Hải trình tuyệt mật của tàu ngầm hạt nhân đầu tiên

Sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik lên quỹ đạo trái đất, đề khỏi "bẽ mặt" về sự thụt lùi của mình trong việc chiếm lĩnh không gian, người Mỹ liền chuyển hướng sang việc chinh phục tầng đáy các đại dương, mở đường cho việc thiết lập tuyến hàng hải xuyên Bắc Cực kinh tế hơn.

Quảng bá động cơ hạch tâm

Sau "cú sốc" thua cuộc trước người Nga trong cuộc chạy đua chinh phục khoảng không vũ trụ, Tổng thống Harry Truman (1884-1972) đã chỉ thị qua một sắc lệnh tuyệt mật, chính thức "bật đèn xanh" cho việc sử dụng chiếc tàu ngầm hạt nhân đầu tiên trên thế giới mang phiên hiệu SSN-571, thứ phương tiện chiến lược duy nhất mà Moskva chưa có trong tay lúc ấy trực tiếp thám hiểm cực Bắc. Mục tiêu chủ yếu nhằm khẳng định Mỹ là quốc gia đầu tiên dùng tàu ngầm nguyên tử chinh phục Bắc Cực.

Song hành với chỉ thị của người đứng đầu Nhà Trắng là chiến dịch quảng bá rầm rộ cổ vũ cho động cơ năng lượng hạt nhân. Điển hình là các bộ phim do Hãng Walt Disney sản xuất theo đơn đặt hàng từ Bộ Quốc phòng như "20.000 Leagues Under the Sea" (2 vạn dặm dưới đáy biển), dựa theo cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng cùng tên của nhà văn người Pháp Jules Verne (1828-1905), với con tàu thám hiểm Nautilus đầy cuốn hút trên màn ảnh lớn, hay thiên truyền hình "The atom is our friend" (Nguyên tử là người bạn của chúng ta)...

Con tàu đầu tiên trong loạt tàu ngầm hạt nhân thứ nhất thuộc lớp "Nautilus" (ốc anh vũ), mang phiên hiệu SSN-571 do Công ty quốc phòng nổi tiếng General Dynamics đóng được khởi công vào ngày 14/6/1952.

Lễ hạ thủy diễn ra tưng bừng tại quân cảng ở thành phố New London (tiểu bang Connecticut) vào ngày 21/1/1954. Kích thước tàu SSN-571 với chiều dài là 97,5m, chiều rộng 8,5m và chiều cao 7,9m cùng vận tốc dưới đáy nước là 23 hải lý/giờ (1 hải lý = 1,8km) cũng là tốc độ lặn sâu nhanh nhất so với mọi dạng tàu ngầm đương thời. Thủy thủ đoàn của SSN-571 gồm 11 sĩ quan chỉ huy và 100 lính thủy chuyên nghiệp trong biên chế của Bộ Tư lệnh Hạm đội tàu ngầm trực thuộc Bộ Hải quân Hoa Kỳ.

Lễ hạ thủy Nautilus SSN-571.

Trên tàu ngoài lượng vũ khí tấn công chiến lược thiết yếu được bố trí tại những vị trí thuận tiện nhất, các nhà thiết kế lần đầu tiên lưu tâm tới vấn đề tiện nghi cho thủy thủ đoàn trong những chuyến đi đơn độc giữa lòng biển sâu. Do vậy ngoài hệ thống buồng ngủ thoáng mát đạt quy chuẩn như trên tàu sân bay nhiều tầng, là các dịch vụ tinh thần đi kèm như thư viện, phòng chiếu phim, nhà ăn rộng rãi có khu giải trí riêng được trang bị 12 cỗ máy chuyên dụng như máy làm kem, máy pha cà phê, mô hình điều khiển xe hơi tốc độ... cùng nhiệt độ khắp nơi luôn được duy trì ở mức 22oC. Trên tàu cũng cho phép việc hút thuốc lá, do được trang bị hệ thống lọc không khí tối ưu loại trừ mọi hợp chất độc hại,

Chinh phục Bắc Cực

Chuyến đi biển dài ngày đầu tiên của tàu ngầm SSN-571, cũng là chuyến hải trình đặc biệt thực hiện chỉ thị tối mật của Tổng thống H. Truman. Trước đấy, người Anh cũng thực hiện một chuyến thám hiểm tương tự lên cực Bắc trong năm 1931, nhưng bất thành vì tàu mắc kẹt giữa Bắc Băng Dương phải huy động lực lượng cứu hộ tới giải cứu.

Chiến dịch chinh phục Bắc Cực của SSN-571 mang mật danh "Sunlight" (Ánh dương) do đích thân Tổng thống H. Truman đặt tên, khởi hành từ căn cứ Trân Châu cảng trên quần đảo Hawaii. Để nghi binh, SSN-571 giả vờ như đang hướng lên Alaska phía bắc Thái Bình Dương, đột nhiên tới điểm giáp ranh eo Bering tàu lặn xuống độ sâu 130m trước khi tiến vào  Bắc Băng Dương.

Sau 2 tuần "bơi" dưới lớp băng dày bao phủ bên trên, đến ngày 5-8 con tàu do thuyền trưởng William Anderson (1921-2007) chỉ huy đã nổi lên tại địa điểm trong vòng cực Bắc ở vĩ tuyến 900 vĩ Bắc, đối diện vùng biển Greenland bên kia bờ Bắc Băng Dương.

Tàu ngầm Nautilus đến Bắc Cực.

Tổng cộng trong chiến dịch "Sunlight", con tàu SSN-571 đã thực hiện chuyến hải hành dài 62.562 hải lý (100.684km), lập kỷ lục đi dưới mặt nước lâu nhất và cũng là tàu ngầm đầu tiên lặn sâu bên dưới Bắc Cực. Đồng thời, chuyến đi này tạo khả năng mở một đường biển thương mại mới xuyên Bắc Băng Dương, điểm hội tụ của 2 đại dương lớn nhất là Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, giúp rút ngắn hải trình từ Đông Á sang châu Âu vốn là tuyến hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới đem lại những lợi ích kinh tế khổng lồ.

Chuyến đi của tàu ngầm nguyên tử SSN-571 lên Bắc Cực vô hình trung đã khơi mào cho cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới cực kỳ tốn kém cho các bên liên quan. Hệ quả là người Nga cũng cấp tốc tiến hành đóng và hạ thủy chiếc tàu ngầm hạch tâm đầu tiên của mình vào cuối năm 1958, phá vỡ thế độc quyền của Washington, đẩy sự đối đầu trong thời Chiến tranh lạnh lên cao trào mới.

Sau 1/4 thế kỷ hoạt động trong đội hình tàu ngầm chiến lược của Hải quân Mỹ, con tàu SSN-571 đã ngừng hoạt động vào năm 1980 và được đưa về neo đậu vĩnh viễn tại Bảo tàng Lịch sử tàu ngầm ở căn cứ Groton (tiểu bang Connecticut), gần nơi hạ thủy ban đầu. Trung bình hằng năm cỗ tàu ngầm hạt nhân đầu tiên thu hút khoảng 250.000 lượt khách thăm viếng, duy nhất khoang chứa động cơ nguyên tử là cấm tiệt du khách vì lý do bí mật quốc gia.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại