Hải quân nhân dân Việt Nam đang sử dụng những loại pháo hạm nào?

Ly Vy |

(Soha.vn) - Mặc dù không còn là vũ khí tấn công chính nhưng pháo hạm ngày nay vẫn giữ một vai trò quan trọng trong việc cấu thành sức mạnh của tàu chiến mặt nước.

Hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam đang được biên chế một số lượng lớn tàu chiến với nhiều chủng loại đa dạng, kéo theo đó cũng là sự đa dạng của các mẫu pháo hạm. Dưới đây là bài tìm hiểu về một số loại pháo hạm đang được lắp đặt lên các tàu mặt nước của Hải quân nhân dân Việt Nam, các loại pháo được phân loại theo tiêu chí cỡ nòng trên 20 mm.

1. Pháo 25 mm 2M-3

Được đưa vào sử dụng từ năm 1952, pháo nòng đôi 2M-3 là một trong những mẫu pháo hạm hạng nhẹ lâu đời nhất còn được sử dụng trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Pháo 2M-3 cỡ nòng 25 mm có khối lượng 1,5 tấn, tốc độ bắn 450 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 910 m/s, tầm bắn tối đa 3.000 m, tầm bắn hiệu quả 2.300 m. Pháo được điều khiển bởi 1 pháo thủ thông qua kính ngắm dạng vòng (so kim), nhược điểm lớn của loại pháo này là nòng dễ bị nóng do làm mát bằng không khí.

Hiện nay pháo 2M-3 đang được lắp trên các tàu pháo 100 tấn, tàu phóng lôi lớp Turya, tàu săn ngầm lớp Petya và tàu quét mìn lớp Sonya.

2. Pháo 37 mm V-11

Đây cũng là loại pháo hạm "lâu đời" nhất đang được lắp đặt trên các tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam. Pháo hạm nòng đôi V-11 cỡ 37 mm có khối lượng 3,4 tấn, tốc độ bắn 320 - 360 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 880 m/s, độ cao tối đa với mục tiêu trên không là 5.000 m, kíp pháo thủ gồm 4 người (đây cũng là nhược điểm lớn nhất của loại pháo này). Pháo V-11 làm mát bằng nước nên đã tránh được hiện tượng nhanh nóng như pháo 2M-3.

Hiện nay pháo 37 mm V-11 chỉ còn trang bị trên các tàu pháo 100 tấn và tàu hộ vệ săn ngầm Petya.

3. Pháo AK-230

AK-230 là mẫu pháo hạm điều khiển tự động hoàn toàn đầu tiên được lắp đặt trên các tàu chiến của Hải quân Việt Nam, AK-230 bao gồm 2 pháo NR-30 cỡ nòng 30 mm. Pháo có khối lượng 1,9 tấn, tốc độ bắn 2.000 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 1.050 m/s, tầm bắn tối đa 6,7 km, nòng pháo được làm mát bằng nước. Pháo AK-230 được điều khiền hoàn toàn tự động bằng radar kiểm soát hỏa lực pháo.

Hiện nay pháo AK-230 đang được lắp trên các tàu tên lửa lớp OSA, tàu phóng lôi lớp Shershen, tàu quét mìn lớp Yurka và lớp Sonya.

4. Pháo AK-630M

Pháo ổ quay 6 nòng cỡ 30 mm AK-630M là một trong những hệ thống vũ khí đánh gần (CIWS) đầu tiên trên thế giới. Pháo có khối lượng 1,8 tấn, tốc độ bắn 5.000 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 900 m/s, tầm bắn tối đa 5.000 m. AK-630M được dẫn bắn bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02, thiết bị quang tuyến hoặc kính ngắm cơ khí. Nhờ được dẫn bắn bằng radar và các thiết bị quang tuyến hiện đại nên AK-630M đóng vai trò lá chắn hữu hiệu cho tàu chiến trước các cuộc tấn công của tên lửa hành trình chống hạm.

Hiện nay pháo AK-630M đang được lắp trên các tàu pháo Svetlyak, TT-400TP, tàu tên lửa thuộc đề án 1241RE, 1241.8, BPS-500 và tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard.

