Đụng độ xe tăng VN, Làng Vây bị tiêu diệt, Mỹ vẫn trao thưởng!

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1968, chiến thắng Làng Vây khởi đầu truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội TTG. Song đó cũng là “Đêm sao bạc” kỳ khôi của Quân đội Hoa Kỳ.

Những quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Làng Vây đêm 06.02.1968

Có tổng cộng 24 quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Làng Vây trong thời gian diễn ra trận đánh nổi tiếng trên. Người có quân hàm cao nhất là Trung Tá Schungel, Chỉ huy trưởng Lực lượng đặc biệt (biệt kích) Vùng chiến thuật 1.

Ông ta có mặt ở đây là để làm việc với Trung tá Shoulang - chỉ huy lực lượng biệt kích Lào vừa bị ta đánh bại tại Huội San rút về đang đóng trong Trại Làng Vây cũ, cách cứ điểm Làng Vây khoảng 1 km.

Người thứ hai là Đại úy Willoughby - Trưởng Trại. Thực ra, có thể coi ông là cố vấn trưởng của vị chỉ huy người Việt tại Làng Vây - Trung úy Phạm Duy Quân. Cấp phó của ông là Trung úy Mile R. Willkins.

Vị sĩ quan Hoa Kỳ thứ tư có mặt trong trại có thể trợ giúp đắc lực trong việc phòng thủ là Trung úy Longgrear chỉ huy toán Mike Force (biệt kích) tăng phái gồm chừng 200 người Thượng Hrê.

Thoạt đầu, toán Mike Force được dùng để thám sát và làm tiền đồn bên ngoài, sau đó một số lớn được kéo vào trong trại để tăng cường phòng thủ.

 
ĐẠI TÁ NGUYỄN KHẮC NGUYỆT
Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975. Tác phẩm: Bão thép (4 tập), Bút ký lính tăng: Hành trình đến Dinh Độc Lập,...

Ngoài ra còn có Trung úy công binh Thomas E. Todd đến Làng Vây với nhiệm vụ kiểm tra và sửa chữa các công trình xây dựng ở đây. Số còn lại là các hạ sĩ quan, binh sĩ trong Lực lượng đặc biệt (biệt kích) Hoa Kỳ.

Có một hạ sĩ quan không có mặt lúc Làng Vây bị tiến công song lại bị tử thương ở đây khi đi giải cứu đồng đội ngày 07.02.1968 - đó là Trung sĩ da đen Eugene Ashley Jr.


Mô hình xe tăng bơi PT-76 tại Tượng đài Chiến thắng Làng Vây.

Mô hình xe tăng bơi PT-76 tại Tượng đài Chiến thắng Làng Vây.

Các quân nhân Hoa Kỳ đã chiến đấu như thế nào?

Mặc dù đích thân Đại úy Willoughby đã xin tiếp ứng 100 hỏa tiễn LAW (súng chống tăng cá nhân M72) song chưa kịp tập huấn cho lực lượng biệt kích ở đây nên rất ít người biết sử dụng.

Vì vậy, khi thấy xe tăng ta xuất hiện Trung tá Schungel đã chủ động thành lập một toán diệt tăng cơ động bằng LAW. Ngoài Trung tá Schungel toán này còn có Trung úy Mile R. Wilkins và một số hạ sĩ quan nữa.

Toán này đã sử dụng khá nhiều hỏa tiễn LAW để bắn vào xe tăng ta nhưng chỉ bắn cháy được 01 xe, còn lại phần thì không nổ, phần thì bắn trúng nhưng không hiệu quả.

Bản thân Trung tá Schungel bị thương 3 lần và phải lẩn lút trong đống đổ nát các công trình đến chiều hôm sau mới được giải cứu.

Một số hạ sĩ quan, binh sĩ đang nằm cùng các đại đội biệt kích cũng chiến đấu rất hăng hái. Đặc biệt là người sử dụng khẩu pháo không giật 106 ly ở khu vực Đại đội biệt kích 104.

Còn lại, đại bộ phận quân nhân Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy của Đại úy Willoughby chiến đấu ở xung quanh khu vực trung tâm. Khi xe tăng và bộ binh ta tràn ngập cứ điểm thì rút vào cố thủ trong hầm ngầm chỉ huy.

Do được xây dựng rất kiên cố và có nhiều ngăn nên mặc dù bộ binh ta lùng sục kỹ song đã không phát hiện ra. Khi bộ binh ta cho nổ bộc phá cũng chỉ đánh sập các cửa hầm nên ở trong vẫn sống sót.

Chiều hôm sau, lợi dụng khi máy bay ném bom hủy diệt căn cứ số này mới đào bới cửa hầm và chạy thoát về Làng Vây cũ.

Sau này, Trung úy Longgrear thuật lại trường hợp “gặp Đức Chúa Trời” đại khái như sau:

“Khi chạy ra khỏi hầm chỉ huy, cả toán bị một tổ đại liên của địch đốn ngã. Longgear vừa chạy, vừa bắn nguyên băng đạn súng M-15 gồm 18 viên vào ổ súng địch, cho đến khi ngã xuống vì cẳng chân đã bị gẫy từ trước không chịu nổi. Anh tưởng đã đến giờ tận số.

Đúng vào giây phút thập tử nhất sinh này, quan niệm về cuộc đời của anh đột nhiên thay đổi. Tất cả hình ảnh, âm thanh dường như lắng đọng, kể cả các máy bay trên trời và các tiếng động chung quanh, như định mệnh đang chờ đón.

Longgrear nhớ lại mình cầu nguyện “lạy Trời đừng để con chết, con chưa muốn chết”.

Đột nhiên, anh tìm thấy một cảm giác rất yên bình không còn sợ chết nữa và thực tế cũng trở lại với tất cả sôi động của chiến trường. Longgrear vùng dậy, dùng súng như cây gậy chống chạy thoát theo những người khác.”


Trung úy Longgrear chỉ huy toán Mike Force (băng đầu) chạy thoát khỏi địa ngục Làng Vây. Ảnh: Jim Morris - Cựu binh Mỹ tại Chiến trường Đông Dương.

Trung úy Longgrear chỉ huy toán Mike Force (băng đầu) chạy thoát khỏi "địa ngục" Làng Vây. Ảnh: Jim Morris - Cựu binh Mỹ tại Chiến trường Đông Dương.

Tổng kết lại, trong số 24 quân nhân Hoa Kỳ tham chiến tại Làng Vây thì có 10 tử thương (hoặc mất tích), số còn lại hầu hết bị thương.

“Đêm Sao Bạc” có một không hai

Mặc dù cứ điểm Làng Vây bị tiêu diệt song theo giánh giá của phía Hoa Kỳ thì đây “là chiến công lớn nhất của quân đội Mỹ tại chiến trường Việt Nam.

Bởi vì đây là lần duy nhất quân nhân Mỹ có "hân hạnh" đụng độ với xe tăng Việt Nam và họ đã tiêu diệt được 7 chiếc trong số 11 chiếc tham chiến” (theo cuốn “Night of The Silver Stars”).


Bìa cuốn sách “Night of The Silver Stars”.

Bìa cuốn sách “Night of The Silver Stars”.

Có lẽ vì đánh giá như vậy nên đây là trận đánh duy nhất trên chiến trường Việt Nam mà tất cả 24 quân nhân Hoa Kỳ tham chiến đều được ân thưởng huy chương.

Cụ thể gồm: 1 Huy chương Danh dự (cao quí nhất), 1 Biệt công Bội tinh (hạng nhì), 19 Sao Bạc (hạng 3) và 3 Sao Đồng (hạng 4).

Vì vậy, về sau mỗi khi khi nhắc đến trận đánh tại Trại Lực lượng đặc biệt Làng Vây vào đêm 6 rạng ngày 7 tháng 2 năm 1968 này, giới quân sử Hoa Kỳ thường hãnh diện mệnh danh là "Đêm Sao Bạc" (Night Of The Silver Stars).

Thậm chí, đã có hẳn một cuốn sách mang tên "Night Of The Silver Stars" của tác giả William R. Philip viết về đêm đặc biệt đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại