Những ưu điểm của đạn pháo dưới cỡ nòng
Đạn pháo dưới cỡ nòng hay thường được gọi tắt là đạn pháo dưới cỡ (Subscore profectile, subcaliber shell) là loại đạn pháo có đường kính phần sát thương (lõi đạn) nhỏ hơn cỡ nòng của pháo.
Thực tế, đạn dưới cỡ là một dạng đạn pháo xuyên thép bằng động năng. Nó không mang lượng nổ mà sát thương bằng một lõi đạn nặng, cứng đập vào mục tiêu với vận tốc lớn.
Một số loại đạn xuyên giáp dưới cỡ hiện đại dùng cho pháo tăng
Do giảm cỡ nên dẫn đến giảm khối lượng, làm cho vận tốc đầu nòng lớn hơn những viên đạn đủ cỡ.
Mặt khác do thiết bị dẫn hướng thường tách khỏi lõi trong quá trình bay, làm giảm tiết diện ngang và lực cản chính diện nên tầm bắn cực đại được tăng lên rất nhiều, đồng thời thời gian bay tới mục tiêu giảm đáng kể.
Đạn dưới cỡ được đánh giá có khả năng xuyên giáp và xác suất diệt mục tiêu di động lớn hơn đạn pháo đủ cỡ.
Quá trình phát triển của đạn pháo dưới cỡ nòng
Trong Chiến tranh thế giới II, quân đội nhiều nước đã đưa vào trang bị đạn pháo dưới cỡ, chủ yếu làm đạn chống tăng và phòng không.
Thời gian này đạn dưới cỡ có đai dẫn gắn liền với lõi xuyên. Đạn được ổn định bằng phương pháp xoay và thường được bắn đi từ pháo nòng xoắn.
Thiết bị dẫn hướng của đạn sẽ chỉ bị phá vỡ khi chạm mục tiêu còn lõi đạn (thường bằng carbite wolfram với phụ gia niken) là tác nhân gây sát thương.
Ngoài ra loại đạn dưới cỡ có nón dẫn bi nén, ổn định bằng phương pháp quay cũng được phát triển dành cho pháo nòng côn (pháo có đường kính nhỏ dần về phía đầu nòng).
Để cải thiện đặc tính khí động khi bay, đạn có vỏ dạng khí động hoặc được lắp thêm chóp gió, còn để tăng khả năng sát thương khi chạm mục tiêu chúng sẽ được lắp thêm chóp trượt.
Tuy nhiên các loại đạn này đều có chung một nhược điểm là do hệ số đường đạn lớn dẫn đến việc thất tốc rất nhanh trong quá trình bay, tầm bắn hiệu quả trung bình chỉ đạt 1.500 m.
Hơn nữa trong khi bay, thực tế chúng vẫn là những viên đạn đủ cỡ và chỉ khi va đập vào vỏ giáp mới trở thành đạn dưới cỡ.
Đạn dưới cỡ hiện đại là loại đạn hình mũi tên, ổn định bằng cánh đuôi, được bắn đi từ pháo nòng trơn. Nhiều tài liệu còn gọi đó là đạn xuyên ổn định bằng cánh đuôi có ốp giữ tự hủy (APFSDS) hay đạn xuyên động năng (KE).
Loại đạn này có lõi cứng hình mũi tên, chiều dài gấp 6 - 10 lần đường kính. Ốp giữ đạn gồm 2 nửa, ngăn cách với nhau bằng chất dẻo, tự văng đi khi đạn rời khỏi đầu nòng.
Một viên đạn APFSDS ở thời điểm tách guốc, liều dẫn đường hoạt động
Do lực cản chính diện nhỏ, đạn hình mũi tên có đặc tính khí động tốt và có tác dụng xuyên bằng động năng mạnh hơn hẳn các loại đạn dưới cỡ khác.
Các nhà thiết kế còn chế tạo cả lõi đạn bằng uran nghèo, khi lõi đạn va chạm vào vỏ giáp sẽ sinh nhiệt lớn (có thể lên tới 3.0000C), làm tăng đáng kể hiệu quả sát thương của đạn.
Trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh, đạn xuyên dưới cỡ hình mũi tên đã được sử dụng phổ biến trên pháo tăng của liên quân. Những đầu đạn chứa uran nghèo này được cho là nguyên nhân gây ra Hội chứng vùng Vịnh bí hiểm đối với lính Mỹ.
Đạn pháo dưới cỡ nòng được coi là sát thủ xe tăng còn nguy hiểm hơn cả tên lửa bắn qua nòng pháo do tên lửa chống tăng rất khó để bắn ở cự ly tối đa trừ khi chiếm được vị trí trên cao.
Ngoài ra, do tốc độ bay của tên lửa chậm hơn đạn pháo dưới cỡ rất nhiều (200 - 250 m/s so với 1.500 - 1.800 m/s) và xe tăng khi dẫn bắn tên lửa buộc phải đứng yên hoặc di chuyển chậm để bảo đảm độ chính xác.
Yếu tố này khiến cho xe tăng sử dụng vũ khí là tên lửa rất dễ bị "dính đòn" phản công ngay lập tức bằng đạn pháo dưới cỡ khi xe tăng đối phương xác định được nguồn chiếu laser.
Không phải ngẫu nhiên mà các cường quốc quân sự như Mỹ, Đức... không chú trọng phát triển tên lửa chống tăng bắn từ nòng pháo mà lại đầu tư nghiên cứu đạn chống tăng dưới cỡ nòng.