Thông số kỹ thuật pháo chống tăng Panzerjager V Jagdpanther Sd. Kfz. 173
Trọng lượng: 45,5 tấn
Kíp lái: 5 người
Động cơ: Maybach HL 230 P 30 / 12-xy lanh / 700 mã lực
Tốc độ tối đa: 46 km/h
Tầm hoạt động: 210 km
Dung tích nhiên liệu: 700 lit
Chiều dài: 9,86 m (tính cả nòng pháo)
Chiều rộng: 3,42 m (có giáp yếm)
Chiều cao: 2,51 m
Vũ khí: Pháo 88 mm Pak 43/3 L/71 và 1 súng máy MG34 7,92 mm (1 x MG34 - lắp trên thân xe)
Dữ trữ đạn: Pháo 88 mm: 57 - 60 viên
Súng máy 7,92 mm: 3.000 viên
Vỏ giáp: Mặt trước: 80 mm, mặt sau: 40 mm, hông: 45 mm, khiên che súng: 100 mm
Pháo chống tăng tự hành Jagdpanther chính là mắt xích còn thiếu trong kế hoạch thâu tóm cục diện chiến trường của Phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2. Mặc dù đã có dòng tăng Tiger II và Panther, pháo chống tăng Jagdpanther vẫn trở nên vô cùng hữu ích khi được đưa vào các sư đoàn thiết giáp nhằm bù đắp về số lượng.
Dù được sản xuất trong điều kiện thiếu thốn khi các nhà máy của Đức bị không quân Đồng Minh ném bom đêm ngày, Jagpanther vẫn là một trong những thứ vũ khí tinh xảo và chết người nhất mà Phát xít Đức từng tạo ra.
Một chiếc Jagdpanther cùng với kíp lái
Pháo chống tăng tự hành Jagdpanther là thành quả sự tích luỹ kinh nghiệm của người Đức trong giai đoạn đầu và giữa chiến tranh. Họ đã áp dụng công thức thiết kế dựa trên khung thân của các dòng tăng sẵn có để tạo nên các biến thể pháo chống tăng tự hành, điều này đã được áp dụng trên Panzer III (biến thể pháo chống tăng StuGIII), Panzer IV (biến thể pháo chống tăng Jagdpanzer IV), Tiger (biến thể pháo chống tăng Elefant), và sau này là Tiger II với biến thể Jagdtiger.
Tuy nhiên điều khiến Jagdpanther thành công đến vậy là nhờ thiết kế hoàn hảo với mục đích chống tăng. Jagdpanther được trình lên cho Hitler xem và đã gây ấn tượng mạnh đến mức chính ông ta đã ra lệnh đổi tên ban đầu của khẩu pháo từ “Panzerjager Panther” thành “Jagdpanther”. Khẩu pháo tự hành chống tăng này bắt đầu được đem ra chiến trường vào năm 1944 với rất nhiều kỳ vọng của Hitler đặt vào nó.
Jagdpanther trên mặt trận miền Bắc nước Pháp năm 1944
Xét về bề ngoài, do được chế tạo dựa trên khung xe tăng Con Báo (Panther), nên Jagdpanther vẫn giữ được những đường nét gốc. Phần thân dưới hoàn toàn giống Panther với những đặc điểm nổi bật như hệ thống bánh xếp chen và gối lên nhau, xích xe được thiết kế rộng để dàn đều áp lực lên mặt đất… Phần giáp trước khá dày và chiếm trọn diện tích mặt trước. Do không có tháp pháo xoay và pháo chính chỉ có thể điều chỉnh sang 2 bên một góc giới hạn, nên để ngắm bắn toàn bộ thân xe phải xoay theo, về mặt này Jagdpanther không khác một lô cốt di động là mấy. Pháo chính của Jagdpanther được gắn một tấm khiên dày để bảo vệ và đầu nòng được gắn một loa giảm giật cỡ lớn để làm hạ thấp độ giật kinh khủng của pháo.
Nhìn chung, Jagdpanther được bọc giáp rất kỹ lưỡng, không như các loại pháo tự hành chống tăng của Mỹ được sử dụng trong suốt chiến tranh vốn có cấu trúc mở, khiến cho kíp xe dễ bị tổn thương do đạn và mảnh pháo.
Điểm nổi bật của pháo tự hành chống tăng Jagdpanther là khẩu pháo chính 88 mm Pak 43 khét tiếng được đặt cố định. Do phát triển theo cấu trúc pháo tự hành chống tăng, xe có lớp giáp nghiêng phía trước rất dày (80 mm) và vẻ ngoài hầm hố.
Mặc dù được trang bị giáp bảo vệ và vũ khí hạng nặng nhưng pháo chống tăng Jagdpanther là một trong những loại xe thiết giáp hiếm có đã dung hoà được một cách hoàn hảo các yếu tố về tốc độ, tính cơ động, hoả lực và giáp bảo vệ, một ví dụ khác về sự hoàn hảo này là xe tăng hạng trung T-34 của Liên Xô.
Về hoả lực, khẩu pháo 88 mm đã là quá đủ để hạ gục bất cứ loại xe tăng nào quân Đồng Minh ở khoảng cách mà vũ khí của các xe tăng Đồng minh không thể với tới. Để điều khiển cỗ máy này cần đến 5 người, bao gồm lái xe, trưởng xe, pháo thủ, nạp đạn viên và liên lạc viên (kiêm xạ thủ súng máy). Jagdpanther mang được 60 viên đạn 88 mm cùng với 3.00 viên đạn 7,62 mm cho khẩu súng máy MG34.
Vũ khí chính của Jagdpanther là khẩu 88 mm Pak43 khét tiếng
Trên chiến trường, pháo chống tăng Jagdpanther đã chứng tỏ được khả năng mặc dù chỉ sản xuất với số lượng hạn chế nhưng một khi xuất hiện, nó hoàn toàn có thể đảo ngược tình hình trận đánh. Ở mặt trận phía Tây, vấn đề về vỏ giáp bảo vệ yếu của xe tăng Đồng Minh như M4 Sherman, Matilda, Valentine và Cromwell càng ngày càng trở nên trầm trọng hơn khi đối mặt với sức mạnh của khẩu pháo 88 mm trên Jagdpanther.
Tình hình mặt trận phía Đông khả quan hơn khi ít ra quân đội Xô Viết vẫn có thể chống trả lại với xe tăng hạng nặng IS-2 nhờ được trang bị pháo chính 122 mm. Đối với mục tiêu khó nhằn này, Jagdpanther vẫn có thể bắn xuyên được giáp ở khoảng cách 500 m, một con số vẫn rất đáng nể.
Một chiếc Jagdpanther bị kíp lái bỏ lại
Tuy nhiên về cuối chiến tranh, đến năm 1945, tổng số lượng xe Jagdpanther sản xuất được chỉ là 382 chiếc, thấp hơn nhiều so với kế hoạch, số lượng nhỏ khiến cho ảnh hưởng của dòng pháo chống tăng này đến cục diện chiến trường là không quá đáng kế. Khi vòng vây của quân Đồng Minh ngày càng khép chặt, các cơ sở sản xuất quản trọng của Đức rơi dần vào tay họ, và mặc dù đã từng là một mối quan tâm thường trực của các chỉ huy tăng quân Đồng Minh, nỗi kinh hoàng trên chiến trường mang tên Jagdpanther cũng dần biến mất.
Pháo tự hành chống tăng Jagdpanther
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA