"Vũ khí Nga tốt hơn vũ khí Mỹ" và nỗi bi hài ở Syria

Hà Văn Thịnh |

Bất kỳ cường quốc xuất khẩu vũ khí nào cũng cần đến xung đột hay chiến tranh...

Mấy tuần nay, nước Nga, với hàng loạt động thái quân sự bất ngờ và quyết liệt ở Syria, đã trở thành một trong những sự kiện truyền thông quan trọng nhất của cả loài người.

Thôi thì khen, chê đủ cả. Phương Tây, tất nhiên, chẳng hoan nghênh gì việc này.

Đích thân Tổng thống Mỹ Obama hôm 2.10 đã lên tiếng cảnh báo rằng “Chiến dịch quân sự hiếu chiến của Nga ở Syria nhằm hậu thuẫn cho Tổng thống Bashar al-Assad là một công thức tạo ra thảm họa".

Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng so với ông Obama, Tổng thống Nga Putin đã "trên cơ" và trở thành thần tượng tại Trung Đông.

Có lẽ, cũng cần có một cái nhìn phải chăng hơn đối với lĩnh vực ngôn từ bóng bẩy nhất nhưng cũng chứa đựng nhiều giả trá nhất và hậu quả luôn khó lường nhất là quan hệ quốc tế thời hiện đại.

Sự kiện lịch sử nào cũng phải được đánh giá từ nhiều góc độ...

Tác giả Hà Văn Thịnh
Tác giả Hà Văn Thịnh

Cách đây hơn 30 năm, trong một bài nghiên cứu nhỏ được đăng tải ở Thông báo Khoa học, số 3, 1984 của Khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Huế (nay là Đại học Khoa học Huế), tôi có viết rằng:

Nếu Mỹ không chấp nhận thất bại và rút quân khỏi Việt Nam, thì tương quan lực lượng về vũ khí hạt nhân sẽ làm cho Mỹ bị Liên Xô “đè bẹp”.

Số liệu được dẫn từ Thông điệp của Tổng thống Mỹ R. Nixon: "Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong những năm bảy mươi của thế kỷ 20", công bố năm 1972.

Trong Thông điệp đó, Tổng thống Mỹ cho biết khi chính thức đưa quân Mỹ vào Việt Nam (3.1965), toàn bộ vũ khí chiến lược (SLBM và ICBM) của Hoa Kỳ là 1.710 tên lửa, của Liên Xô là 1.050. Đến năm 1971, Mỹ vẫn là 1.710, còn của Liên Xô là 2.020!

Rõ ràng, không dễ gì Mỹ chấp nhận thất bại đầu tiên và cho đến nay là duy nhất trong chiến tranh, trước Việt Nam. Đó là nỗi đau không thể quên trong vài chục năm, theo cách nói của Nixon là ông ta có “vinh dự” được làm Tổng thống đầu tiên tuyên bố nước Mỹ thất bại!

Trở lại với Trung Đông, nơi cuộc chiến đã diến ra suốt 3.000 năm và, chắc chắn còn tiếp diễn dài lâu nữa.

Đó là vùng đất lạ kỳ của định mệnh - nếu chúng ta giả định định mệnh là điều có thể có: Nếu không chấp nhận thì lý giải ra sao khi mảnh đất ấy, dù có dầu lửa đã hay chưa phát hiện ra, vẫn là nơi đẫm máu nhất, cũng như là nơi ra đời của 2 tôn giáo lớn nhất thế giới…

Ở đây, nước Mỹ đã từng chấp nhận sự thoái lui, với chỉ một phản ứng duy nhất trước sự kiện Liên Xô đem quân vào Afghanistan (12.1979 - 2.1980), là tẩy chay Olympic Moscow (1980).

10 năm sau, chính quyền của Saddam Hussein đã đem đến cho Mỹ một cơ hội “vàng” khi đem quân xâm lược Kuwait (8.1990). Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ G. Bush (cha) phát động chiến tranh (17.1 - 27.2.1991), Mỹ cùng liên quân giải phóng Kuwait, lập vùng cấm bay ở Iraq.

Sau cuộc chiến 45 ngày với tổn thất rất ít, Tổng thống Bush tuyên bố rằng “nối ám ảnh từ Việt Nam đã kết thúc”?

Thắng lợi của Mỹ đã đảo ngược một mệnh đề vốn ra đời từ cuộc chiến tranh Việt Nam: Vũ khí Nga tốt hơn vũ khí Mỹ.

Đến lượt giới nghiên cứu quân sự cho rằng vũ khí Mỹ, ví như F-117 hơn hẳn Su-24 hay MiG-29, tên lửa Tomahawk hiệu quả hơn Scud, tăng M1 hơn hẳn T-72… và, thế là, thị phần bán vũ khí của Mỹ chiếm gần 70% toàn thế giới!

Điểm qua lịch sử hơi dông dài như thế để thấy rằng, có rất nhiều bài học từ lịch sử liên quan trực tiếp, xa và gần, đối với cuộc chiến tranh mà Tổng thống Putin đang tiến hành để hỗ trợ chính phủ Syria.

Thứ nhất, vì nhiều lí do, người Nga đã bị vô hiệu hóa ở Trung Đông từ 1991 - 9.2015. Họ cần lấy lại vị thế cường quốc. Vai trò của một cường quốc không gì khác hơn cách định nghĩa rằng sự bất ổn (hay hòa bình) không thể thiếu vai trò của Nga.

Thứ hai, chẳng hề ngẫu nhiên khi Nga phóng tên lửa hành trình từ… Biển Caspi, cách xa chiến trường hơn 1.500 km! Họ hoàn toàn có thể làm điều đó ngay trên các chiến hạm đang trực chiến ở Địa Trung Hải.

Vấn đề là ở chỗ, tầm bắn xa hiệu quả, tên lửa được phóng từ các tàu chiến nhỏ là cách quảng cáo trên cả tuyệt vời cho những vũ khí hiện đại.

Thứ ba, bom hay tên lửa không phải là… dầu gội đầu Sunsilk nên không thể “giới thiệu” theo cách quả bom này trước đây sát thương 50 người nay là 100…

Chính vì thế, bất kỳ cường quốc xuất khẩu vũ khí nào cũng cần đến xung đột hay chiến tranh (quãng 15 - 20 năm một lần, tương đương với thời gian phát triển thế hệ vũ khí mới) để quảng bá, kích thích sự phát triển của nền công nghiệp quân sự.

Những bi hài của quan hệ quốc tế là điều có thật.

5 cường quốc (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp) có quyền phủ quyết bất kỳ Nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc - tức là có trách nhiệm bảo vệ hòa bình thế giới, nhưng đồng thời cũng lại chính là những nước xuất khẩu các phương tiện chiến tranh nhiều nhất!

Nghịch lý trên buộc chúng ta phải nghĩ rằng nếu có một cường quốc nào đó muốn trỗi dậy, khẳng định vị thế của mình thì liệu họ có thể gây ra một cuộc chiến tranh để quảng bá vũ khí hiện đại hay không?

Và, nhất là, cuộc chiến tranh đó có đưa đến lời cảnh báo trực tiếp đến những quốc gia khác, nhằm đạt được mục đích cùng với các cường quốc khác chia sẻ lợi ích trên bàn cờ phức tạp, bất ổn của thế giới ngày nay…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại