Hải quân Nhật Bản bảo vệ tàu chiến trước thủy lôi ở Hoa Đông

Minh Đức |

(Soha.vn) - Thủy lôi phong tỏa đường biển là mối đe dọa lớn đối với tàu chiến. Tuy nhiên, với Hải quân Nhật Bản, đây không phải là vấn đề quá lớn.

Từ lâu, thủy lôi (mìn hải quân) phong tỏa các tuyến đường biển luôn là mối đe dọa thường trực đối với hoạt động của các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm. Thủy lôi được thiết kế nằm lơ lửng ở dưới mặt nước và bất ngờ phát nổ khi có tàu thuyền đi qua gây nên những thiệt hại rất to lớn.

Các thủy lôi thế hệ cũ hoạt động theo nguyên tắc “chạm-nổ”, xác suất tiêu diệt tàu chiến thường không cao. Thủy lôi hiện đại sử dụng hệ thống cảm biến (chủ yếu là từ tính) để kích nổ mỗi khi có tàu chiến phát từ tính đi qua.

Tàu quét mìn lớp Yaeyama là lực lượng tiên phong dọn đường cho các tàu chiến của Nhật Bản khỏi mối đe dọa từ thủy lôi.
Tàu quét mìn lớp Yaeyama là lực lượng tiên phong dọn đường cho các tàu chiến của Nhật Bản khỏi mối đe dọa từ thủy lôi.

Rà phá thủy lôi là một nhiệm vụ rất quan trọng đối với hoạt động của hải quân các nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản. Ý thức được mối hiểm họa của thủy lôi, Hải quân Nhật Bản đã xây dựng cho mình một lực lượng rà phá thủy lôi hàng đầu khu vực châu Á.

Theo phân công nhiệm vụ giữa hải quân Mỹ-Nhật trong Hiệp ước an ninh chung, Mỹ chịu trách nhiệm về hỏa lực tấn công còn Nhật Bản chịu trách nhiệm về phòng thủ, chiến tranh chống ngầm, xử lý thủy lôi. Với vai trò hoạt động như vậy, từ suốt những năm chiến tranh lạnh đến nay, Hải quân Nhật Bản trở thành lực lượng có năng lực tác chiến phòng thủ và chiến tranh chống ngầm, xử lý thủy lôi hàng đầu thế giới.

Trong biên chế Hải quân Nhật Bản có đến 29 tàu chiến được thiết kế cho nhiệm vụ rà phá thủy lôi. Những chiếc tàu quét mìn này có thiết kế vỏ tàu bằng gỗ, bên ngoài được bao bọc bằng sợi thủy tinh để giảm từ tính khi hoạt động.

Nổi bật nhất trong đội tàu quét mìn của Hải quân Nhật Bản là tàu quét mìn lớp Yaeyama. Đây là lớp tàu quét mìn lớn nhất của Nhật Bản và nó có tính năng chiến đấu tương đương với tàu quét mìn lớp Avenger của Hải quân Mỹ.

Cận cảnh các hệ thống săn tìm và xữ lý thủy lôi ở phía đuôi của tàu quét mìn Yaeyama.
Cận cảnh các hệ thống săn tìm và xữ lý thủy lôi ở phía đuôi của tàu quét mìn Yaeyama.

Tàu được trang bị hệ thống định vị thủy âm phát hiện thủy lôi AN/SQQ-32, nó bao gồm 2 hệ thống định vị gắn ở thân tàu và một kéo theo. Khi không triển khai hoạt động, hệ thống định vị kéo theo được đặt trong một thùng nhỏ ở dưới boong tàu.

Để xử lý thủy lôi tàu quét mìn lớp Yaeyama có thể thực hiện theo 2 cách, quét cơ khí, tức là sử dụng một thiết bị phát từ tính kéo theo sau tàu để kích nổ thủy lôi đã được rải dưới nước. Cách thứ 2 là sử dụng một phương tiện điều khiển từ xa dưới nước ROV để vô hiệu hóa thủy lôi.

ROV được điều khiển từ tàu mẹ, nó được trang bị hệ thống camera ánh sáng yếu có khả năng ghi hình trong môi trường ánh sáng yếu dưới nước, cùng hệ thống cảm biến cao tần giúp phát hiện thủy lôi. ROV còn được trang bị một thiết bị cắt cáp neo của thủy lôi cùng thiết bị lắp đặt thuốc nổ để vô hiệu hóa thủy lôi ở dưới nước.

Giải pháp xử lý thủy lôi bằng ROV cho hiệu quả cao và an toàn hơn so với giải pháp quét cơ khí. ROV được điều khiển cách tàu mẹ từ 1.000-1.500 mét giúp đảm bảo an toàn cho tàu mẹ và thủy thủ đoàn khi thủy lôi bị kích nổ.

Xử lý thủy lôi và các vật liệu nổ dưới nước khác là một lĩnh vực hết sức nguy hiểm, ngoài những thiết bị hỗ trợ thì kỹ năng và kinh nghiệm của người vận hành hết sức quan trọng. Thủy thủ đoàn có thể phải trả giá đắt trong một phút sơ sẩy hay thiếu kinh nghiệm khi xử lý thủy lôi.

Khả năng xử lý thủy lôi của Hải quân Nhật Bản không chỉ đến từ trang thiết bị mà còn đến từ rất nhiều kinh nghiệm thông qua các cuộc tập trận hải quân xử lý thủy lôi nơi họ luôn giữ vai trò trung tâm. Hạm đội xử lý thủy lôi của Nhật Bản không chỉ đảm bảo an toàn cho hoạt động của hải quân họ mà còn cho Hải quân Mỹ đang hoạt động tại nước này.

Trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên biển Hoa Đông, khả năng Trung Quốc sẽ sử dụng thủy lôi để hạn chế hoạt động của Hải quân Nhật Bản là rất cao. Tuy nhiên, vấn đề này đã được các nhà hoạch định chính sách hải quân Mỹ-Nhật lường trước.

Tờ Globalsecurity cho biết, từ năm 2007 đến nay hải quân Mỹ-Nhật thường xuyên thực hiện các cuộc tập trận chống thủy lôi trên vùng biển Nhật Bản. Các tàu quét mìn lớp Yaeyama phối hợp với tàu quét mìn lớp  Avenger của Mỹ thực hiện các bài phối hợp vận động chiến thuật, xử lý thủy lôi và các vật liệu nổ dưới nước khác.

Với chính sách hợp lý cùng kinh nghiệm dồi dào, trang thiết bị hiện đại, mối đe dọa từ thủy lôi trên biển Hoa Đông không còn là thách thức quá lớn đối với Hải quân Nhật Bản khi hoạt động chiến đấu tại đây.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại