Jagdtiger - Pháo tự hành diệt tăng uy lực nhất CTTG II (Phần 2)

Quang Minh |

(Soha.vn) - Mặc dù mạnh mẽ, đầy uy lực nhưng con quái vật thép hạng nặng Jagdtiger vẫn tồn tại không ít điểm yếu chết người.

Jagdtiger - Pháo tự hành diệt tăng uy lực nhất CTTG II (Phần 1)

Ra đời vào thời kỳ thoái trào của nước Đức quốc xã

Ngoài hỏa lực cực mạnh, giáp trước đặt nghiêng dày 250 mm của Jagdtiger cũng là vô địch, đảm bảo cho kíp xe yên tâm “sống tốt” trước đạn chống tăng đối phương. Thiết kế của Jagdtiger giống như một cái hộp bọc thép vát nghiêng 2 bên nhằm bảo vệ cho kíp xe bên trong.

Động cơ của Jagdtiger cùng loại được trang bị trên xe tăng hạng nặng King Tiger, đó là loại Maybach HL 230 P30 V-12 công suất 700 mã lực, và dĩ nhiên do trọng lượng nặng nề nên Jagdtiger cũng rất “ăn” nhiên liệu, nó chỉ đi được trung bình 121 km tùy loại địa hình và tốc độ tối đa 38 km/h trên đường tốt.

Khoang động cơ phía đuôi Jagdtiger

Tháng 11/1944 hãng Krupp định trang bị cho Jagdtiger pháo 128 mm L/66 mới có nòng dài và uy lực hơn nhưng điều này cũng đồng nghĩa phải thay đổi cấu trúc xe để đảm bảo khả năng giảm giật của khẩu pháo. Cuối cùng dự án này không bao giờ được thực hiện nhưng có một chương trình khác thay đổi nòng pháo cho Jagdtiger lại đi vào hiện thực, đó là thay pháo 128 mm Pak 44 L/55 bằng pháo 88 mm PaK 43 L/71 của xe tăng Tiger II.

Vào tháng 4/1945 có 4 chiếc Jagdtiger loại này đã hoàn thiện và được định danh là Panzerjäger Tiger mit 88 mm Pak 43/3 (Sf)Sd.Kfz.185, trong khi bản dùng pháo 128 mm tên là Sd.Kfz.186. Tuy pháo 88 mm nhỏ hơn pháo 128 mm cũ nhưng thực sự mà nói pháo 88 mm L/55 loại gắn trên Tiger II “King Tiger” cũng là quá mạnh so với xe tăng quân Đồng minh, hơn nữa lại có thể đảm bảo vấn đề đồng bộ hậu cần, bảo dưỡng. Sự thay đổi này diễn ra nhằm đáp ứng yêu cầu chi viện hậu cần và cung ứng vật liệu chế tạo vũ khí mới của Đức.

Một chiếc Jagdtiger bị quân Đồng minh thu giữ

Chúng ta cũng nên nói thêm một chút về tính hình nước Đức lúc đó, những cuộc ném bom của quân Đồng minh đã làm hao kiệt năng lực duy trì chiến tranh của Đức quốc xã, nghĩa là các kho chứa dầu, kho vũ khí, các cơ sở sản xuất và các cung đường vận chuyển liên tục bị tấn công, trong đó cầu và đường ray xe lửa bị nhắm tới đầu tiên.

Quân Đức mặc dù đã cố gắng phòng thủ nhưng càng ngày nước Đức càng bị thu nhỏ trên bộ, còn trên bầu trời Luftwaffe (Không quân Đức) đang đi đến hồi diệt vong. Các nhà máy lần lượt bị chiếm cùng với giao thông đình trệ khiến việc sản xuất, chuyển giao các thành phần quan trọng như nòng pháo, đạn dược và động cơ đi vào bế tắc. Tháng 12/1944, chỉ có 20 chiếc Jagdtiger được xuất xưởng trong tháng và đến tháng 3/1945, chỉ còn có 3 chiếc hoàn thành.

Điểm yếu của “con quái vật thép”

Như đã nói, về bản chất Jagdtiger là một pháo tự hành chống tăng với tháp pháo cố định, nó chỉ nguy hiểm khi xoay mặt về hướng mục tiêu với giáp trước vô địch và khẩu pháo mạnh kinh hoàng, nhưng việc thay đổi hướng bắn nhiều hơn 10° là phải xoay cả chiếc xe cho nên hệ thống treo và lái nhanh bị hỏng. Do đó tuy mang tên pháo chống tăng xung kích nhưng thực tế Jagdtiger hiệu qủa với vai trò phòng ngự hơn là tiến công, cũng may là tuy mang tiếng phòng thủ nhưng cả Quân đội Đức lúc này cũng đang ở thế phòng thủ, nên trong chừng mực nào đó Jagdtiger vẫn có chỗ đứng cho riêng mình.

Đa phần Jagdtiger bị kíp lái bỏ lại nguyên vẹn

Mặc dù vậy, những hạn chế vẫn chưa hết, tốc độ chậm chậm biến Jagdtiger giống những cỗ xe tăng “rùa” trong Thế chiến thứ nhất hơn là một loại xe tăng hiện đại. Mang được ít đạn (chỉ có 40 viên) lại có tốc độ bắn rất chậm do liều phóng và đầu đạn được nạp riêng rẽ (nhưng nếu không thế thì quả đạn cỡ 128 mm liền khối sẽ quá nặng).

Trọng lượng còn nặng hơn Tiger II khiến động cơ Jagdtiger phải hoạt động quá tải hơn, điều này dẫn đến việc động cơ thường xuyên xảy ra hỏng hóc kỹ thuật, nghĩa là độ tin cậy không cao. Đã hay hỏng lại còn hao nhiên liệu khiến Jagdtiger tự thân không thể hành quân xa, cho nên quân Đức đành phải giao cho nó nhiệm vụ phòng thủ hay hỗ trợ bộ binh, khi đó Jagdtiger có thể thiết lập tuyến phục kích đoàn xe tăng địch từ khoảng cách xa hay tiêu diệt hỏa điểm công sự địch cho bộ binh tấn công.

Nhưng khi vị trí của Jagdtiger bị tấn công nhiều hướng, nó dần trở nên vô dụng, giáp chỉ “vô đối” ở phía trước nhưng 2 bên hông xe dày chỉ 80 mm hay đằng sau thì đạn xe tăng Đồng minh hoàn toàn có thể xuyên được, nhược điểm đó cộng với việc xoay trở chậm chạp thì kíp lái của nhiều chiếc Jagdtiger đã chọn giải pháp… bỏ xe còn nguyên vẹn để thoát thân. Tuy vậy cũng có một số chiếc bị đặt thuốc nổ hủy trước khi rút chạy bởi những kíp lái “có trách nhiệm”.

Hồng quân Liên xô thu giữ một chiếc Jagdtiger còn mới cứng

Cho đến khi kết thúc chiến tranh, từ tháng 7/1944 đến tháng 4/1945 có tổng cộng 85 khẩu pháo tự hành diệt tăng Jagdtiger được sản xuất với số hiệu lần lượt từ 305001 đến 305077 hoặc 305088 (sản xuất ở nhà máy Nibelungenwerke tại St. Valentin), chúng được biên chế về 2 đơn vị là schwere Panzerjager Abteilung 512 và schwere Panzerjager Abteilung 653, 2 đơn vị này chiến đấu ở mặt trận phía Đông và phía Tây. Ngoài ra người ta còn thấy 4 đến 6 chiếc Jagdtiger trong đơn vị schwere SS Panzer Abteilung (101) 501 vào tháng 4/1945.

Chỉ có vài chiếc Jagdtiger còn nguyên vẹn sau chiến tranh và hiện tại chúng được trưng bày tại bảo tàng xe tăng Bovington ở Anh, bảo tàng tăng thiết giáp Kubinka ở Nga và ở Aberdeen Proving Grounds (Mỹ).

Pháo tự hành diệt tăng Jagdtiger trong Chiến tranh thế giới II

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại