Hình ảnh vệ tinh ghi lại đám mây hơi nước bốc lên từ nhà máy nước nặng Arak chuyên sản xuất plutonium của Iran hôm 9/2
Nước nặng là nguồn nhiên liệu cần thiết để vận hành lò phản ứng hạt nhân sản xuất plutonium, sau đó chế tạo thành bom nguyên tử. Những bức ảnh ghi lại đám mây hơi nước bay trên khu vực nhà máy Arak hôm 9/2 đã chỉ ra rằng Iran đang triển khai nhiều hoạt động bí mật tại đây.
Kể từ tháng 8/2011, giới quan sát viên tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã không thể tiếp cận cơ sở hạt nhân Arak – nằm cách thủ đô Tehran về phía tây nam 150 dặm, và Iran liên tục từ chối cung cấp thông tin về cơ sở này.
Mặc dù, chính phủ phương Tây và IAEA đã nắm trong tay không ít thông tin về hoạt động tại nhà máy Arak song bức ảnh được công bố hôm 26/2 là bằng chứng đầu tiên được công bố trước dư luận.
Chi tiết về chương trình sản xuất plutonium của Iran đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới lãnh đạo hàng đầu thế giới trong các cuộc họp với Tehran nhằm giảm bớt tham vọng hạt nhân của quốc gia Hồi giáo.
Những bức ảnh được công bố hôm 26/2 đồng thời chỉ ra chi tiết hoạt động tại tổ hợp hạt nhân Fordow nằm dưới lòng đất bên trong một ngọn núi thuộc thành phố Qom của Iran. Trong nhiều phiên họp diễn ra tại Kazakhstan vào ngày hôm qua, các nhà lãnh đạo thế giới đã yêu cầu xóa bỏ lệnh trừng phạt với Iran đổi lại Tehran cho đóng cửa nhà máy hạt nhân Fordow – vốn được trang bị hệ thống phòng thủ vững chắc trước các cuộc không kích.
Mặc dù, Iran khẳng định hoạt động tại các cơ sở hạt nhân tại nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình song chính phủ phương Tây lại lo ngại Tehran đang trên đà sản xuất vũ khí hạt nhân. Chính hình ảnh đám mây hơi nước bốc lên từ nhà máy nước nặng Arak là minh chứng sinh động về việc quốc gia Hồi giáo đang tiến dần tới con đường sản xuất vũ khí hạt nhân.
Trước đây, hầu hết các cuộc đàm phán quốc tế với Iran chỉ xoay quanh nhà máy hạt nhân chuyên làm giàu uranium dưới lòng đất Fordow song với hoạt động tại cơ sở Arak – khu vực chuyên sản xuất plutonium, có thể khẳng định Iran sắp sở hữu vũ khí hạt nhân.
Một khi nắm trong tay bom hạt nhân, Iran sẽ không phải e dè trước phương Tây và mở rộng tầm ảnh hưởng tại Trung Đông. Trong khi đó, Israel lo ngại lực lượng quân đội Iran được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ tiến hành thêm các cuộc tấn công tại khu vực biên giới do quân đội Hizbollah cầm đầu.
Mặc dù, các cơ quan tình báo phương Tây liên tục cập nhật chương trình hạt nhân của Iran song một số chính trị gia Israel cho rằng nên tiến hành không kích vào các cơ sở hạt nhân của Iran trước khi Tehran có thể sản xuất bom nguyên tử.
Ngoài hình ảnh đám mây khói xuất hiện tại khu vực nhà máy Arak, các bức ảnh còn ghi lại hình ảnh chưa từng thấy tại Iran về một lượng lớn tên lửa đánh chặn máy bay và dàn pháo binh được triển khai để bảo vệ nhà máy này.
Tổ hợp Arak được chia thành 2 khu vực bao gồm nhà máy nước nặng và một lò phản ứng hạt nhân. Iran cũng báo cáo lên IAEA rằng họ sẽ cho lò phản ứng tại cơ sở Arak hoạt động trong 3 tháng đầu năm 2014.
Hiện nay, Iran vẫn chưa có công nghệ tái chế plutonium và sử dụng cho mục đích phát triển vũ khí. Song giới phân tích cho rằng Triều Tiên đã thành công trong việc phát triển công nghệ này thì Iran cũng hoàn toàn có thể làm được như vậy.
Theo Viện An ninh quốc tế và Khoa học Mỹ, nếu nhà máy nước nặng Arak đi vào hoạt động hết công suất, nó có thể sản xuất khoảng 20lb (9 kg) plutonium/năm – đủ để sản xuất 2 đầu đạn hạt nhân nếu plutonium được tái chế.