IS có thở phào khi trực thăng Mi-24 rút khỏi Syria?

Tuấn Vũ |

Cùng với dàn cường kích là trực thăng Mi-24PN, Mi-35M và Mi-8AMTSh lần lượt được Nga rút khỏi Syria. Tuy nhiên, trước khi rút, trực thăng Ka-52 đã hiện diện tại đây.

Lão tướng hoàn thành nhiệm vụ

Trực thăng tấn công Mi-24 đã tới sân bay Hmeymim ở Latakia ngay những ngày đầu tiên Nga bắt đầu chiến dịch chống khủng bố ở Syria, mà trực tiếp là tấn công tiêu diệt phiến quân IS đang bành trướng khắp nơi.

Tại Syria các trực thăng tấn công Mi-24 chủ yếu làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ căn cứ, chi viện hỏa lực cho Quân đội Syria và tham gia cứu hộ cứu nạn phi công, nhóm đặc nhiệm Nga khi cần.

Trực thăng Mi-24 được Nga rút khỏi Syria.
Trực thăng Mi-24 được Nga rút khỏi Syria.

Loại Mi-24 mà Nga triển khai ở Syria thuộc biến thể Mi-24P được trang bị khẩu pháo hạng nặng GSh-23L cỡ 23mm nòng kép đặt cố định bên phải buồng lái máy bay, thay vì khẩu pháo có xoay đặt đầu mũi.

Pháo GSh-23L đạt tốc độ bắn 3.400-3.600 phát/phút, có khả năng bắn hạ được cả xe thiết giáp hạng nhẹ.

Giá treo của Mi-24P có thể mang gunpod UPK-23-250 với pháo 23mm GSh-23L nòng kép hoặc gunpod GUV-8700 với cụm hỏa lực gồm khẩu súng máy 6 nòng 12,7mm, hai súng máy 7,62mm hoặc súng phóng lựu 30mm hoặc bệ phóng rocket B-8V20 với đạn rocket S-8 cỡ 80mm với tầm bắn 1-4km.

Trong suốt thời gian tham chiến tại Syria, trực thăng Mi-24 chưa chịu bất kỳ một tổn hại đáng kể nào. Trong khi đó, nó lại tạo ra những cơn ác mộng kinh hoàng nhất với phiến quân IS.

Cách dùng vũ khí của Nga

Ngay khi trực thăng Mi-24 chưa rút khỏi Syria, hình ảnh của sát thủ chính hiệu Ka-52 đã được nhìn thấy tại căn cứ không quân Hmeymim của Nga tại Syria.

Vậy tại sao Nga rút một trực thăng và thay vào đó là trực thăng khác?

Câu trả lời hết sức đơn giản bởi ngoài sức mạnh hỏa lực áp đảo, Ka-52 còn có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau – những nhiệm vụ được coi là không thể với Mi-24.

Sự triển khai này dù Nga không tuyên bố lý do nhưng theo nhận định của Tạp chí National Interest, quyết định của Nga xuất phát từ việc Ka-52 được trang bị hệ thống Vitebsk và Moscow muốn thử nghiệm hệ thống tác chiến điện tử tối tân này trong môi trường thực chiến tại Syria.

Theo những thông tin được Phó Tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử lớn nhất của Nga (KRET), ông Igor Nasenkov cho biết:

"Thành phần cơ bản của Vitebsk là trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP có mã hiệu L-370-3S. Trạm này có tốc độ cao hơn loại analog ở các tổ hợp khác, như Sorbtsiya của Su-27, Gerdeniya của MiG-29".

Trực thăng Ka-52 được nhìn thấy tại Syria.
Trực thăng Ka-52 được nhìn thấy tại Syria.

Ông này nói rõ, Vitebsk không chỉ đánh giá phát xạ của radar đối phương, mà đồng thời “chế áp” tín hiệu trong dải tần rộng hơn.

Ngoài TsSAP, tổ hợp còn gồm hệ thống bảo vệ chống tên lửa lắp đầu tự dẫn tìm nhiệt (TGSN). Hệ thống này dùng đèn pha laser làm mù tên lửa địch.

Hiện nay, những thành phần riêng biệt của Vitebsk đã được lắp cho trực thăng tấn công Ka-52 với mã hiệu L-370P-2, cho máy bay vận tải Mi–8MT với mã hiệu L-370E-8, lắp cho Su-25 và trực thăng Mi-26.

Trên thực tế, trực thăng không thích hợp với trạm nhiễu chủ động kỹ thuật số TsSAP, do đó các trực thăng chỉ được bảo vệ chống tên lửa có đầu tự dẫn tìm nhiệt, còn thay cho đèn laser chỉ dùng đèn pha ánh sáng thường.

Ngoài ra, tổ hợp Vitebsk còn nghiên cứu chế tạo cả cho máy bay vận tải Il–476. Nhưng đến nay các nhà sản xuất máy bay và lực lượng Không quân chưa thống nhất được về khối lượng, kích thước bao hình và nơi lắp đặt tổ hợp trên khoang máy bay Il–476.

Chuyên gia quân sự độc lập, một trong những đồng tác giả cuốn sách Quân đội mới của nước Nga, ông Anton Lavrov hoan nghênh Vitebsk:

“Công nghệ phòng không không dẫm chân tại chỗ, nó trở nên tinh vi.

Tần số, phương pháp mã hoá tín hiệu đã thay đổi, và cơ sở cho mọi thứ ở khắp nơi là công nghệ kỹ thuật số. Vì thế tổ hợp tác chiến điện tử cho không quân này hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu hiện đại”.

Ông này cũng nhất trí với quan điểm của Bộ Tư lệnh Không quân Nga khi quyết định trang bị Vitebsk trước hết cho trực thăng và máy bay cường kích.

Chuyên gia này nói, chính những máy bay này hoạt động gần đối phương hơn cả, vì vậy chúng thường bị các phương tiện phòng không tấn công.

Clip trực thăng Ka-52 hủy diệt mục tiêu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại