Israel: Mất 1 tỷ USD hợp đồng quân sự với Nga còn hơn mất lòng Mỹ

Ly Vy |

(Soha.vn) - Israel sẽ giới hạn quan hệ hợp tác quốc phòng - an ninh với phía Nga nhằm giữ mối quan hệ truyền thống với Mỹ và một số nước đồng minh thuộc khối NATO.

Israel đã chịu thiệt khoảng 1 tỷ USD giá trị các hợp đồng bán vũ khí cũng như phát triển các dự án lưỡng dụng với Nga. Nguyên do của việc Israel từ bỏ các hợp đồng trên vì chính sách cân bằng mối quan hệ với các đồng minh truyền thống là Mỹ và khối NATO.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, một quan chức của Israel nhấn mạnh rằng nước ông cần đẩy mạnh các chương trình nghị sự về ngoại giao và các vấn đề an ninh với phía Nga, một quốc gia đang đóng vai trò quan trọng ở khu vực và trên thế giới.

Tuy nhiên do ảnh hưởng từ sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Nga và Mỹ liên quan đến vấn đề Ukraine, Israel cần phản ứng nhạy cảm với lợi ích của đồng minh quan trọng của mình ở Washington, các quan chức Israel cho biết.

Kết quả của chính sách cân bằng trên đã khiến Israel mất đi 1 tỷ USD xuất khẩu cũng như cơ hội tăng cường mối quan hệ chiến lược với phía Nga, một quan chức cấp cao trong Bộ quốc phòng Israel cho biết.

"Chúng ta đã có thể kiếm được từ phía Nga hàng tỷ USD," quan chức kia cho biết trong một cuộc phỏng vấn gần đây. Điển hình trong 1 năm Israel xuất khẩu ra toàn thế giới với tổng giá trị 7 tỷ USD. Nhưng trên hết những thiệt hại về kinh tế, Moscow có thể gây ảnh hưởng đến vị thế chiến lược của Israel trong khu vực thông qua các mối quan hệ với các quốc gia thù địch với Israel như Iran và Syria.

"Chúng tôi rõ ràng đã được lợi rất nhiều từ quyết định hủy bỏ hợp đồng bán các hệ thống S-300PMU của Nga cho Iran," ông cho biết về hợp đồng trị giá 800 triệu USD được ký giữa Nga và Iran nhưng sau đó vào năm 2011 Nga đã đóng băng hợp đồng này sau nhiều cuộc thương lượng với Israel cũng như ảnh hưởng từ lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran của Liên hiệp quốc.

Nhưng ông cũng nói thêm rằng "chúng tôi cần quan tâm đến các mối lo lắng từ phía Mỹ."

Các nguồn tin từ chính phủ Israel cho biết nước này không đình chỉ việc mua bán vũ khí với Nga cũng như không bắt buộc các doanh nghiệp trong nước hủy bỏ các hợp đồng đã ký trước đó. Thay vào đó nó giới hạn việc chỉ được phép xuất khẩu các công nghệ và hệ thống ít tiên tiến hơn và được dùng trong các hoạt động chống khủng bố hoặc an ninh.

Viên chức cấp cao của Bộ quốc phòng Israel này cũng cho biết rằng công ty IAI đang trong giai đoạn cuối của việc thực hiện hợp đồng trị giá 400 triệu USD với công ty nhà nước Oboronprom của Nga về việc sản xuất các máy bay không người lái tại Nga dựa trên các hệ thống Searcher của công ty IAI.

Máy bay không người lái Heron-1.

Máy bay không người lái Heron-1.

Theo như nội dung hợp đồng được ký vào năm 2010 thì phía Israel sẽ hợp tác cùng Nga sản xuất các máy bay không người lái dựa trên mẫu máy bay không người lái Heron-1, tổng giá trị hợp đồng lên tới 1 tỷ USD. Song song với đó là việc Nga đồng ý mua các ra đa cũng như thiết bị đi kèm để trang bị cho các máy bay không người lái sản xuất trong nước mà trước đây Nga vốn từ chối mua.

Nguồn tin trên cũng tiết lộ việc trì hoãn vô thời hạn trong thỏa thuận hợp tác về không gian nữa Israel và Nga được ký vào tháng 3-2011. Các dự án bao gồm việc phát triển một vệ tinh lưỡng dụng cỡ nhỏ cho Israel có khả năng chụp ảnh độ phân giải cao, một trạm mặt đất tại Israel nhằm tăng cường độ chính xác cho hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu của Nga.

"Đến nay vẫn chưa có bất kỳ tiến triển nào trong hiệp định ký kết với Nga," ông Zvi Kaplan, nguyên giám đốc cơ quan Không gian Israel, người vào năm 2011 đã ký thỏa thuận với ông Anatoly Perminov, người đứng đầu cơ quan Không gian Liên bang Nga.

"Có một số người ở đây cho rằng chúng tôi cần đẩy mạnh một số dự án. Nhưng khi chúng tôi càng muốn mở rộng hợp tác và thắt chặt trao đổi và họ càng muốn tiếp cận đến công nghệ và dự án phát triển vệ tinh cỡ nhỏ, hiệu suất cao thì chúng tôi càng không thể mạo hiểm trong mối quan hệ với những người bạn Mỹ," ông Kaplan nói.

Israel mới đây cũng từ chối đề nghị của Nga về việc cho phép tàu khu trục Admiral Kulakov neo đậu tại cảng Haifa vào tháng Tư vừa qua.

Israel vốn đang cố gắng giữ lập trường trung lập trong cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine, nhờ vậy nước này sẽ không làm tổn hại đến mối quan hệ với Nga, Ukraine, Mỹ và các quốc gia đồng minh thuộc NATO.

Tuy nhiên quan chức cấp cao thuộc Bộ quốc phòng Israel khẳng định rằng nước này có toàn quyền quyết định việc xuất khẩu giấy phép vũ khí cho Nga. Không giống như việc xuất khẩu công nghệ cho phía Trung Quốc vốn phải tham vấn trước với Washington, Israel không cần phải tham khảo ý kiến của Mỹ khi xuất khẩu công nghệ cho Nga.

Máy bay không người lái Heron-1

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại