K-141 “Kursk” là một trong những chiếc tàu ngầm hạt nhân tấn công cuối cùng được đóng và hoàn thiện bởi Liên bang Xô Viết từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX.
Được trang bị những thiết bị hiện đại nhất của Xô Viết, những vũ khí có thể nói là tốt nhất và là cả tinh hoa của người Nga nhưng K-141 “Kursk” đã gặp một tai nạn mà vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của 118 thủy thủ bao gồm 52 sĩ quan trên tàu.
Bức ảnh cuối cùng của K-141 “Kursk” trên biển Barents
Được biên chế vào hạm đội phương Bắc từ tháng 12 năm 1994, hai năm sau khi được hạ thủy, K-141 “Kursk” được xem như gã khổng lồ của Hạm đội phương Bắc, với tư cách là phương tiện hạt nhân lớn nhất, vũ khí mạnh nhất và một lực lượng thủy thủ, sĩ quan tốt nhất của nước Nga.
Thế nhưng, sự cố đã khiến “gã khổng lồ’ Kursk phải nằm lại dưới đáy biển Barents cùng với các thủy thủ, chỉ một phần được trục vớt và đưa về Murmansk, Nga. Sau khi gặp tai nạn, đã có khá nhiều giả thiết được các chuyên gia nhận định: “Kursk” đã gặp sự cố va chạm với một tàu khác từ phía NATO, trúng phải ngư lôi từ một tàu của Na Uy, vướng phải thủy lôi của Hải quân phát xít Đức từ thế chiến thứ II. Tuy nhiên, theo những kết luận cuối cùng được đưa ra bởi Ủy ban điều tra thuộc Bộ tổng tư lệnh Hạm đội phương Bắc thì “Kursk” đã gặp phải sự cố với ngư lôi, mà cụ thể là sự cố phát nổ của hợp chất Hydrogen Peroxide trên tàu.
Hợp chất này được cho là đã thấm qua lớp vỏ của các ngư lôi trên K-141 và gây nên 2 vụ nổ khủng khiếp, khiến cho 5 khoang bị ngập nước hoàn toàn, cùng với đó là lỗ hổng từ phía sau chân vịt. Điều đáng nói là, trong lịch sử thế giới từng chứng kiến một vụ tai nạn tương tự với chiếc HMS Sidon (P259) của Hải quân Hoàng gia Anh, khiến 65 thủy thủ trên tàu thiệt mạng.
K-141 “Kursk” được đặt tên theo một thành phố ở miền Nam nước Nga. Nó được khởi đóng tại Severodvinsk, gần thành phố Arkhangelsk và là một trong những chiếc cuối cùng của lớp Oscar II.
K-141 “Kursk” được hoàn thiện trong hoàn cảnh nước Nga đang thâm hụt tài chính nghiêm trọng sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Được hạ thủy vào ngày 12/1/1992, 10 ngày sau, K-141 được đăng bạ tại cảng Vidyayevo, bên cạnh cảng Severomosk (cảng nhà của Hạm đội phương Bắc).
K-141 có chiều dài 154m, cao 4 tầng và được thiết kế cấu trúc thượng tầng, cho phép 9/20 khoang ngập nước vẫn có khả năng nổi ½ thân tàu. Nó có thiết kế đặc biệt với thép không bị ăn mòn, gồm hợp kim của niken và crom dày tới 8.5mm. Bên cạnh đó là lớp vỏ chống rò rỉ phóng xạ từ trường tốt nhất từ trước đến nay, tốt hơn cả tàu ngầm tấn công lớp Ohio của phía Hoa Kỳ. Cộng thêm vào đó là lớp ngói với khả năng hấp thụ gần như 95% sóng sonar và khả năng qua mặt được cả hệ thống Thám sát bất thường Từ Trường (MAD). Đây là loại thiết bị có khả năng phát hiện ra các từ trường từ bên trong các lò phản ứng đặt trong các tàu ngầm hạt nhân.
Thế nhưng, nó đã gặp phải một trong những vụ tai nạn thảm khốc nhất lịch sử của Hải quân. Nhiều nhà phân tích trên thế giới đã ví nó như một chiến binh bất khả chiến bại như Achilles nhưng lại bại trận chỉ vì một tai nạn ngư lôi không đáng có, gần giống như sự thất bại vì gót chân của Achilles.
