1. Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio của Mỹ
Tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio là tàu ngầm hạt nhân chiến lược đời thứ 4 của Mỹ. Tàu sử dụng kỹ thuật tàng hình tiên tiến khiến cho đối phương khó phát hiện, đồng thời tàu sử dụng hệ thống sonar tổng hợp AN/BQQ-6 để phát hiện mục tiêu. Hiện nay, Mỹ có 18 tàu ngầm loại này. Tàu dài 170,7 mét, rộng 12,1 mét, độ mớm nước 11,8 mét, lượng giãn nước 18750 tấn.
Tàu sử dụng một lò phản ứng hạt nhân nước áp lực loại GE PWR S8G. Hai tua bin 30.000 mã lực, 2 máy phát điện tua bin công suất 4 MW, máy phát điện diesel công suất 1,4 MW, động cơ điện quay chân vịt dự phòng công suất 325 mã lực, tốc độ trên 20 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 400 mét, biên chế 155 người, chạy liên tục 1 triệu km.
Tàu Ohio được trang bị 24 tên lửa đạn đạo Trident II có tầm phóng trên 12 nghìn km, mỗi tên lửa loại này có thể mang được 12 đầu đạn. Tên lửa Trident II có thể tấn công các mục tiêu như các thành phố lớn, trung tâm kinh tế chính trị, khu vực đóng quân của đối phương, cảng biển, sân bay, khu dân cư. Nếu như tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo Trident II gồm 192 đầu đạn hạt nhân thì có sức công phá tương đương với 91200 kt. Điều này có nghĩa là khi Mỹ bố trí tàu ngầm Ohio thì các mục tiêu của đối phương sẽ bị uy hiếp cực lớn.
Ngoài ra, tàu Ohio còn được trang bị hệ thống chỉ huy tác chiến CCSMK2-3, hệ thống khống chế phóng ngư lôi MK118 và 154 tên lửa hành trình BGM-109, 4 ống phóng ngư lôi – thủy lôi cỡ nòng 533 mm.
2. Tàu ngầm hạt nhân lớp Borei của Nga
Tàu ngầm này còn gọi là tàu ngầm Đề án 955 Borey, chiếc đầu tiên được xuất xưởng vào năm 2007, dự tính đến năm 2014 sẽ bàn giao cho hải quân Nga sử dụng, ngoài ra 2 chiếc tàu khác cũng đang được đóng. Theo kế hoạch, đến trước năm 2017 Nga sẽ có 8 tàu ngầm hạt nhân lớp Borei.
Tàu dài 171,5 mét, độ mớm nước 10,5 mét, lượng choán nước khi nổi 14720 tấn, khi lặn 17000 tấn, tốc độ tối đa khi nổi 16 hải lý/giờ, khi lặn 27 hải lý/giờ, có thể lặn ở độ sâu 450 mét.
Tàu được trang bị 16 ống phóng tên lửa, tàu được trang bị tên lửa vượt đại châu SS-NX-30, tầm phóng trên 11 nghìn km, 16 quả ngư lôi cỡ 6x533 mm, tên lửa chống ngầm SS-N-15. Đồng thời, tàu còn được trang bị tên lửa chống ngầm tầm gần SA-N-8, ngư lôi tốc độ cao Shkval có tốc độ phóng 200 hải lý/giờ.
3. Tàu ngầm lớp Vanguard của Hải quân Hoàng gia Anh
Tàu ngầm lớp Vanguard là tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo đời mới nhất của Hải quân Hoàng gia Anh. Tàu này được đưa vào sử dụng năm 1993, đến nay Anh có 3 tàu loại này trong biên chế. Tàu được trang bị tên lửa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân, có nhiệm vụ uy hiếp hạt nhân chiến lược. Tàu được mô phỏng theo thiết kế tàu lớp Ohio của Mỹ nhưng nhỏ hơn.
Tàu dài 149,5 mét, rộng 12,8 mét, độ mớm nước 12 mét, lượng chuán nước 16000 tấn, tốc độ dưới nước là 25 hải lý/giờ. Tàu được biên chế 132 người. Tàu sử dụng 1 lò phản ứng hạt nhân áp lực hơi nước RR2 gồm 2 động cơ hơi nước với công suất 27500 mã lực và 2 động cơ diezen với công suất 2700 mã lực.
Vũ khí gồm 16 quả tên lửa Trident II, tầm phóng 12 nghìn km; 4 ống phóng ngư lôi 533 mm.
4. Tàu ngầm lớp Typhoon của Nga
Tàu ngầm hạt nhân lớp Typhoon của Nga là tàu ngầm lớn nhất thế giới. Nó được coi là cơn ác mộng cho các nước phương Tây trong thời chiến tranh lạnh. Đây là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo đời thứ 4. Tàu có thiết kế đa thân, với 5 thân nằm bên trong thân chính. Điểm đặc biệt là phần thân chính của tàu được phủ một lớp vật liệu cách âm giúp con tàu này trở nên hoàn toàn tàng hình trước sóng radar địch.
Tàu dài 170 mét, rộng 25 mét, độ mớm nước từ 11,5 đến 13 mét, lượng choán nước khi nổi là 18500 tấn, khi lặn là 25000 tấn, tốc độ từ 13 – 16 hải lý/giờ. Tàu có thể lặn sâu 400 mét, biên chế 170 người.
Vũ khí được trang bị cho tàu gồm 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm, 2 ống phóng ngư lôi loại 650 mm dùng để phóng ngư lôi chống hạm loại 53-65K, ngư lôi tự động loại C3T-65 và CA3T-60M. Ngoài ra, tàu còn được trang bị 20 tên lửa đạn đạo SS-N-20, trang bị nhiều đầu đạn hạt nhân cùng ngư lôi và tên lửa chống tàu chiến khác, Typhoon có khả năng tấn công 10 mục tiêu khác nhau chỉ với một cái ấn nút.
5. Tàu ngầm lớp Le Triomphant
Tàu ngầm lớp Le Triomphant của Pháp hoạt động êm, làm cho đối phương khó phát hiện. Được Pháp khởi công đóng từ năm 1988 và bàn giao cho hải quân sử dụng từ năm 1996. Hiện nay, Pháp có 2 tàu loại này và theo kế hoạch Pháp sẽ tiếp tục đóng thêm 4 tàu nữa.
Tàu dài 138 mét, rộng 12,5 mét, độ mớm nước 10 mét, lượng choán nước khi nổi là 127000 tấn, khi lặn là 14335 tấn, tốc độ 25 hải lý/giờ, có thể lặn sau 500 mét, hoạt động độc lập trong vòng 60 ngày. Tàu được biên chế 110 người.
Trang bị gồm 1 lò phản ứng hạt nhân loại K-15, 2 động cơ hơi nước, 1 tua bin điện, công suất 41000 mã lực. Vũ khí gồm 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm dùng để phóng ngư lôi và tên lửa chống ngầm; 16 tên lửa đạn đạo M45 với mỗi quả mang được 6 đầu đạn, tầm phóng 11000 km, radar dẫn đường RACAL 1229, hệ thống số liệu tác chiến SAD, hệ thống khống chế vũ khí SAT và DLA4A, hệ thống đối kháng điện tử ARUR-13/DR-3000U và các thiết bị chống ồn khác.
6. Tàu ngầm lớp Delta
Các tàu ngầm lớp Delta là cách gọi của NATO cho một nhóm các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo được hình thành như là xương sống của các hạm đội tàu ngầm chiến lược của Liên Xô và Nga kể từ khi được giới thiệu vào năm 1973. Gồm các lớp Delta I, II, III và IV. Các tàu này mang các tên lửa đạn đạo hạt nhân nhóm R-29 Vysota, như R-29 (NATO đặt tên: SS-N-8 'Sawfly'), R-29D (NATO đặt tên: SS-N-8 'Sawfly'), R-29R (NATO đặt : SS-N-18 'Stingray') và R-29RM (NATO đặt tên: SS-N-23 'Skiff'). Lớp Delta I có thể mang 12 tên lửa, Delta II mở rộng có thể mang 16 tên lửa; Delta III và IV mang theo 16 tên lửa với nhiều đầu đạn và các thiết bị điện tử cải tiến và cải thiện tiếng ồn.
7. Tàu ngầm lớp Tấn 094 của Trung Quốc
Tàu ngầm lớp Tấn 094 là sự cải tiến của tàu ngầm lớp 093. Tàu được biên chế cho hải quân Trung Quốc từ năm 2005.
Tàu có thể mang được 16 quả tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 với 144 đầu đạn hạt nhân, có tầm phóng từ 10 – 12 nghìn km. Tàu dài 140 mét, được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân với công suất 20000 mã lực, tốc độ 26 hải lý/giờ.
8. Tàu ngầm lớp Le Redoutable của Pháp
Tàu ngầm lớp Le Redoutable của Pháp hiện nay tuy không còn được sử dụng nhưng loại tàu này vẫn được đánh giá là một trong những tàu ngầm hạt nhân khiến cho đối phương khiếp sợ. Tàu dài 112,5 mét, rộng 10,6 mét, độ mớm nước 10 mét, lượng choán nước khi nổi là 7500 tấn, khi lặn là 9000 tấn, tốc độ khi nổi là 20 hải lý/giờ, khi lặn là 25 hải lý/giờ, có thể lặn sâu tối đa 300 mét.
Tàu được trang bị vũ khí gồm 4 ống phóng ngư lôi 533 mm, có thể mang được 18 quả ngư lôi, tàu được trang bị tên lửa M20, tầm phóng 1900 hải lý, ngoài ra tàu còn được trang bị nhiều loại vũ khí khác.
9. Tàu ngầm lớp La Fayette
Lớp tàu ngầm này là một sự phát triển mang tính cách mạng từ lớp Ethan Allen, tuy nhiên La Fayette lớn hơn và có nhiều cải tiến hơn. Đây là tàu ngầm của Mỹ, tàu dài 129,5 mét, rộng 10,1 mét, độ mớm nước 10 mét, lượng choán nước khi nổi là 7250 tấn, khi lặn là 8250 tấn, tốc độ từ 18 đến 25 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300 mét, biên chế 140 người. Tàu được trang bị lò phản ứng hạt nhân có thể hoạt động liên tục trong vòng 6 năm.
Vũ khí mang theo gồm 16 quả tên lửa đạn đạo, 12 ngư lôi, 4 ống phóng ngư lôi loại 533 mm và các loại vũ khí khác.
10. Tàu ngầm lớp Resolution
Tàu ngầm lớp Resolution được Anh đóng vào thập niên 60 của thế kỷ trước. Hiện nay hải quân Anh có 4 tàu loại này. Tàu dài 129,5 mét, rộng 10,1 mét, độ mớm nước 9,1 mét, tốc độ khi nổi là 20 hải lý/giờ, khi lặn là 25 hải lý/giờ, có thể lặn sâu 300 mét, biên chế 143 người.
Tàu được trang bị 16 quả tên lửa đạn đạo, tầm phóng 4630 km, 6 ống phóng ngư lôi loại 533 mm và các loại vũ khí, trang thiết bị khác.