Giải mã mức tăng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất thế giới của Nga

Theo kết quả công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) về chi tiêu quân sự toàn cầu trong năm 2012, trong khi kinh tế thế giới mang đậm gam màu xám, nhiều nước phải thắt chặt chi tiêu, thì nước Nga lại có mức tăng chi tiêu quốc phòng nhanh nhất thế giới.

Điều kiện cần

Báo cáo của SIPRI chỉ rõ chi tiêu quân sự của Nga trong năm 2012 đạt 91 tỷ USD, chiếm 4,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này. Mặc dù đứng thứ 3 thế giới, sau Mỹ (giảm tới 6%, còn 670 tỷ USD) và Trung Quốc (tăng 7,8%, đạt 160 tỷ USD) về chi tiêu quốc phòng nhưng Nga lại có mức tăng nhanh nhất, gần 15,7%. Từ đây, Đài Tiếng nói nước Nga khẳng định, chi tiêu quân sự của 'xứ bạch dương' đã tăng trong gần 15 năm liên tiếp, chỉ với khoảng dừng ngắn ngủi trong năm 2010.

Phiên bản hiện tại RS-24 Yars của tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars thuộc biên chế của RVSN. Ảnh: Ria Novosti
Phiên bản hiện tại RS-24 Yars của tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars thuộc biên chế của RVSN. Ảnh: Ria Novosti

Theo các nhà phân tích, việc Nga tăng chi tiêu quân sự trước hết là nhằm để đối phó với các thách thức an ninh, đe dọa tới lợi ích của Nga và các đồng minh. Trên thưc tế, điều này cũng đã được xác định trong Chiến lược an ninh quốc gia LB Nga đến năm 2020 và Học thuyết quân sự Nga.

Mát-xcơ-va nhận định, nguy cơ đe dọa quân sự hiện hữu và tiềm tàng đối với Nga có thể gia tăng đáng kể trong thời gian tới. Chương trình phòng thủ tên lửa và triển vọng phát triển vũ khí trên vũ trụ của Mỹ vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với an ninh của Nga. Việc NATO mở rộng sang phía Đông, bao gồm cả các nước có chung biên giới với Nga, cũng là một mối lo ngại khác.

Trong bối cảnh các nước láng giềng như U-crai-na, Cư-rơ-gư-xtan bị xáo trộn bởi các cuộc cách mạng màu, theo nhà phân tích B.Ban-xi (B.Balci) thuộc Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nỗi lo “chịu chung kịch bản” là một cơn ác mộng đang ám ảnh Mát-xcơ-va. Vẫn còn nhiều cuộc xung đột khu vực, trong đó có những khu vực giáp biên với Nga, chưa được giải quyết và mang xu hướng giải quyết bằng vũ lực. Việc triển khai hoặc tăng cường các đơn vị quân đội nước ngoài (hoặc nhóm nước ngoài) trên lãnh thổ của những nước có chung biên giới trên đất liền và trên biển với Nga và với các đồng minh của Nga, tạo hiểm họa phá vỡ thế cân bằng lực lượng đã được hình thành ở khu vực biên giới.

Mặt khác, trong một thế giới toàn cầu hóa, kết hợp sức mạnh và răn đe quân sự với kinh tế và năng lượng trong một thế giới “khát” năng lượng là một chiến lược dài hạn để tạo đà phát triển bền vững cho đất nước, đồng thời khiến các đối thủ phải dè chừng. Vì vậy, Nga xác định chính sách quốc tế lâu dài của Nga sẽ được dựa trên cơ sở nắm giữ các nguồn năng lượng, trong đó bao gồm các nguồn năng lượng ở Trung Đông, Bắc Cực, khu vực biển Ca-xpi và Trung Á. Và trong cuộc chiến giành các nguồn năng lượng, Nga không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Bên cạnh đó, chủ nghĩa khủng bố, mà nguồn cơn chính là từ tình hình khu vực Bắc Cáp-ca-dơ, cũng là mối lo không thể xem thường với Nga bởi đằng sau đó là hoạt động chống đối của những lực lượng và tổ chức Hồi giáo cực đoan với mục tiêu ly khai, là xung đột về sắc tộc và tôn giáo ở một số nước cộng hòa và khu vực lãnh thổ tại vùng này. Mát-xcơ-va cũng xác định chính sách của một loạt nước lớn nhằm đạt được sự thống soái trong lĩnh vực quân sự nhờ công nghệ cao cũng là mối đe dọa quân sự trực tiếp hiện nay.

Không những vậy, xét trên bình diện an ninh toàn cầu, vẫn tồn tại những âm mưu làm mất ổn định tình hình tại một số nước và một số khu vực cũng như phá vỡ sự ổn định chiến lược, cho nên với vị thế và vai trò của mình, Nga không thể vắng mặt trong việc xử lý những vấn đề chính trị - an ninh ở các “điểm nóng” trên thế giới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của các công dân Nga, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Điều kiện đủ

Xét trong bối cảnh tình hình an ninh thế giới ngày càng có nhiều biến động, nếu làm phép so sánh thì những thách thức tương tự kiểu trên của Nga cũng là những bài toán chung đối với nhiều cường quốc khác; có “ông lớn” như Mỹ, còn phải giải những bài toán an ninh thậm chí còn phức tạp hơn nhiều. Vì vậy, các nhà phân tích cho rằng, đó mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ cho việc Nga không ngừng chi mạnh tay cho lĩnh vực quốc phòng.

Báo Độc lập (Nga) dẫn lời Chủ tịch "Nhóm Phát triển" của Nga V.Cu-ha-xki (V.Kuharsky) nhận định rằng, số tiền chi phí không nhỏ cho các mục tiêu biên phòng chính là một nguyên nhân. Theo ông V.Cu-ha-xki, Nga là một quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, bởi vậy số tiền chi tiêu quốc phòng cũng tỷ lệ thuận với phần lãnh thổ, lãnh hải cần được bảo vệ dẫn đến chi tiêu quốc phòng sẽ luôn ở mức cao.

Trong khi đó, cũng trả lời Báo Độc lập (Nga), ông A.Ra-du-va-ép (A. Razuvaev), thuộc Công ty tư vấn phân tích tài chính Alpari cho rằng, vì nước Nga có tỷ lệ các đơn vị quân đội lạc hậu cao, thậm chí tồn tại từ thời Liên Xô (trước đây), nên việc tái trang bị quân đội hiện đại là việc làm cần thiết, không thể xem nhẹ. “Thế giới đang ngày càng trở nên bất ổn, nước Nga cần phải sẵn sàng cho một cuộc xung đột vũ trang mới. Đó chính là lý do cần hiện đại hóa quân đội”, ông A.Ra-du-va-ép nói.

Sẽ chưa dừng lại

Các nhà phân tích cho rằng, mức độ tăng 15,7% kể trên được xem là một kỷ lục và phản ánh những nỗ lực của Tổng thống V.Pu-tin (V.Putin) kể từ khi trở lại nắm quyền hồi năm ngoái. Ông chủ Điện Crem-li đã khẳng định rằng tiềm lực quân sự hùng mạnh là sự bảo đảm vững chắc đối với an ninh quốc gia.

Vì vậy, Mát-xcơ-va xác định, trong trung hạn (tính đến năm 2015), sẽ tích cực tạo diện mạo mới về chất cho Lực lượng vũ trang Liên bang và duy trì tiềm lực hạt nhân chiến lược, hoàn thiện cơ cấu biên chế, tổ chức và bố trí các đơn vị của các quân binh chủng ở từng khu vực, tăng số lượng các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác huấn luyện tác chiến, phối hợp giữa các quân, binh chủng; về mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tiếp tục kiện toàn Lực lượng vũ trang Liên bang, các quân binh chủng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước trong mọi diễn biến của cục diện chính trị, quân sự.

Để hiện thực hóa những mục tiêu này, trong bài viết “Trở thành một đất nước hùng mạnh là bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia Nga”, đăng trên nhật báo Rossiyskaya Gazeta, ông V.Pu-tin cho biết, Nga sẽ chi 23.000 tỷ rúp (khoảng 750 tỷ USD) để phát triển và hiện đại hóa các lực lượng vũ trang trong vòng một thập niên tới. Theo đó, Nga sẽ trang bị 400 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cho lực lượng mặt đất và hải quân, 23 tàu ngầm tấn công tổng hợp, 50 tàu đổ bộ, 600 chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, 1000 trực thăng, 2.300 xe tăng hiện đại, 2000 đại bác tự hành, 28 hệ thống tên lửa đất đối không S-400, 38 hệ thống tên lửa phòng không Vityaz…

Gần đây nhất, ngày 18-4 vừa qua, Ria Novosti dẫn lời Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN), Đại tướng X.Ca-ra-va-y-ép (S.Karavayev) cho biết, cuối năm nay, RVSN sẽ được biên chế Yars-M, phiên bản hiện đại hóa đầu tiên của tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars, nhằm tăng cường sức mạnh răn đe hạt nhân của Nga.

Dự đoán về chi tiêu quân sự của Nga trong thời gian tới, Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng, nếu không xảy ra các cú sốc lớn về kinh tế, đến cuối thập kỷ này, chi tiêu quân sự của Nga sẽ đạt 200 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, nhật báo Rossiyskaya Gazeta nhận định chi tiêu quân sự sẽ chiếm 5 đến 6% GDP của Nga trong 10 năm tới.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại