Khi tên lửa phòng không đảm nhiệm vai trò... chống hạm

Hải Dương |

Ngoài chức năng chính là phòng không, khi cần thiết, tên lửa RIM-66/67 Standard MR/ER còn có thể sử dụng để tiêu diệt tàu chiến mặt nước của đối phương.

RIM-66 Standard MR (SM-1MR/ SM-2MR) và RIM-67 Standard ER (SM-1ER/ SM-2ER) là hai loại tên lửa phòng không tầm trung - xa và có thể đảm nhiệm cả chức năng chống hạm, được phát triển cho Hải quân Hoa Kỳ để thay thế cho RIM-2 Terrier và RIM-24 Tartar.

RIM-66/67 đã được lựa chọn cho vai trò tên lửa hạm đối không tiêu chuẩn của Hải quân Mỹ, do đó nó mang tên gọi "Standard Missile".


Tên lửa RIM-66 Standard MR

Tên lửa RIM-66 Standard MR

Thế hệ đầu tiên của RIM-66/67 Standard MR/ER được phóng đi theo hướng nghiêng từ ray phóng, tầm bắn 74 - 185 km, trần bay 24.400 m, vận tốc Mach 3,5 và mang theo đầu đạn nổ phá mảnh nặng 62 kg.

Một điều rất đáng chú ý, ngoài chức năng chính là phòng không, khi cần thiết tên lửa RIM-66/67 Standard MR/ER còn có thể sử dụng để tiêu diệt tàu chiến mặt nước của đối phương.

Nhờ các ưu thế như giá thành rẻ hơn tên lửa chống hạm và thời gian phản ứng rất nhanh, Standard Missile tỏ ra đặc biệt hữu hiệu khi chống lại các tàu tấn công nhanh cỡ nhỏ.


Tuần dương hạm USS Wainwright (CG-28) lớp Belknap của Hải quân Mỹ

Tuần dương hạm USS Wainwright (CG-28) lớp Belknap của Hải quân Mỹ

Trường hợp đầu tiên sử dụng tên lửa phòng không để chống lại tàu chiến mặt nước diễn ra vào năm 1988, trong chiến dịch Praying Mantis do Hải quân Mỹ tiến hành nhằm ngăn chặn Iran rải thủy lôi phong tỏa Vịnh Persian.

Hải quân Mỹ đã tung vào trận tuần dương hạm USS Wainwright (CG-28) lớp Belknap và khinh hạm USS Simpson (FFG-56) lớp Oliver Hazard Perry.

Các chiến hạm trên mặc dù cũng được trang bị tên lửa RGM-84 Harpoon, nhưng loại đạn chống hạm đặc chủng này tỏ ra phù hợp hơn để tiêu diệt tàu chiến cỡ lớn.


Tàu tên lửa tấn công nhanh Gorz (P228) lớp Kaman của Hải quân Iran

Tàu tên lửa tấn công nhanh Gorz (P228) lớp Kaman của Hải quân Iran

Về phía Hải quân Iran, họ triển khai các khinh tốc đỉnh lớp Kaman. Kaman nguyên gốc là tàu tên lửa tấn công nhanh Type 148 của Hải quân Đức, sau đó nó được Pháp sản xuất dưới tên gọi La Combattante IIa.

Lớp chiến hạm này có lượng giãn nước đầy tải 275 tấn; dài 47 m; rộng 8 m; tốc độ tối đa 36 hải lý/h (67 km/h), được vũ trang với 1 pháo Oto Melara 76 mm, 1 pháo phòng không Bofors 40 mm L/70 cùng 2 tên lửa chống hạm C-802.


Khai hỏa tên lửa RIM-66 Standard MR

Khai hỏa tên lửa RIM-66 Standard MR

Trong cuộc đụng độ trên, USS Simpson đã phóng 4 tên lửa RIM-66 Standard MR còn USS Wainwright phóng 2 tên lửa RIM-67 Standard ER vào chiếc Joshan lớp Kaman.

Cuộc tấn công bằng tên lửa phòng không của tàu chiến Mỹ đã phá hủy phần thượng tầng của chiến hạm Iran, tuy nhiên do trọng lượng khá nhỏ và kết cấu nổ phá mảnh của đầu đạn mà tàu Iran đã không bị đánh chìm.

Với kết quả thực chiến như trên, tên lửa phòng không tỏ ra hoàn toàn có thể đảm nhiệm vai trò của tên lửa chống hạm và được sử dụng như một vũ khí tự vệ nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của tàu chiến mặt nước.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại