Đồng minh thân cận của Mỹ "kết" tiêm kích JF-17 Trung Quốc

Thiên Minh |

(Soha.vn) - Saudi Arabia được cho là đang xem xét việc mua các máy bay chiến đấu JF-17 Thunder do Trung Quốc và Pakistan hợp tác phát triển.

Tờ World Tribune đưa tin, Bộ Quốc phòng Saudi và Không quân hoàng gia Saudi đang xem xét chương trình JF-17 và cân nhắc việc trở thành một đối tác trong chương trình này. Theo World Tribune, Pakistan đã "chào hàng" máy bay chiến đấu JF-17 tới Saudi Arabia, kèm theo điều kiện chuyển giao công nghệ và đồng sản xuất.

Lời đề nghị này được đưa ra khi Thứ trưởng Quốc phòng Saudi Hoàng thân Salman Bin Sultan tới thăm Pakistan hồi đầu tuần này. Tại Pakistan, Hoàng thân Bin Sultan đã tới thăm quan chương trình JF-17.

Tiêm kích JF-17
Tiêm kích JF-17

Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) nhận định nếu thông tin mà tờ World Tribune đưa ra là đúng, đây sẽ là một bước thay đổi chiến lược quan trọng của Saudi Arabia, vốn trước nay đều phụ thuộc vào Mỹ và công nghệ quốc phòng phương Tây để đáp ứng nhu cầu quân sự. Hiện nay, lực lượng xương sống của Không quân Hoàng gia Saudi là phi đội Boeing F-15 Eagle, điểm thêm một vài máy bay chiến đấu của châu Âu. Gần đây nhất, vào tháng 9/2010, Mỹ tuyên bố đã ký kết một hợp đồng vũ khí trị giá 60 tỷ USD với Arabia, bao gồm 84 máy bay F-15 mới và nâng cấp 70 máy bay đang trong biên chế của Không quân Saudi Arabia. Đây là hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử của Mỹ.

Trong chuyến thăm tới Saudi Arabia tháng 11/2013, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã gọi Saudi Arabia là đồng minh “rất quan trọng” của Mỹ. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Saudi ngày càng trở nên xấu đi trong bối cảnh những bất đồng về vấn đề Iran, Syria và Palestine. Tờ Wall Street Journal đưa tin "Saudi tuyên bố với Mỹ rằng họ đang hướng tới những sự lựa chọn khác để tìm kiếm đối tác quốc phòng lâu dài, nhấn mạnh rằng họ sẽ tìm kiếm những loại vũ khí tốt hơn, với giá cả hợp lý hơn". Không bao lâu sau khi nhóm P5+1 và Iran ký kết một thỏa thuận tạm thời về chương trình hạt nhân của nước này vào tháng 11 năm ngoái, một cố vấn của Hoàng gia Saudi nói với các phóng viên rằng Saudi Arabia đang tìm kiếm các đồng minh khác ngoài Mỹ. Rất nhiều người tin rằng chính phủ Saudi coi Pakistan là một đồng minh chiến lược đáng tin cậy hơn so với Mỹ.

Về phần mình, Pakistan từ lâu luôn nỗ lực tìm kiếm các quốc gia đối tác để chào hàng máy bay chiến đấu JF-17, nhằm giảm bớt chi phí mà Không quân Pakistan phải chi trả cho việc sản xuất.

Tháng 10 năm ngoái, Không quân Pakistan bày tỏ mong muốn xuất khẩu loại máy bay này trong năm 2014. Đã xuất hiện một thông tin được rất nhiều tờ báo của Pakistan đăng tải, đó là: "Không quân Pakistan đã được chỉ định mục tiêu xuất khẩu 5-7 chiếc JF-17 trong năm tới và các cuộc thảo luận đang được tiến hành với Sri Lanka, Kuwait, Qatar và một số quốc gia thân thiện khác".

JF-17 Thunder được trưng bày tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2013.
JF-17 Thunder được trưng bày tại triển lãm hàng không Paris Air Show 2013.

Tuy nhiên, từ lâu Trung Quốc và Pakistan đã phải vật lộn trong việc tìm kiếm khách hàng cho JF-17 (tại Trung Quốc gọi là FC-1). Tính tới thời điểm hiện tại, Pakistan vẫn là quốc gia duy nhất chính thức trang bị JF-17 cho lực lượng không quân, mặc dù cả 2 nước đều tích cực tiếp thị loại máy bay này trong vài năm qua. Chẳng hạn, một bài viết trên tờ Flight Global năm 2010 cho biết Trung Quốc đang đàm phán với Cộng hòa Dân chủ Congo, Nigeria, Philippines, Sri Lanka, Sudan và Venezuela, trong khi Pakistan đang thương thảo với Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập. Sau đó, còn có tin Argentina và Trung Quốc thảo luận về việc hợp tác sản xuất máy bay FC-1 và Bộ trưởng Quốc phòng Purnomo Yusgiantoro xác nhận rằng Pakistan đã chào hàng nước này các máy bay chiến đấu JF-17, "quảng cáo" rằng chúng vượt trội cả máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ.

Tháng trước, khi khai trương dây chuyền sản xuất phiên bản mới của JF-17 là JF-17 Block-II, ông Javaid Ahmad, Giám đốc chương trình này cho biết: "Một số quốc gia tại Trung Á, Nam Mỹ và châu Phi đã bày tỏ sự quan tâm tới việc mua loại máy bay mới".

Mặc dù Saudi Arabia không xuất hiện trong danh sách những quốc gia được nhắc tới nhưng đã có những tin đồn cho rằng Saudi Arabia quan tâm tới loại máy bay này. Tiêm kích JF-17 cũng thường quá cảnh theo định kỳ tại Saudi Arabia để tiếp nhiên liệu.

Trong khi đó, phương tiện truyền thông Ấn Độ trích dẫn một ấn phẩm của ngành công nghiệp Nga năm 2010 cho biết Nga đã cấm việc bán động cơ RD-93 cho Trung Quốc do lo ngại tiêm kích JF-17 sẽ cạnh tranh với tiêm kích MiG-29 của Nga trên thị trường quốc tế.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại