Apache, radar và cả việc huấn luyện phi công.
Indonesia không giữ vai trò trung tâm trong các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông. Tuy nhiên, quốc gia này được coi là nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp.
Ông Hagel cho biết thương vụ này sẽ giúp quân đội Indonesia bảo vệ biên giới, tiến hành các hoạt động chống cướp biển, kiểm soát các hoạt động tàu thuyền qua eo biển Malacca.
Philippines
Ông Hagel cho hay Mỹ đã tích cực hỗ trợ các lực lượng vũ trang Philippines để giúp củng cố năng lực hàng hải và hàng không của nước này.
Trong 2 năm vừa qua, Philippines đã mua 2 tàu chiến được tân trang từ Mỹ để phục vụ các nhiệm vụ tuần tra.
Tháng 4/2012, chiến hạm BRP Gregorio del Pilar, tàu chiến đầu tiên Philippines mua từ Mỹ, có cuộc đối đầu với tàu Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough. Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn sau khi Philippines rút lui. Manila sau đó kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế.
Hồi tháng 1 năm nay, kênh truyền hình ANC dẫn lời Tướng Emmanuel Bautista, tổng tham mưu trưởng quân đội Philippines cho hay quốc gia này muốn mua thêm 2 tàu chiến từ Mỹ nhằm tăng cường khả năng bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong bối cảnh Trung Quốc có những hành động gây căng thẳng tại Biển Đông
Theo ông Bautista, các khoản quỹ được sử dụng nhằm đẩy mạnh phòng vệ biển có thể lấy từ nguồn trợ giúp quân sự trị giá 40 triệu USD dành cho Philippines mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thông báo hồi tháng 12 năm ngoái.
Hàn Quốc
Tại Đông Bắc Á, ông Hagel cho biết, Mỹ hỗ trợ tăng cường năng lực cho đồng minh bằng hệ thống phòng thủ tên lửa và máy bay chiến đấu tinh vi.
Ông Hagel điểm lại rằng 2 tháng trước, Mỹ đã ký thỏa thuận cung cấp các máy bay không người lái Global Hawk cho Hàn Quốc để giúp tăng khả năng trinh sát, do thám và tình báo của quốc gia này.
Hôm 29/5, Đài KBS dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trước năm 2016, Hàn Quốc sẽ nhận được từ Mỹ lô vũ khí cảm biến chống tăng theo một hợp đồng trị giá 190 triệu USD.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc cho hay Hàn Quốc cũng đã đặt mua 36 trực thăng tấn công Apache Longbow để tăng cường sức mạnh quân sự của mình.
Theo ông Hagel, Hàn Quốc còn dự định đặt mua các máy bay F-35, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ và những đồng minh mạnh nhất của mình trong khu vực, bao gồm cả Australia và Nhật Bản sẽ sớm vận hành loại máy bay chiến thuật thế hệ năm tiên tiến nhất thế giới.
Nhật Bản
Mỹ đang có những bước tiến đáng kể trong việc xây dựng hệ thống phòng thủ khu vực.
Tháng trước tại Tokyo, ông Hagel tuyên bố rằng Mỹ sẽ triển khai thêm 2 tàu chiến trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tới Nhật Bản. Đây là một bước để bổ sung cho việc xây dựng trạm radar phòng thủ tên lửa thứ hai tại Nhật Bản và mở rộng các hệ thống đánh chặn trên mặt đất của Mỹ.
Bên cạnh đó, theo hãng thông tấn AP, Mỹ đã triển khai 2 trong số những máy bay không người lái do thám Global Hawk tối tân nhất của nước này đến một căn cứ ở miền Bắc Nhật Bản.
Việc Mỹ triển khai Global Hawk đến Nhật được cho là nhằm tiếp tục bày tỏ cam kết của Washington với an ninh ở châu Á trong khuôn khổ chiến lược tái cơ cấu lực lượng đến Thái Bình Dương.
Triển khai nhiều vũ khí hiện đại tới châu Á – Thái Bình Dương
Cũng trong bài phát biểu của mình, ông Hagel cho biết trong năm tới, Mỹ sẽ triển khai 4 tàu siêu tốc (JHSV) ở Thái Bình Dương và 1 tàu ngầm dự kiến triển khai ở đảo Guam. Thêm 4 chiếc tàu tác chiến ven bờ (LCS) của Mỹ cũng sẽ được triển khai tới khu vực này trong năm 2017.
Vào năm 2018, tàu khu trục đa nhiệm thế hệ mới Zumwalt của Mỹ sẽ bắt đầu hoạt động ở Thái Bình Dương. Tới năm 2020, khi đạt được mục tiêu triển khai 60% lực lượng hải, không quân tới Thái Bình Dương, Mỹ sẽ triển khai máy bay cảnh báo sớm Hawkeye và máy bay không người lái Triton trong khu vực.
Ông Hagel đã nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết thực hiện tái cân bằng địa chính trị ở châu Á - Thái Bình Dương và "sẽ không làm ngơ nếu các nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế bị thách thức".
Xem thêm: [Video] Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc tại Shangri-La
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên án Trung Quốc tại Shangri-La (Nguồn VTV)
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA