Lịch sử phát triển
Vào những năm cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, các kỹ sư của Mauser thuộc Nhóm phát triển vũ khí hạng nhẹ (Abteilung 37) tại Oberndorf am Neckar đã thiết kế khẩu MKB Gerät 06 (viết tắt của Maschinenkarabiner Gerät 06, tạm dịch Súng carbine số 6).
Đây là nguyên mẫu súng trường tấn công được thiết kế bắn loại đạn 7,92 x 33 mm Kurz, sử dụng cơ chế giật ngắn có nguồn gốc từ súng máy MG42 nhưng với nòng cố định.
Sau đó các kỹ sư nhận thấy một số bộ phận của súng có thể bỏ qua hoặc tiêu giảm, kết quả là sự ra đời của khẩu 06H Gerät hay còn được biết đến với tên gọi STG 45 (Sturmgewehr 45, tạm dịch Súng trường tấn công 45). Tuy nhiên chiến tranh đã kết thúc và STG 45 không được đưa vào sản xuất hàng loạt.
Sau này nhóm kỹ sư phát triển STG 45 được đưa đến làm việc tại trung tâm CEAM ở Pháp. Các mẫu STG 45 đã được sửa đổi bởi Ludwig Vorgrimler và Theodor Löffler tại cơ sở Mulhouse của trung tâm này vào giai đoạn 1946 - 1949.
Ba phiên bản thử nghiệm sử dụng loại đạn 7,62 x 33 mm, 7,92 x 33 mm Kurz cũng như đạn 7,65 x 35 mm của Pháp (phát triển bởi Cartoucherie de Valence vào năm 1948). Loại đạn 7,5 x 38 mm với một phần bằng nhôm cũng đã được tính đến trước khi bị loại bỏ vào năm 1947.
Thiết kế này của Vorgrimler và Löffler chính là súng Mitrailleuse Modele 1950, được giữ lại để thử nghiệm cùng với 12 mẫu khác của CEAM, MAC và MAS. Các mẫu súng trên có tham gia vào cuộc chiến tranh Đông Dương, tuy nhiên Pháp đã hủy bỏ việc đưa vào biên chế chính thức vì lý do tài chính.
Năm 1950 Vorgrimler chuyển đến Tây Ban Nha, nơi ông chế tạo ra súng trường LV-50 sử dụng đạn 7,92 x 33 mm Kurz và CETME M53 bắn đạn 7,92 x 40 mm. Sau đó CETME M53 được đổi tên thành Modelo 2, mẫu súng này đã thu hút sự chú ý của Lực lượng biên phòng Tây Đức.
Không chấp nhận loại đạn mà Modelo 2 sử dụng, người Đức yêu cầu CETME phải tương thích với đạn 7,62 x 51 mm, 2 loại đạn này tương tự nhau về đầu đạn nhưng có chiều dài và năng lượng giảm đi.
Kết quả là sự ra đời của CETME Model A và sau đó là CETME Model B với vài sửa đổi, một trong số đó là súng có khả năng bắn từ thoi nạp đạn đóng trong cả chế độ bán tự động lẫn tự động. Súng có ốp lót tay dạng tấm kim loại đục lỗ mới, nòng dài hơn với khả năng phóng lựu cỡ 22 mm.
Năm 1958, mẫu súng này được đưa vào phục vụ trong quân đội Tây Ban Nha với tên gọi Modelo 58, sử dụng loại đạn 7,62 mm NATO.
Năm 1956, Lực lượng quốc phòng Liên bang Đức hủy bỏ kế hoạch mua sắm CETME, thay vào đó là súng trường FN FAL (G1) của Bỉ. Tuy nhiên, quân đội Tây Đức mới thành lập đã quan tâm và mua một số khẩu CETME thử nghiệm.
CETME được gọi theo danh pháp của Đức: G3 Automatisches Gewehr, đây là mẫu súng cạnh tranh thành công với SIG SG 510 (G2) của Thụy Sĩ và AR-10 (G4) của Mỹ để thay thế súng trường G1 rất được ưa chuộng trước đây.
Vào tháng 1/1959, Lực lượng quốc phòng liên bang chính thức thông qua CETME. Chính phủ Đức muốn súng trường G3 được sản xuất theo giấy phép.
Để có quyền sản xuất G3, họ đã ký hợp đồng với công ty Dutch Nederlandse Wapen en Munitiefabriek chuyên cung cấp pháo 20 mm cho không quân Đức.
Việc sản xuất G3 sau đó được giao cho Rheinmetall và Heckler & Koch (H&K). Các công ty đã cải tiến không ngừng mẫu súng này, để nó thể hiện được sức mạnh của loại đạn 7,62 x 51 mm NATO.
Năm 1969, Rheinmetall đã bỏ việc sản xuất G3 để trao đổi với H&K một số điều khoản về bán súng máy MG3. Sau đó, chính phủ đã nhượng lại quyền sở hữu cũng như bán độc quyền G3 cho H&K.
Với quá trình phát triển và cải tiến không ngừng, H&K đã biến G3 trở thành một khẩu súng trường tấn công thành công và rất phổ biến trên thế giới.
Thiết kế chính của G3
Qua quá trình phát triển lâu dài, các phiên bản G3 hiện tại đã có sự khác biệt rất nhiều so với đời đầu. Súng có nhiều biến thể, trong đó hiện đại và phổ biến nhất hiện nay là G3A3. G3A3 có khối lượng cơ bản 4,1 kg, chiều dài 1.025 mm, nòng dài 450 mm.
Là một vũ khí thiết kế theo kiểu module, báng, tay nắm, bộ phận khai hỏa cùng nhiều chi tiết khác có thể thay đổi theo ý muốn với một số cấu hình có sẵn do nhà sản xuất cung cấp. Xạ thủ chỉ cần đơn giản là đậy các chốt gắn tại chỗ và thay thế nhanh chóng, ngay cả trên chiến trường.
Phiên bản G3A3.
Phần thân chính của súng được làm bằng thép để chịu áp lực của loại đạn mạnh. Khác với một số phiên bản đời trước và sau, báng của G3A3 cố định và không thể thu gọn. Báng súng là một khối polymer được gắn với thân qua các chốt. Trên báng có vị trí để gắn dây đeo, cuối báng có lớp đệm dày.
Nòng của G3 làm bằng thép tốt, thiết kế với 4 rãnh xoắn về phía bên phải có độ dài 305 mm, phía cuối nòng có gắn một loa che lửa hình lồng chim, khá giống với dòng súng M16/M4 của Mỹ. Đầu nòng cũng có thể gắn lưỡi lê hoặc một bộ chuyển đổi để phóng lựu 22 mm.
Từ phiên bản G3A3 trở đi, H&K đã không còn thiết kế rãnh xoắn theo kiểu truyền thống mà thay vào đó là xoắn kiểu đa giác.
G3A3 sở hữu thước ngắm thép, bao gồm một điểm ngắm chốt xoay ở phía sau và vòng thép chứa điểm ruồi ở phía trước. Điểm ngắm phía sau cho phép xạ thủ bù cả gió và độ cao thông qua chốt xoay. Súng có các tầm ngắm cho 100 m (cơ bản), 200 m, 300 m và 400 m.
G3A3 không có ray Picatinny tiêu chuẩn, tuy nhiên nó vẫn có thể gắn các loại ống ngắm thông qua ray kẹp bên thân.
Khác với nhiều súng trường tấn công khác với hệ thống nạp đạn theo kiểu trích khí, G3A3 (cũng như các khẩu G3 khác) sử dụng cơ chế nạp đạn bằng phản lực bắn giữ chậm. Chốt nạp đạn nằm ở phía trước, bên trái phần lót tay dài của súng, giống như nhiều khẩu súng khác của H&K.
Ngoài ra, G3A3 cũng có khả năng chọn chế độ bắn đồng thời là cũng là khóa an toàn của súng. Vị trí “E” (Einzelfeuer) là chế độ bán tự động, “F” (Feuerstoß) hoặc “20” là chế độ tự động hoàn toàn và “S” (Sicher) hoặc “0” là vị trí khóa an toàn.
Thông thường, G3A3 chỉ có khóa an toàn bên phía thân trái, tuy nhiên nhà sản xuất cũng cung cấp tùy chọn khóa an toàn thuận cả hai tay và có 4 chế độ bắn, thêm chế độ bắn loạt 3 viên.
Súng sử dụng hộp tiếp tiếp đạn bằng thép (260 g) hoặc nhôm (140 g) với sức chứa 20 viên, có thể kẹp chồng lên nhau hoặc cũng có thể sử dụng hộp tiếp đạn tròn với sức chứa 50 viên.
Năm 1960, H&K đã phát triển một loại hộp tiếp đạn bằng polymer nhẹ hơn, nhưng nó không được thông qua vì hộp tiếp đạn bằng nhôm dễ sản xuất và có độ bền cao hơn.
Hộp tiếp đạn bằng thép 20 viên của G3.
G3A3 có tốc độ bắn lý thuyết 500 - 600 viên/phút, sơ tốc đầu đạn đạt 800 m/s, với tầm bắn hiệu quả là 500 m. Phụ kiện đi kèm tiêu chuẩn của G3A3 bao gồm: dây đeo, bộ dụng cụ làm sạch và một dụng cụ kiểm soát tốc độ bắn của súng.
G3A3 cũng có thể trang bị một số loại lưỡi lê có sẵn, phổ biến nhất là loại dài 6,75 inch, gần giống lưỡi lê M7 của Mỹ nhưng với một chân gắn khác. G3A3 cũng mang đươck súng phóng lựu HK79 40 mm kẹp dưới nòng.
(Còn tiếp)