Dựa vào đâu Trung Quốc tự xưng lái súng thứ 4 thế giới?

Anh Tú |

Việc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) không xếp Trung Quốc vào danh sách 25 lái súng thế giới năm 2013 khiến Hoàn cầu Thời báo không vui. Họ khẳng định Trung Quốc xứng đáng xếp hạng 4 thế giới.

Các nhà phân tích cho biết ngành công nghiệp quân sự của Trung Quốc (TQ) gần đây đã đạt được bước tiến trong xuất khẩu nhờ lợi thế chính là giá thành rẻ, dù công nghệ khiêm tốn.

Xuất khẩu vũ khí của TQ trong giai đoạn 2009-2013 đã tăng 212% so với 5 năm trước đó và thị phần xuất khẩu vũ khí của TQ trên toàn cầu đã tăng từ 2% lên 6%.

Hoàn cầu Thời báo trích theo một báo cáo từ SIPRI khẳng định, TQ đã nhảy lên vị trí thứ 4. Ba nhà xuất khẩu vũ khí lớn xếp trên TQ là Mỹ, Nga và Đức.

TQ cung cấp vũ khí chính cho 35 nước trong 5 năm qua, chủ yếu là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Gần 3/4 số vũ khí xuất khẩu của TQ là tới 3 khách hàng "truyền thống": Pakistan, Bangladesh và Myanmar.

Công nghệ quân sự phát triển nhanh chóng của TQ phần nào giải thích việc họ phát triển việc lái súng cạnh tranh trực tiếp với Nga, Mỹ và các quốc gia châu Âu, Hoàn cầu thời báo cho biết.

"Những tiến bộ trong ngành công nghiệp quân sự đã được ghi nhận do sự gia tăng đầu tư trong lĩnh vực này" Shan Xiufa, một nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân sự của Quân đội TQ (PLA), nói với Hoàn cầu.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng TQ chủ yếu là xuất khẩu vũ khí thông thường. Ngành công nghiệp quân sự của TQ chỉ có thể được coi là chiếu dưới, cách xa các quốc gia chiếu trên như Mỹ, do thiếu các vũ khí có quyền sở hữu trí tuệ.

"Vũ khí được sản xuất bởi TQ có giá cả cạnh tranh và "khéo léo trong việc kết hợp công nghệ của nước khác (thực chất là làm nhái sao chép không xin phép)".

Shan nói với hàm ý rằng khả năng sáng tạo tương đối thấp của Trong Quốc trong công nghiệp vũ khí.

Mỹ là nước xuất vũ khí nhiều hơn bất kỳ nhà cung cấp khác trong 5 năm qua, với 90 quốc gia là "bạn hàng". Châu Á và châu Đại Dương là nơi nhập vũ khí của Mỹ nhiều nhất, chiếm 47% sản lượng xuất khẩu của Mỹ.

"Cả TQ, Nga và Mỹ đều thúc đẩy xuất khẩu vũ khi cho Nam Á bởi 2 vấn đề kinh tế và chính trị", Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cao cấp của SIPRI nói.

Đặc biệt, TQ và Mỹ đang sử dụng chiêu bài bán vũ khí cho châu Á để tăng cường ảnh hưởng của mình trong khu vực.

Tuy nhiên, Liu Weidong - một chuyên gia về Mỹ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội TQ nói rằng, TQ là không thể so sánh với các cường quốc trên thế giới trong việc gia tăng ảnh hưởng chính trị thông qua việc bán vũ khí.

"TQ sẽ xem xét nâng tầm ảnh hưởng chính trị của mình ở các quốc gia nhập khẩu vũ khí.

Ví dụ, họ bán vũ khí cho các đồng minh như Pakistan hay Myanmar, nhưng Mỹ mới là nước quyết đoán hơn trong việc duy trì ảnh hưởng chính trị của mình thông qua xuất khẩu vũ khí", ông nói.

Ông lưu ý rằng TQ chịu lép vế với Mỹ về việc mở rộng ảnh hưởng chính trị bằng cách bán vũ khí do công nghệ của TQ kém cạnh tranh.

Chỉ khi nào tự mình phát triển công nghệ vũ khí một cách độc lập thì Trung Quốc mới có thể ngồi cùng chiếu với Mỹ và Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại