TTXVN trích nguồn tin trên cho hay, theo dự kiến, tổ hợp thiết bị này sẽ được bàn giao trước năm 2014.
Tổ hợp “Gefest” có khả năng mô phỏng các tình huống tai nạn bất thường khẩn cấp tiềm ẩn trên tàu. Trong các khoang mô phỏng, thủy thủ có thể luyện tập và thực hành phương thức đối phó với nước, lửa cháy và khói mạnh.
Được biết, Bộ Quốc phòng Nga cũng dự định mua hệ thống huấn luyện “Gefest”. Năm 2011, tổ hợp “Gefest” đã được cung cấp cho Cơ quan Bảo vệ biên giới đường biển của Nga và được lắp đặt tại thành phố Anapa thuộc khu vực Krasnodar Krai.
Còn hãng tin Interfax-AVN dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp đóng tàu Nga tiết lộ hôm 17/4/2013 rằng, phía Nga đang tham gia xây dựng trung tâm đào tạo thủy thủ đoàn tàu ngầm cho Hải quân Việt Nam trong một dự án do Công ty Cổ phần Hiệp hội Khoa học và sản xuất Avrora JSC xây dựng.
“Công ty này cũng là nhà sản xuất và cung cấp cho Việt Nam các phương tiện kỹ thuật và tài liệu phục vụ huấn luyện cần thiết, để tổ chức và thực hiện quá trình đào tạo thủy thủ tàu ngầm Việt Nam”, nguồn tin nói.
Cũng theo nguồn tin này, đến nay, đã hoàn thành công tác xây dựng cơ bản 2 tòa nhà, đã bắt đầu công tác hoàn thiện và lắp ráp thiết bị. Tại một tòa nhà đang lắp đặt các cấu kiện kim loại và thiết bị phục vụ các bài học xử lý bảo đảm sinh tồn, đào tạo thợ lặn và cứu hộ.
Trong tòa nhà khác sẽ lắp đặt máy móc huấn luyện tích hợp gồm nhiều thành phần lần đầu tiên được Nga xuất khẩu.
Nguồn tin nói rằng, các giáo viên người Việt Nam ở Trung tâm này, sau khi hoàn thành khóa học đầy đủ ở Nga sẽ trở về nước trước khi bắt đầu lắp đặt và điều chỉnh hệ thống huấn luyện. Cùng với các chuyên gia Nga, đích thân các giáo viên Việt Nam sẽ tham gia vào các công việc khởi động-điều chỉnh thiết bị và máy móc của hệ thống huấn luyện tổng hợp.
“Dự án này là một ví dụ hiếm có về sự hợp tác giữa hai nước mà việc thực hiện diễn ra trong một thời gian rút ngắn như vậy”, nguồn tin nhấn mạnh.
Theo phân tích trên trang Indrus của Ấn Độ, thì sau Ấn và Algeria, Việt Nam đang dần trở thành một đối tác rất quan trọng của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự. Việt Nam đang được trang bị các hệ thống tên lửa phòng không, phòng thủ bờ biển, máy bay chiến đấu và sắp tới là tàu ngầm phi hạt nhân loại hiện đại. Việc đào tạo nhân sự để sử dụng các thiết bị của tàu ngầm cũng đang được bắt đầu...
Phó Giám đốc cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) Vyacheslav Dzirkaln cũng từng nói về triển vọng hợp tác kỹ thuật quân sự Việt-Nga: "Một trong những khách hàng lớn nhất mua vũ khí của Nga ở khu vực Đông Nam Á hiện nay là Việt Nam. Đất nước này đã được cung cấp nhiều hệ thống phòng không, máy bay và vũ khí của Nga. Việc hợp tác kỹ thuật - quân sự Việt-Nga có tính chất thường xuyên và được thực hiện phù hợp với chương trình hợp tác 5 năm giữa hai nước".