K-141 “Kursk” gặp sự cố
Một trong những chiếc thẻ bài của các thủy thủ tử nạn trên K-141 “Kursk”
5 giờ sáng ngày 12/8/2000 tại Severomosk, hạm đội phương Bắc tiến từ các cảng từ Murmansk ra biển Barents trong một cuộc tập trận bắn ngư lôi giả và mục tiêu giả định là tàu tuần dương Peter Đại Đế (một trong những chiếc tàu tuần dương tên lửa mang động cơ hạt nhân thuộc lớp Kirov). Tham gia cùng K-141 còn có K-101 (thuộc lớp Typhoon) và K-114 “Tula” (thuộc lớp Delta IV). Đúng 10 giờ, các hạm trưởng nhận được tín hiệu bắt đầu cuộc tập trận bắn ngư lôi giả.
Một tiếng đồng hồ sau, khi mà các tàu K-101 và K-114 “Tula” đã hoàn thành bài tập thì đến lượt K-141 “Kursk”. Vào lúc 11:28, cả hạm đội nghe thấy một tiếng nổ từ bên dưới lòng biển, nguyên nhân ngay lập tức được xác định. Gần như ngay sau đó, chỉ huy hạm đội phương Bắc là Đô đốc Nikolay Mikhaylovich Demilov nhận được tin dữ: “K-141 gặp phải sự cố phát nổ trong khoang phóng ngư lôi”.
Tín hiệu cuối cùng phát đi từ K-141 là khoảng 1 phút sau vụ nổ đầu tiên từ hạm trưởng cố Đại tá Ghennadi Liatrin: “Tàu hiện đã bị ngập nước 7 khoang, một số khoang bị rò rỉ nặng, tuy nhiên lò phản ứng chưa bị rò ri phóng xạ. Hiện tại các thiết bị điều áp tự động không có khả năng cân bằng áp suất cho tàu, không thể tiếp cận được lò phản ứng. Trong trường hợp xấu nhất có khả năng rò rỉ phóng xạ ra bên ngoài. Yêu cầu ứng cứu ngay lập tức”.
Vụ nổ đầu tiên ước tính bằng một vụ nổ tương đương 2 tấn TNT gây nên một trận động đất mạng 2.2 richter. Gần 2 phút sau vụ nổ đầu tiên là vụ nổ thứ 2, dường như chính vụ nổ đã xé nát thân tàu, nó được ước tính tương đương với 7 tấn TNT gây nên một trận động đất mạnh 4.4 richter.
Ngay sau đó K-141 “Kursk” đã chìm sâu xuống đáy biển Barents ở độ sâu 108m, tại tọa độ 67độ 40 phút Bắc – 37độ 35 phút Đông. Ngay lập tức, Bộ Tổng tư lệnh Hạm đội biển Bắc đã thành lập Ủy ban điều tra và họp khẩn cấp nhằm cứu các thủy thủ và sĩ quan trên tàu.
12:15 đêm cùng ngày, đã có hơn 15 tàu đến khu vực K-141 gặp tai nạn trong những nỗ lực cứu vớt những người còn sống sót. Tuy nhiên họ đã đến khá trễ, hầu như các thủy thủ và sĩ quan đã tử nạn sau vụ nổ kinh hoàng thứ 2. Toàn bộ 118 thủy thủ và sĩ quan đã hy sinh.
Những nỗ lực tìm kiếm
Anh và Na Uy đã đề xuất được tham gia ứng cứu các thủy thủ trên K-141, tuy nhiên, phía Nga không đồng ý và cho rằng các thủy thủ và sĩ quan đã tử nạn ngay sau vụ nổ thứ nhất.
Tuy nhiên, theo những báo cáo mật từ FSB (cơ quan an ninh liên bang Nga, được thành lập sau sự sụp đổ của cơ quan mật vụ KGB) thì các nhà lãnh đạo Nga không muốn người Anh và Na Uy tham gia cứu các thủy thủ trên K-141 vì những lý do chính trị và muốn bảo mật công nghệ trên K-141 “Kursk”.
Người Mỹ cũng đã âm thầm cử một hạm đội đến khu vực với mục tiêu trục vớt chiếc K-141 “Kursk” để khám phá nó như những chiếc chiến đầu cơ Mig-29 từng vượt biên khỏi Liên bang Xô Viết trước đây, tuy nhiên, người Nga đã ngăn cản mọi nỗ lực của người Mỹ để bảo toàn công nghệ trên K-141 “Kursk”.
Sau này, khi các tài liệu mật này được công bố, Bộ tư lệnh Hải quân Nga đã bị chỉ trich khá nhiều khi coi trọng công nghệ của họ hơn là sinh mạng của các sĩ quan và thủy thủ của tàu.
Khi các tàu lặn được cử xuống để tìm hiểu nguyên do của vụ tai nạn, họ đã tìm thấy một số cuốn sổ được ghi lại bởi các sĩ quan và thủy thủ còn sống sót sau 2 vụ nổ. Từ cuốn sổ của Trung úy Dmitri Kolesnikov: “Sau vụ nổ, cả con tàu như muốn nổ tung, tôi đã bị trượt chân và ngã xuống sàn tàu. Khi mở mắt tỉnh dậy thì khoang E-26 (được cho là khoang chỉ huy của K-141) gần như bị ngập nước chỉ còn vài sĩ quan và thủy thủ gồm tôi, thiếu úy Kolenov, Hạ sĩ Solomov và 2 người khác. Bỗng nhiên sau đó mọi thứ chìm trong bóng tối…” Cuốn sổ được tìm thấy bên cạnh xác của Trung úy Kolesnikov.
Đã có rất nhiều hoài nghi về thời gian các sĩ quan và thủy thủ sống sót sau vụ nổ. Theo Đô đốc V.I.L Kuroyedov thì dưỡng khí còn đủ dùng cho đến ngày 25/8, tuy nhiên, theo các báo cáo điều tra khác thì chỉ là ngày 18/8. Đội tìm kiếm phát hiện thấy một số hộp có chứa hợp chất Kali Peoxit có khả năng hấp thụ CO2 và nhả ra O2 nhưng trên thực tế, các hộp chứa hợp chất này lại là nguyên nhân gây ra cái chết của hầu hết những người còn sống sót sau 2 vụ nổ.
Các thủy thủ không may tiếp xúc phải hợp chất này, cùng với xúc tác nước biển ở độ sâu 108m đã khiến cho nó bốc cháy và rất nhiều thủ thủ đã chết cháy vì nó. Theo các điều tra thì khi khoang tàu bốc cháy, một số ít thủy thủ đã lặn xuống bên dưới lớp nước nhưng ngọn lửa quá lớn đã đốt cháy toàn bộ lượng O2 còn lại, khiến họ chết ngạt ngay sau đó.
Tổng thống Nga đương nhiệm là V.Putin nhận được tin báo khi đang trong kỳ nghỉ ở Sochi bên bờ biển Đen, nhưng phải 5 ngày sau đó ông mới trở về Moscow với lý do những gì ông được báo cáo ở Sochi và Moscow đều như nhau và lẽ ra ông nên đến trực tiếp Severomosk thị sát tình hình. Vào năm 2002, trong một buổi lễ tưởng niệm các sĩ quan và thủy thủ đã hy sinh trong tai nạn K-141 “Kursk” V.Putin đã lên tiếng xin lỗi toàn thể người dân và thân nhân của các sĩ quan, thủy thủ hy sinh trên chiếc K-141.
Chiếc K-141 được trục vớt thành công bởi 2 công ty của Hà Lan với chiếc xà là khổng lồ Giant4 vào tháng 5 năm 2002. Các nhà lãnh đạo Nga mà cụ thể là Tổng thống V.Putin đã kiên quyết bác bỏ giả thiết chính các tên lửa P-700 “Granit” có mang theo đầu đạn hạt nhân là nguyên do chính của vụ nổ. Tuy nhiên, sau đó cũng không có một bằng chứng nào được tìm thấy để củng cố của giả thiết này.
Tai nạn của K-141 “Kursk” là một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong lịch sử Hải quân nước Nga và thế giới, sau vụ tai nạn đã gây nên không ít những dư luận không hay nhằm công kích Bộ tổng chỉ huy Hạm đội phương Bắc và Chỉ huy trưởng hạm đội Đô đốc Demilov. Bên cạnh đó là sự xấu hổ cho một hạm đội lừng lẫy nổi tiếng trên thế giới với những chiến công hiển hách và những phương tiện hạt nhân hiện đại bậc nhất trên thế giới.