5. Hệ thống tên lửa-pháo phòng không Palma

Đây là một trong những hệ thống phòng thủ tầm cực gần (CIWS) mới nhất của Nga và cũng là hệ thống CIWS hiện đại nhất đang được lắp đặt trên các tàu chiến của Hải quân nhân dân Việt Nam. Hệ thống Palma gồm 2 pháo ổ quay 6 nòng AO-18, 8 tên lửa Sosna-R cùng hệ thống quang tuyến tích hợp trên cùng một bệ với khối lượng 3,5 tấn.

Nhờ sự kết hợp giữa pháo bắn nhanh với tên lửa phòng không tầm ngắn, hệ thống Palma có thể được sử dụng để chống lại các loại mục tiêu gồm máy bay bay thấp, trực thăng và đặc biệt là tên lửa hành trình chống hạm. Palma có thể tiêu diệt chính xác các mục tiêu bay gây nguy hiểm đến tàu mẹ thông qua hệ thống quang tuyến để bám bắt mục tiêu và laser dẫn đường cho tên lửa (xác suất tiêu diệt thành công tên lửa hành trình từ 0,6 - 0,85).

Không như Kashtan, hệ thống Palma được tinh gọn giúp đơn giản trong việc lắp đặt và vận hành. Phía trên là hình ảnh lắp đặt tên lửa Sosna-R cho hệ thống Palma của tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard, đây cũng là hình ảnh đầu tiên cho thấy tên lửa Sosna-R lắp trên hệ thống Palma của tàu chiến Việt Nam. Hiện tại hệ thống Palma có mặt trên 2 tàu hộ vệ tên lửa Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ.

6. Pháo AK-725

Pháo hạm nòng đôi AK-725 cỡ 57 mm được Liên Xô lắp đặt trên các tàu chiến từ năm 1964. Pháo có khối lượng lên đến 14,5 tấn, tốc độ bắn mỗi nòng 100 phát/phút, sơ tốc 1.020 m/s, tầm bắn 8.420 m, nòng pháo được làm mát bằng nước. Pháo AK-725 được dẫn bắn bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-103 và có khả năng bắn hạ các tên lửa hành trình chống hạm.

Hiện nay pháo AK-725 chỉ còn được lắp đặt trên các tàu phóng lôi lớp Turya của Hải quân nhân dân Việt Nam.

7. Pháo AK-726

Pháo hạm nòng đôi AK-726 cỡ 76,2 mm được Liên Xô đưa vào trang bị từ năm 1963. AK-726 có khối lượng 25,24 tấn, tốc độ bắn 45 phát/phút, sơ tốc đầu nòng 980 m/s, tầm bắn tối đa 15.700 m. Pháo được dẫn bắn bởi radar điều khiển hỏa lực hoặc điều khiển thủ công.

Hiện tại pháo AK-726 chỉ được lắp đặt trên các tàu săn ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam.

8. Pháo AK-176M

Là mẫu pháo hạm cỡ nòng 76,2mm được chế tạo nhiều nhất bởi Liên Xô và Nga, AK-176M còn được lắp đặt trên nhiều tàu chiến hiện đại của Hải quân nhân dân Việt Nam. Pháo có khối lượng 16,8 tấn, sơ tốc đầu nòng 980 m/s, tốc độ bắn 120 phát/phút, tầm bắn tối đa 15.500 m.

AK-176M được dẫn bắn bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02, hệ thống quang tuyến hoặc bằng tay. Ngoài khả năng tiêu diệt các mục tiêu mặt nước, AK-176M còn có thể bắn hạ các mục tiêu trên không, thậm chí cả tên lửa hành trình chống hạm.

Hiện nay pháo AK-176M đang được lắp đặt trên các tàu pháo Svetlyak, TT-400TP, tàu tên lửa thuộc đề án 1241RE, 1241.8, BPS-500, tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard.

Bắn thử pháo hạm AK-176M trên tàu Gepard 3.9 của Việt Nam

Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại