Giống như các quốc gia thuộc khối Xã hội chủ nghĩa khác, trong biên chế Không quân Cuba cũng có hình ảnh quen thuộc của những chiếc tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-21 Fishbed, ước tính số MiG-21 còn hoạt động được của Cuba vào khoảng 12 chiếc gồm 2 phiên bản MiG-21 bis và MiG-21UM.
Loại máy bay chiến đấu thứ hai của Không quân Cuba là tiêm kích cánh cụp cánh xòe MiG-23 Flogger. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh Cuba đã được Liên Xô viện trợ khoảng 120 chiếc MiG-23 ở các phiên bản MiG-23MF/ MS / MiG-23ML / MiG-23UB, hiện nay số MiG-23 của Cuba còn hoạt động được là 24 chiếc.
Máy bay tiêm kích đánh chặn hiện đại nhất, giữ vai trò chủ lực của Không quân Cuba là những chiếc MiG-29 Fulcrum. Theo các con số thống kê thì Cuba có tất cả 14 chiếc MiG-29 nhưng đang được triển khai chỉ có 3 chiếc MiG-29A và MiG-29UB, đây là thế hệ MiG-29 đời đầu có chi phí hoạt động rất cao và khả năng không chiến tầm xa rất hạn chế.
Trực thăng tấn công chủ lực của Không quân Cuba là 4 chiếc Mi-24D/V, đây là phiên bản Mi-24 Hind thế hệ sau có tính năng chiến đấu cao hơn Mi-24A của Không quân Việt Nam khá nhiều.
Trong ảnh là chiếc máy bay vận tải hạng nặng IL-76MD của Cuba, mặc dù mang màu sơn như những máy bay dân sự nhưng nó lại được sử dụng chủ yếu cho các hoạt động quân sự.
Ngoài ra Không quân Cuba còn có 2 chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ An-26 Curl đang hoạt động trên tổng số 17 chiếc đã nhận từ Liên Xô.
Máy bay vận tải 2 tầng cánh Antonov An-2 của Cuba, loại "máy bay bà già" này được sử dụng chủ yếu cho hoạt động bay huấn luyện và nhảy dù.
Chiếm số lượng đông đảo nhất trong Không quân Cuba lại là những chiếc máy bay huấn luyện L-39 Albatros do Tiệp Khắc (cũ) sản xuất với khoảng 25 chiếc L-39C đang hoạt động. Loại máy bay huấn luyện này khi cần thiết cũng có thể mang rocket và bom không điều khiển để đảm nhiệm vai trò cường kích tấn công mặt đất.