Soryu Nhật Bản có thể đánh bại tàu ngầm Đức và Pháp ở Australia?

Thắng Nam |

Tham vọng tàu ngầm Nhật Bản muốn vươn tới bờ biển Australia đang phải đối mặt với những thách thức từ sự cạnh tranh của Đức và Pháp, nhưng…

Mặc phản đối, Australia quyết sắm tàu ngầm “ngoại”

Nhật Bản đối mặt với cuộc cạnh tranh gay gắt từ 2 quốc gia nổi tiếng về đóng tàu ngầm của châu Âu là Đức và Pháp, để giành quyền đóng những tàu ngầm diesel-điện, trang bị hệ thống động lực không cần không khí (AIP) cho Hải quân Australia.

Dự án này nằm trong chương trình thay thế các tàu ngầm Collins đang hiện diện trong hạm đội Australia bằng tàu ngầm Nhật Bản lớp Soryu.

Trước đây, Bộ Quốc phòng Australia cho rằng những tàu ngầm Soryu này là sự thay thế lý tưởng cho lớp tàu ngầm Collins đã già cỗi lạc hậu.

Thậm chí Nhật báo Wall Street Journal của Mỹ ngày 9/9/2014 đã đưa tin, Chính phủ Australia quyết định chi 20 tỷ AUD (khoảng 18,7 tỷ USD), để mua 10 tàu ngầm lớp Soryu do Nhật Bản chế tạo nhằm thay thế các tàu ngầm quốc nội lớp Collins của hải quân nước này.

Tuy nhiên, khi thông tin tiết lộ ra báo chí, lập tức đã gây náo động truyền thông và Australia buộc phải công bố mở cuộc đấu thầu quốc tế.

Hiện nay, Canberra chưa thực hiện sự lựa chọn cuối cùng, vì họ không chỉ dự định mua sắm những tàu ngầm đóng mới hoàn chỉnh mà còn muốn mua cả công nghệ sản xuất những con tàu đó.

Cạnh tranh với Tokyo có công ty Đức ThyssenKrupp Marine Systems và nhà thầu quốc gia của Hải quân Pháp là DCNS Group.

Người Đức vốn nổi tiếng về bề dày kinh nghiệm trong việc đóng tàu ngầm với trình độ tiên tiến và mức độ chắc chắn không cần phải nghi ngờ.

Còn Paris đề xuất cung cấp cho phía Australia những công nghệ độc đáo, làm cho tàu ngầm trở nên vô hình trước phương tiện trinh sát của đối thủ. Đây là lần đầu tiên Pháp đề nghị bán các bí quyết công nghệ mới kiểu "know-how" cho đối tác nước ngoài.

Dự định của Chính phủ Australia về việc mua tàu ngầm ngoại đã vướng phải sự phản đối từ phía các nghiệp đoàn và các đảng đối lập trong nước.

Lý do bởi nó đã phá vỡ lời hứa của Thủ tướng Tony Abbott, đó là sẽ xây dựng một hạm đội tàu ngầm mới nhằm giúp đỡ các công ty đóng tàu trong nước đang gặp khó khăn.

Nhưng Thủ tướng Australia Abbott lại nói, tàu ngầm là vũ khí nòng cốt trong chiến lược quân sự quốc gia, không thể vì hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà hy sinh vấn đề anh ninh quốc gia.

Quyết định này dựa trên yêu cầu về quốc phòng, chứ không phải dựa trên cơ sở chính sách công nghiệp.

Ý kiến của các nghiệp đoàn và đảng đối lập có sức nặng từ sự hậu thuẫn của quá khứ. Phe đối lập bất bình bởi thực tế là khi đông đảo công nhân Australia bị thiệt hại thì đơn hàng lại về tay chính quốc gia 73 năm trước đã dùng tàu ngầm tấn công cảng Sydney của họ.

Tokyo hiển nhiên cũng nuôi hy vọng giành được hợp đồng. Trường hợp chiến thắng trong gói thầu này, Nhật Bản sẽ ký được hợp đồng đầu tiên và cũng là lớn nhất kể từ thời điểm chính phủ Abe dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vào tháng 4/2014.

Lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Soryu thứ 7 mang tên SS-507 Tateryu
Lễ hạ thủy tàu ngầm lớp Soryu thứ 7 mang tên SS-507 Tateryu

Tàu ngầm Nhật nhiều cơ hội thắng thầu ở Australia?

Thượng nghị sĩ có thế lực của Australia, ông Nick Xenophon, trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình Australian Broadcasting Corporation đã tuyên bố rằng, tuy gói thầu vẫn chưa có quyết định chính thức nhưng rất có khả năng Tokyo sẽ nhận được cái gật đầu của Canberra.

Ông cho biết, Chính phủ Australia hiện đang nghiên cứu và đánh giá một cách toàn diện tất cả những ưu và nhược điểm của việc đóng tàu ngầm Nhật Bản tại các nhà máy nội địa hoặc là cho chế tạo tại Nhật Bản, với mục tiêu lựa chọn phương án hợp tác cùng có lợi ưu việt nhất.

Theo quan điểm của chuyên viên Andrei Frolov - Trưởng Ban biên tập tạp chí "Xuất khẩu vũ khí" của Nga, Nhật Bản vẫn đang có cơ hội lớn để thắng thầu.

Tokyo giành được lợi thế không phải nhờ dựa vào sự hậu thuẫn của Mỹ, mà bởi tàu ngầm của Nhật cũng có những đặc tính ưu việt hàng đầu thế giới.

Soryu được xem là một trong những mẫu tàu ngầm diesel-điện với động cơ AIP lớn nhất, kích thước gần bằng tàu ngầm hạt nhân (NPS). Xét về hệ thống điện tử, tính năng của tàu ngầm lớp này về cơ bản đã khá tương hợp với tàu ngầm hạt nhân.

Đặc điểm quan trọng của tàu ngầm Nhật Bản là hệ thống động lực không khí độc lập chế tạo trên nền tảng động cơ Stirling công nghệ Thụy Điển. Tàu không cần phải nổi lên mặt nước để thu nạp không khí, cũng không cần phải đang hoạt động mới sạc được ắc quy.

Điều này đồng nghĩa với việc tàu có phạm vi hành trình xa hơn, có khả năng ẩn nấp lâu hơn dưới đáy biển, tránh nổi lên nhiều, hạn chế việc bị các phương tiên săn ngầm phát hiện. Đồng thời, động cơ này cũng siêu êm, giúp nâng cao khả năng “tàng hình”.

Tuy có những tính năng ưu việt nhưng không thể không thừa nhận là tàu ngầm Nhật Bản rất đắt, về giá thành ngang ngửa với tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, hợp tác kỹ thuật - quân sự không chỉ thuần túy là về kỹ thuật và công nghệ mà còn mang màu sắc chính trị rõ rệt.

Tàu ngầm sử dụng hệ thống động lực AIP lớp Soryu có lắp đặt các trang thiết bị dẫn đường và vũ khí do Hoa Kỳ sản xuất. Có lẽ đó là lý do vì sao Washington cố gắng tác động đến Canberra để giải quyết vấn đề này thiên về phía nguyện vọng của Tokyo.

Ngoài ra, rõ ràng là Mỹ quan tâm đến việc củng cố liên hệ giữa các quốc gia đồng minh thuộc châu Á - Thái Bình Dương là Nhật Bản và Australia.

Đồng thời họ trông đợi rằng 2 nước này sẽ đóng vai trò tích cực hơn nữa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm xây dựng khối liên minh chống Trung Quốc.

Cuộc đua giành quyền xây dựng hạm đội tàu ngầm cho Australia vẫn đang tiếp diễn, chưa phân định phần thắng thuộc về ai.

Nhưng chúng ta có thể đi đến nhận định rằng, Nhật Bản có rất nhiều cơ hội thắng thầu dự án SEA 1000, đóng 12 tàu ngầm thế hệ mới, thay thế cho 6 tàu ngầm lớp Collins cũ, bắt đầu từ năm 2025.

Tàu ngầm AIP lớp Soryu thứ 5 mang số hiệu SS-505 Zuiryū của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản
Tàu ngầm AIP lớp Soryu thứ 5 mang số hiệu SS-505 Zuiryū của lực lượng tự vệ trên biển Nhật Bản

Tàu ngầm AIP lớp Soryu có chiều dài 84 m, rộng 9,1 m, mớn nước 8,5 m, lượng giãn nước khi nổi 2.900 tấn, khi lặn là 4.200 tấn. Thủy thủ đoàn 65 người, gồm 9 sĩ quan chỉ huy và 56 thủy thủ.

Soryu được trang bị 2 động cơ diesel-điện và 4 động cơ AIP Stirling, cung cấp tổng công suất 3.900 mã lực khi nổi, cùng tốc độ 24 km/h; 8.000 mã lực khi lặn với tốc độ 37 km/h; tầm hoạt động 6.100 dặm (9.800 km), lặn sâu 500 m.

Nét đặc biệt là tàu sử dụng công nghệ động lực không cần không khí (AIP), hay còn gọi là động cơ tuần hoàn khép kín, sử dụng chính CO2 giải phóng trong quá trình đốt nhiên liệu để tái sinh ôxy, vì vậy tàu có khả năng tác chiến ngầm rất lâu mà không cần nổi lên lấy dưỡng khí.

Về vũ khí, tàu ngầm Soryu có 6 ống phóng cỡ 533 mm dành cho ngư lôi Type 89 và tên lửa chống hạm Harpoon UGM-84, cùng một số loại thủy lôi khác. Loại tên lửa chống hạm phóng từ tàu ngầm của Mỹ có tầm bắn 124 km và tốc độ 864 km/h.

Hiện Nhật Bản đã hạ thủy tới chiếc tàu ngầm Soryu thứ 7 và biên chế đến chiếc thứ 6 trong tổng số ít nhất là 10 chiếc được đặt đóng trước năm 2015. Sang năm 2016, nếu tiếp tục có nhu cầu, hải quân nước này sẽ đặt mua thêm 4 - 6 chiếc nữa.

Các tàu đã được đưa vào biên chế gồm: SS-501 Soryu, SS-502 Unryu, SS-503 Hakuryu, SS-504 Kenryu, SS-505 Zuiryū và SS-506 Kokuryu. Ngoài ra, chiếc thứ 7 SS-507 Tateryu đã hạ thủy ngày 10/10/2014 và chiếc thứ 8 là SS- SS-508 cũng đang được chế tạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại