Đánh chặn tên lửa hành trình bằng... "bong bóng"

Khi khoa học mà công nghệ quân sự phát triển nhảy vọt, nhiều người thấy lạ khi Mỹ phát triển một hệ thống sử dụng khinh khí cầu để phát hiện, đánh chặn tên lửa hành trình.

Tàu vận tải 2 thân HSV 2 Swift mang theo khinh khí cấu TIF-25K
Tàu vận tải 2 thân HSV 2 Swift mang theo khinh khí cấu TIF-25K.

Thực ra ngay từ chiến tranh thế giới lần thứ nhất và thứ hai, các bên tham chiến đã bắt đầu sự dụng khinh khí cầu để làm nhiệm vụ phòng không. Thông thường các khinh khí cầu này sử dụng để bảo vệ mục tiêu cố định như thành phố, cơ sở công nghiệp, căn cứ hải quân và một số mục tiêu quan trọng khác.

Vào thời điểm đó, hệ thống khinh khí cầu tạo nên một hàng rào nhằm tiêu diệt các mục tiêu bay thấp. Một số trường hợp đã ghi nhận việc máy bay đối phương vướng vào những hàng rào "bong bóng" như vậy và bị tiêu diệt.

Tuy nhiên, phương pháp này không hiệu quả với các loại máy bay ném bom tầm cao.

Hàng rào được dựng lên bằng khinh khí cầu bảo vệ thủ đô London của Anh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất
Hàng rào được dựng lên bằng khinh khí cầu bảo vệ thủ đô London của Anh trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Bước sang thế kỷ 20, khi mà sự phát triển của khoa học công nghệ, kĩ thuật quân sự đã có bước nhảy vọt, việc xuất hiện các loại tên lửa hành trình với khả năng bay thấp, khó theo dõi, đã đặt ra yêu cầu về một biện pháp phòng thủ hữu hiệu hơn.

Ý tưởng sử dụng khinh khí cầu để đánh chặn tên lửa hành trình xuất phát từ đâu? Vào tháng 1.1996, Lầu Năm Góc đã khởi động chương trình quản lý bầu trời bằng khinh khí cầu có sự tham gia của lục quân, không quân và hải quân. Thế nhưng, chương trình này chịu sự quản lý trực tiếp của bộ tư lệnh phòng thủ không gian chiến lược.

Vào ngày 30/1/1998, chương trình này đã ký hợp đồng với công ty Raytheon nhằm phát triển hệ thống phát hiện và phòng chống tên lửa hành trình (gọi tắt là JLENS).

Ra đa đặt dưới bụng khinh khí cầu DT-1 có khả năng bao quát 360 độ
Radar đặt dưới bụng khinh khí cầu DT-1 có khả năng bao quát 360 độ.

Raytheon đã phát triển một hệ thống khá đơn giản dựa trên 2 khinh khí cầu DT-1 dài 74m được điều khiển từ dưới mặt đất. Hai khinh khí cầu này được trang bị một radar X-band có khả năng quét 360 độ, 1 radar kiểm soát hỏa lực..

Khinh khí cầu DT-1 có thể bay đến độ cao tối đa 3.000-3.500m và hoạt động liên tục trong 30 ngày. Radar X-band (có khối lượng khoảng 3,5 tấn), được đặt dưới bụng một khinh khí cầu DT-1 và có khả năng bắt mục tiêu ở khoảng cách tối đa 550km. Trong khi khinh khí cầu còn lại được trang bị 1 radar kiểm soát hỏa lực.

Mọi thông tin liên lạc giữa khinh khí cầu và các phương tiện đánh chặn khác thông qua LINK 16.

Hệ thống Patriot có thể kết hợp với JLENS một cách hoàn hảo
Hệ thống Patriot có thể kết hợp với JLENS một cách hoàn hảo.

Hệ thống JLENS có thể liên kết với các máy bay AWACS, JSTARS và E-2C cũng như với các tàu chiến trang bị hệ thống AEGIS.

Ngoài ra, Raytheon còn đưa ra thêm lựa chọn trang bị trạm tín hiệu GPS trên hệ thống JLENS nhằm tăng độ chính xác, biến hệ thống trở thành 1 trạm phát tín hiệu GPS bổ sung hoặc hoạt động độc lập, giúp hạn chế việc gây nhiễu hệ thống GPS của đối phương.

Vào năm 2008, Lầu Năm Góc đã ký hợp đồng trị giá 1,4 tỷ USD với công ty Raytheon về việc cung cấp 2 bộ JLENS cho quân đội Mỹ. Vào ngày 30/4/2012 tại một địa điểm gần hồ nước mặn lớn ở Utah, quân đội Mỹ đã thử nghiệm sự phối hợp của JLENS và hệ thống phòng không Patriot.

Hệ thống JLENS đã bắt chính xác mục tiêu bay thấp là một tên lửa hành trình và truyền dữ liệu về hệ thống Patriot để tiêu diệt chính xác mục tiêu.

Phát biểu sau buổi thử nghiệm, người phát ngôn của công ty Raytheon nói: "Việc kết hợp các hệ thống như JLENS, Patriot và các hệ thống khác, giúp tăng khả năng đánh chặn máy bay, tên lửa hành trình. Các hệ thống phòng không càng trở nên một nhân tố quan trọng trong việc bảo vệ các lực lượng vũ trang, dân chúng và cơ sở hạ tầng."

Phóng thử tên lửa SM-6
Phóng thử tên lửa SM-6.

Trong cuộc thử nghiệm vào tháng 9.2012 ở New Mexico, hệ thống JLENS đánh chặn thành công tên lửa hành trình cùng với tên lửa phòng không tầm xa trang bị trên tàu SM-6.

Và cuối cùng vào ngày 17/7 năm nay, trong một buổi thử nghiệm tại Utah, một khinh khí cầu của hệ thống JLENS đã phát hiện tên lửa chống hạm bay thấp, trong khi khinh khí cầu còn lại thông qua kênh truyền dẫn LINK 16 đã truyền thông tin thời gian thực về đường bay của tên lửa cho máy bay F-15E.

Máy bay F-15E sau đó đã phát hiện được mục tiêu và sử dụng tên lửa không đối không AIM-120C7 AMRAAM tiêu diệt mục tiêu.

Việc thử nghiệm thành công JLENS với tên lửa SM-6 và AMRAAM mở ra một hướng mới trong việc bảo vệ các tàu chiến của Mỹ cũng như đồng minh trước mối đe doạ từ các tên lửa hành trình chống hạm.

Máy bay chiến đấu F-15E
Máy bay chiến đấu F-15E.

Tuy nhiên với mỗi tàu chiến hoạt động đơn lẻ, việc phải kéo theo 2 khinh khí cầu của hệ thống JLENS rõ ràng là quá cồng kềnh. Do đó một phương pháp mới được đưa ra là một hoặc hai tàu chiến trong một biên đội tàu sẽ mang theo khinh khí cầu của hệ thống JLENS và qua đó cung cấp thông tin đến nhiều tàu khác hoặc toàn bộ biên đội tàu.

Vào tháng 4 năm nay, tàu HSV 2 Swift của hải quân Mỹ đã mang theo một khinh khí cầu TIF-25K (hiện đại hơn khinh khí cầu DT-1). Tuy khinh khí cầu này phục vụ cho việc phòng chống buôn ma tuý ở vùng biển Ca-ri-bê nhưng nó mở ra một khả năng mới: các tàu vận tải 2 thân như HSV-2 Swift sẽ có thể thành tàu mẹ của hệ thống JLENS.

Theo các chuyên gia Mỹ, cần thiết phải triển khai các hệ thống JLENS đến vùng vịnh Ba Tư, là nơi hoạt động của hạm đội 5 hải quân Mỹ. Việc triển khai này không chỉ đối phó với mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran, mà còn đề phòng các tàu cao tốc loại nhỏ của hải quân Iran.

Khinh khí cầu của hệ thống JLENS có thể theo dõi hàng trăm mục tiêu di động, không chỉ là các mục tiêu bay mà còn có các mục tiêu trên biển, trên mặt đất cũng như các bệ phóng tên lửa di động.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại