David Richards, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Anh hôm 18/7, đúng ngày ông chính thức nghỉ hưu sau gần 42 năm phục vụ trong quân đội, đã lên tiếng cảnh báo rằng những nỗ lực để thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria sẽ chỉ dẫn đến chiến tranh và gần như vô ích.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Daily Telegraph, vị tướng 61 tuổi của quân đội Anh đã lên tiếng cảnh báo về những hậu quả của một vùng cấm bay trên lãnh thổ Syria. Việc mà Mỹ cùng đồng minh đang tính đến để nhanh chóng kết thúc cuộc nội chiến dai dẳng tại đất nước này.
Tướng Richards đã phân tích: Để không quân có thể tiêu diệt được các mục tiêu trên mặt đất thì trước tiên cần phải hạ hệ thống phòng không của đối phương, giống như trường hợp liên quân tấn công Lybia trước đây.
Tuy nhiên, để đáp ứng được điều kiện này không phải là dễ dàng khi chính phủ Syria có một hệ thống phòng không do Nga chế tạo mạnh mẽ gấp 5 lần của Libya hồi năm 2011. Thậm chí, nó không ngừng được nâng cấp, cải tiến tinh vi và dầy đặc hơn rất nhiều lần, chưa kể đến sự hỗ trợ của S-300 nếu được Nga bổ sung như kế hoạch.
Theo các chuyên gia, hệ thống phòng không của Syria hiện nay hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ hệ thống phòng không nào mà quân đội Mỹ từng phải đối mặt kể từ khi họ tổ chức một chiến dịch oanh kích Serbia hồi năm 1999.
Theo ước tính của các nhà phân tích phương Tây trước khi cuộc nội chiến nổ ra, Syria có khoảng 25 lữ đoàn phòng không cùng khoảng 150 dàn tên lửa đất đối không. Các hệ thống này đã liên tục được củng cố trong những năm gần đây và mức độ suy giảm do chiến sự vẫn chưa được xác nhận.
Syria hiện vẫn có nhiều hệ thống tên lửa phòng không di động và điều này có nghĩa là quân đội của ông Assad có thể di chuyển đến những vị trí mà Mỹ không thể ngờ tới.
Việc Syria dễ dàng bắn hạ máy bay do thám F4 Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ khi nó tiến vào gần bờ biển Syria năm ngoái có thể là bằng chứng cho thấy mức phản ứng nhanh chóng của hệ thống phòng không Syria.
Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho rằng, nếu thực sự muốn hạ gục được sức mạnh của hệ thống phòng không Syria, cuộc tấn công này cần kết hợp sức mạnh của ít nhất 2 tàu sân bay Mỹ.
Báo chí Nga cũng hết lời ca ngợi hệ thống phòng không của Syria. Đồng thời, tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 hồi tháng 6, Tổng thống Nga đã khẳng định sẽ bán S-300 cho chính quyền Damascus. Các nhà phân tích quân sự cho rằng với S-300, Syria sẽ hoàn thiện sức mạnh phòng không của mình.
Tuy nhiên, với sức mạnh phòng không được ngợi ca đủ sức thách thức “Mỹ và đồng minh” như vậy, Syria vẫn bị Israel không kích liên tiếp và lần nào cũng gây ra nhiều thiệt hại.
Gần đây, đêm ngày 4, rạng sáng ngày 5/5, Israel không kích trực tiếp căn cứ quân sự tại Damascus, đầu não của chính quyền Tổng thống Assad.
Sau đó, ngày Ngày 5/7, tên lửa của Israel đã không kích một kho vũ khí của Chính phủ Damascus tại Safira, gần thành phố cảng Latakia - một trong những thành trị vững chắc nhất của quân chính phủ.
Vụ tấn công này đã phá hủy khoảng 50 tên lửa chống hạm Yakhont do Nga sản xuất, vốn đã được vận chuyển cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad hồi đầu năm.
Những cuộc không kích này đã cho thấy hai tình huống, hoặc không lực Israel quá mạnh, hoặc sức mạnh phòng không của Syria không tương xứng với những ngợi ca mà nó nhận được.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!