Hải quân Nga – Trung hợp lực "soán ngôi" thống trị hàng hải của Mỹ

MINH THU |

Việc Hải quân Nga - Trung thắt chặt quan hệ hợp tác đang trở thành thách thức lớn với sự thống trị của Mỹ trên nhiều tuyến đường biển chiến lược và là dấu hiệu khởi đầu cho một trật tự hàng hải đa cực mới ở châu Á - Thái Bình Dương.

Mối quan hệ giữa hải quân Nga và Trung Quốc trở thành điểm thu hút đặc biệt trong chính sách hàng hải hiện nay tại châu Á.

Giống như Bắc Kinh, Moscow đang tìm mọi cách duy trì các lợi ích hàng hải trên những tuyến đường biển chiến lược ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương thông qua chương trình hiện đại hóa quân sự nhằm tăng vị thế hình ảnh quốc gia.

Do có chung mối quan tâm lợi ích và hành động trong khu vực, Hải quân Nga - Trung đang cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác và ngày càng gắn bó theo thời gian.

Chương trình hợp tác giữa quân đội hai nước được thể hiện qua sự kiện hồi tháng Tám, Hải quân Trung Quốc và Nga cùng tham gia cuộc tập trận chung mang tên "Joint Sea 2015 II" từ ngày 20 – 28/8 trên khu vực biển Nhật Bản.

Cuộc tập trận này thể hiện khả năng phối hợp hành động trong những tình huống bất ngờ giữa quân đội hai nước.

Joint Sea 2015 II là cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Nga - Trung cùng tổ chức hồi tháng Tám.
"Joint Sea 2015 II" là cuộc tập trận hải quân có quy mô lớn nhất từ trước tới nay do Nga - Trung cùng tổ chức hồi tháng Tám.

Theo đó, Hải quân Nga – Trung đã cho tổ chức các cuộc diễn tập bắn đạn thật, chống ngầm, tập trận chiến đấu tầm gần và đổ bộ bờ biển. Đây được xem là cuộc tập trận có quy mô lớn nhất từ trước tới nay mà quân đội Nga – Trung từng tổ chức.

Hải quân Nga đã điều động 16 tàu chiến mặt nước, 2 tàu ngầm, 12 máy bay hải quân, 9 xe quân sự đổ bộ. Phía Trung Quốc huy động 6 tàu chiến, 6 trực thăng, 5 máy bay cánh cố định và nhiều phương tiện đổ bộ khác.

Chia sẻ trên tạp chí The Diplomat, nhà nghiên cứu Abhijit Singh tại Viện Phân tích và Nghiên cứu Quốc phòng nhận định sự hiện diện của 400 lính thủy đánh bộ Trung Quốc đã trở thành một trong những điểm thu hút lớn nhất trong cuộc tập trận chung này.

Sau khi Sách trắng quốc phòng Trung Quốc được công bố hồi tháng Năm với những kế hoạch triển khai hoạt động viễn chinh, các cuộc tập trận gần đây của Hải quân Trung Quốc đều diễn tập khả năng đổ bộ do thủy quân lục chiến đảm nhận.

Ngoài ra, Hải quân Trung Quốc còn tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận bảo vệ biển đảo như triển khai các thiết bị đổ bộ tới khu vực Tây Thái Bình Dương và Viễn Đông.

Bắt kịp với xu hướng tập trung vào các cuộc viễn chinh, Hải quân Nga – Trung còn tiến hành các cuộc tập trận đổ bộ và đổ bộ bằng đường không tại Mũi Klerk ở vùng Viễn Đông của Nga.

Cũng trong tháng Năm, quân đội Nga – Trung đã cho tổ chức một cuộc tập trận hải quân có quy mô nhỏ hơn ở Địa Trung Hải và Biển Đen. Đây được xem là kế hoạch đối phó với chiến lược giành vị trí thống trị đường biển ở lục địa Á – Âu từ tay Mỹ.

Giới lãnh đạo Nga – Trung tin rằng Mỹ là nhân tố chính gây ra tình trạng bất ổn địa chính trị trong khu vực. Do đó Moscow và Bắc Kinh cần thi hành một chính sách ngăn chặn có hệ thống.

Ngoài ra, thông qua các cuộc tập trận hải quân chiến đấu tầm gần, Nga – Trung muốn cảnh báo Washington rằng những ngày tháng Mỹ thống trị các tuyến đường biển châu Á chỉ còn được đếm từng ngày.

Thực tế, Nga – Trung vẫn đang có những khác biệt về mặt chính trị. Trong đó, Moscow đang quan ngại tới những bước tiến xâm lấn của Trung Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga.

Việc mở rộng tầm ảnh hưởng rộng lớn đã cũng đẩy khu vực Trung Á dần rơi vào tay của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sau khi Moscow bị châu Âu cô lập trước cáo buộc can thiệp vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine và sáp nhập bán đảo Crimea, Tổng thống Vladimir Putin đã buộc phải chấp nhận thực tế để Trung Quốc mở rộng tầm ảnh hưởng ở những vùng đất của Nga.

Đổi lại, nhà lãnh đạo Nga hy vọng các thỏa thuận dầu khí và khí đốt lớn giữa hai nước sẽ phần nào "kìm cương" Bắc Kinh.

Nói cách khác, để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu năng lượng tránh xa châu Âu, Tổng thống Putin có rất ít sự lựa chọn và buộc chuyển sang phát triển quan hệ đối tác chiến lược bất đối xứng với Trung Quốc.

Ông Putin hy vọng Bắc Kinh sẽ giảm dần tham vọng bành trướng và chuyển sang mối quan hệ đồng minh đặc biệt với Moscow.

Theo nhà nghiên cứu Singh, mối quan ngại của Nga hiện được đánh giá quá mức cần thiết. Bởi kể từ khi Moscow và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận hợp tác công nghệ quân sự hồi tháng 12/1992, Trung Quốc đã mua vũ khí quốc phòng của Nga nhiều hơn bất cứ quốc gia nào khác.

Những loại vũ khí mà Trung Quốc từng mua của Nga gồm tàu ngầm lớp Kilo, tàu khu trục lớp Sovremenny cùng nhiều loại đạn dược và tên lửa.

Mặc dù mức độ phụ thuộc của Bắc Kinh vào công nghệ quân sự của Nga đã giảm kể từ năm 2006 nhưng Moscow vẫn duy trì vị thế là nhà cung cấp kho vũ khí và thiết bị hàng hải chủ chốt cho Bắc Kinh.

Còn theo giới hoạch định chiến lược của Nga, việc tăng cường thắt chặt quan hệ hàng hải với Trung Quốc đồng nghĩa sự phát triển hợp tác quân sự giữa hai nước. Thậm chí, các cuộc tập trận hàng hải gần đây đã vượt ra khỏi khuôn khổ hợp tác quân sự thông thường.

Bởi không chỉ có quy mô khủng, các cuộc diễn tập hải quân Nga – Trung còn thể hiện được khả năng tương tác toàn diện tương đương với cấu trúc các cuộc tập trận mà Hải quân Mỹ tiến hành cùng những đối tác châu Á – Thái Bình Dương trong thời gian qua.

Hải quân Nga - Trung tham gia cuộc diễn tập Joint Sea 2015 II từ ngày 20 - 28/8.
Hải quân Nga - Trung tham gia cuộc diễn tập "Joint Sea 2015 II" từ ngày 20 - 28/8.

Có thể nói, quan hệ hợp tác hàng hải Nga – Trung bắt nguồn từ chính những biến động chính trị lớn. Cụ thể, để đối phó với sự cô lập của phương Tây, Tổng thống Putin chuyển sang vun đắp và thắt chặt quan hệ hàng hải với Trung Quốc.

Về phần mình, trong công cuộc tìm kiếm một đồng minh để đối phó với chiến lược cân bằng của Mỹ, Bắc Kinh đã tiến tới bắt tay với Moscow.

Ngoài ra, khi mà sức nóng của các cuộc tranh chấp lãnh thổ tại khu vực châu Á không ngừng gia tăng, Nga - Trung cũng đang theo dõi sát sao động thái Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự và thắt chặt quan hệ với các đồng minh châu Á – Thái Bình Dương như Philippines và Nhật Bản.

Trong đó, Nga coi Trung Quốc như một "đối tác cốt lõi" trong học thuyết hàng hải mới để tăng cường tầm ảnh hưởng ở châu Á – Thái Bình Dương.

Đây cũng chính là lý do mà nhà lãnh đạo Nga Putin tới tham dự lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến thứ Hai tại Bắc Kinh hôm 3/9.

Trong khi đó, bằng cách tổ chức tập trận chung tại những khu vực mà Mỹ và các đồng minh từng chiếm ưu thế như ở Địa Trung Hải, Biển Đen và biển Nhật Bản, quân đội Nga – Trung muốn dần phá vỡ những quy tắc hàng hải do Washington đứng đầu khởi xướng.

Thậm chí, các cuộc tập trận hàng hải còn tạo ra một khuôn khổ giúp Nga – Trung phát triển năng lực phòng thủ cá nhân và tập thể. Những hoạt động hướng tới khả năng chiến đấu tăng cường cũng là dấu hiệu chuyển dịch trong chính sách cân bằng chiến lược ở châu Á.

Dù Mỹ vẫn đang giữ vị thế là cường quốc thống trị ở châu Á – Thái Bình Dương, thì sự tương tác ngày càng lớn giữa Nga – Trung là dấu hiệu khởi đầu cho một trật tự hàng hải đa cực mới ở khu vực này.

Đối với Ấn Độ, mối thân tình hàng hải Nga – Trung còn là một dấu hiệu đáng quan ngại khi mà hai quốc gia này đang mở rộng quan hệ với Pakistan.

Theo đó, Trung Quốc đã cho đầu tư phát triển giai đoạn đầu xây dựng cảng Gwadar với số tiền đầu tư 46 tỷ USD và chuyển giao 8 tàu ngầm lớp Yuan cho Pakistan.

Việc Nga thắt chặt quan hệ quốc phòng với Pakistan cũng trở thành mối thách thức với hoạt động mở rộng tầm ảnh hưởng của Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương và tạo ra những thay đổi trong cán cân sức mạnh hàng hải ở lục địa Á – Âu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại