Trước yêu cầu xây dựng QCHQ tiến thẳng lên hiện đại, ngành Kỹ thuật Hải quân (KTHQ) đã chủ động, triển khai các biện pháp sáng tạo để làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) mới, có trong biên chế, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và chiến đấu thắng lợi.
Khẳng định từ truyền thống anh hùng
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Đại tá Phạm Văn Luyện, Chính ủy Cục KTHQ, cho rằng: “Đối với Bộ đội Hải quân, công tác kỹ thuật giữ vị trí đặc biệt quan trọng, bởi hoạt động tác chiến của người lính hải quân trong mọi tình huống đều gắn trực tiếp với yếu tố kỹ thuật”.
Anh Luyện dẫn chứng: Ngay sau khi Cục Phòng thủ bờ bể (tiền thân của QCHQ) được thành lập, công tác BĐKT như sửa chữa, cải hoán ca nô, tàu, thuyền, VKTBKT phục vụ các đơn vị chiến đấu trên các chiến trường sông biển đã do Xưởng 46 (nay là Nhà máy X46) đảm nhiệm.
Cùng với các bước phát triển của QCHQ, các cơ quan, đơn vị BĐKT cũng hình thành và phát triển, góp phần quan trọng vào thành tích của Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đoàn công tác của Quân chủng Hải quân kiểm tra nền nếp, chế độ công tác kỹ thuật tàu hải quân. Ảnh: Hải Tùng
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, vượt lên khó khăn, gian khổ, cán bộ, chiến sĩ ngành KTHQ đã BĐKT cho hơn 600 tàu, thuyền, ca nô, tàu chiến đấu và các tàu bổ trợ; hơn hai vạn khẩu súng pháo, cùng hàng nghìn tấn thủy lôi, bom, đạn các loại.
Quân chủng đã xây dựng các cơ sở kỹ thuật, lắp đặt các trạm thông tin, ra-đa quan sát phát hiện mục tiêu, dẫn đường cho tàu thuyền hoạt động, chiến đấu, bảo đảm cho QCHQ cùng quân và dân miền Bắc đánh thắng hai lần chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ.
Để chi viện cho miền Nam, QCHQ đã tổ chức sửa chữa, lắp ráp hơn một trăm lần chiếc tàu thuyền; nghiên cứu hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật cho Đoàn tàu "không số", góp phần làm nên huyền thoại “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Các cơ sở BĐKT đã cải tiến thành công hàng chục chiếc tàu, thuyền, ca nô phóng từ cùng các phương tiện để các lực lượng rà phá hàng nghìn quả thủy lôi, bom từ trường của Mỹ;
Sản xuất hàng nghìn quả thủy lôi APS, HAT-2, cùng các loại vũ khí đặc chủng phục vụ cho Đặc công Hải quân chiến đấu, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Cục KTHQ đã BĐKT cho hơn 500 lần chiếc tàu, thuyền và tổ chức các đội sửa chữa cơ động theo các tàu vận chuyển cán bộ, chiến sĩ và VKTBKT cho các chiến dịch, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975...
Tiến lên làm chủ VKTBKT hiện đại
Quân chủng Hải quân là một trong 5 lực lượng được Đảng, Nhà nước, Quân đội xác định ưu tiên đầu tư xây dựng, tiến thẳng lên hiện đại. Đại tá Hoàng Hồng Hà, Cục trưởng Cục KTHQ khẳng định:
“Đây là vinh dự, trách nhiệm của QCHQ nói chung, Cục KTHQ nói riêng, là điều kiện thuận lợi, song cũng là trách nhiệm vô cùng nặng nề đặt lên vai đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, nhân viên chuyên môn ngành KTHQ...”.
Chúng tôi được biết, những năm qua, Cục KTHQ tập trung xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, làm tốt chức năng tham mưu về công tác kỹ thuật; đề xuất với trên đầu tư mua sắm, đóng mới tàu thuyền, VKTBKT hiện đại, như: Tàu ngầm, máy bay, tên lửa bờ thế hệ mới, tàu hộ vệ tên lửa, tàu tên lửa tiến công nhanh, ra-đa bờ…
Để đẩy nhanh tiến độ làm chủ VKTBKT mới, Cục KTHQ cử các đoàn cán bộ giám sát, đánh giá chất lượng trước, trong và sau khi quyết định đặt hàng các đối tác;
Đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị tiếp nhận khai thác, sử dụng; hợp tác với các cơ sở nghiên cứu, giảng dạy trong và ngoài nước thực hiện công tác BĐKT; Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật.
Cục KTHQ còn luôn coi trọng công tác nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ KHKT và công nghệ hiện đại trong khai thác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng, niêm cất, kéo dài niên hạn sử dụng và phát huy tính năng, tác dụng của VKTBKT hiện có; cải tiến, hiện đại hóa một số VKTBKT đáp ứng yêu cầu mới của quân chủng.
Bám sát các nội dung, chỉ tiêu, biện pháp trong xây dựng QCHQ chính quy, hiện đại, Cục KTHQ đã đề nghị xây dựng lại cơ cấu tổ chức biên chế lực lượng kỹ thuật, quy hoạch hệ thống cơ sở BĐKT, hệ thống quản lý, điều hành, chỉ huy kỹ thuật, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy chỉ đạo công tác kỹ thuật.
Toàn ngành tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 382 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới; đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông”.
Thực hiện hai khâu đột phá “Xây dựng nền nếp chính quy kỹ thuật và làm chủ VKTBKT”, vươn lên làm chủ VKTBKT mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.