Đặc nhiệm RAID Pháp và cuộc đột kích 30 giây lịch sử

Nhật Huy |

Trước khi tham gia truy lùng khủng bố, giải cứu con tin trong vụ thảm sát ở Paris, chiến công được biết đến nhiều nhất của RAID là giải cứu con tin tại 1 trường mẫu giáo ở Neuilly.

Pháp có 2 lực lượng bảo vệ an ninh nội địa chính, đó là lực lượng Hiến binh và Cảnh sát quốc gia. Hai lực lượng này đều có những đơn vị đặc nhiệm chuyên trách chống khủng bố và giải cứu con tin.

Nếu như GIGN thuộc Hiến binh thì đơn vị tương ứng của Cảnh sát là RAID.

RAID là viết tắt của Recherche Assistance Intervention Dissuasion (Điều tra, Hỗ trợ, Can thiệp, Ngăn chặn), được thành lập vào năm 1985, nhằm đối phó với làn sóng tội phạm và khủng bố khi đó.

Trong vụ khủng bố tại Paris vừa qua, khi GIGN đột kích xưởng in tiêu diệt 2 nghi phạm thảm sát tòa soạn Charlie Hebdo thì RAID phụ trách giải cứu con tin tại siêu thị.

Trước khi diễn ra chiến dịch này, chiến công được biết đến nhiều nhất của RAID là vụ giải cứu con tin tại một trường mẫu giáo ở Neuilly vào năm 1993.

Tên bắt cóc tự xưng "Quả bom người"

Sáng thứ Năm, ngày 13/5/1993, vào lúc 9h30, một người Pháp gốc Algeria tên Erick Schmitt, 42 tuổi, xông vào một trường mẫu giáo tại Neuilly và bắt giữ 21 cháu bé, trong độ tuổi từ 3 đến 4 tuổi, cùng với cô giáo Laurence Dreyfus.

Trước đó, vào ngày 8/5, tên này đã cho nổ một quả bom tại một bãi đỗ xe. Trong bức thư nhận trách nhiệm, Erick tự xưng là “quả bom người”. Khi cảnh sát đang trong quá trình điều tra vụ nổ thì xảy ra vụ bắt cóc.

Erick Schmitt từng có một công ty máy tính nhưng đã phá sản 2 năm trước, hắn yêu cầu 18,5 triệu USD tiền chuộc.

Lớp học nơi các con tin bị giam giữ

Erick Schmitt đã lên kế hoạch cho vụ bắt cóc cực kỳ chi tiết và kỹ lưỡng. Mọi yêu cầu đều được in sẵn ra giấy.

Hắn cũng chuẩn bị một kịch bản đào tẩu mà trong đó cảnh sát phải giả rằng đã tiêu diệt được hắn. Erick mang theo 1 khẩu súng lục và 16 thanh thuốc nổ quấn quanh người.

Trong lúc các phụ huynh tập trung bên ngoài cổng trường trong lo lắng và tuyệt vọng thì Erick từ chối nói chuyện với cảnh sát.

Chỉ đến khi Louis Bayon, đội trưởng RAID khi đó, xuất hiện trước cửa lớp và thuyết phục, kẻ bắt cóc mới bắt đầu chịu trả lời những câu hỏi đơn giản.

RAID được triển khai ngay đến hiện trường

Thị trưởng Neuilly khi đó là ông Nicolas Sarkozy, người sau này là Tổng thống Pháp, cũng đến hiện trường và tham gia quá trình đàm phán.

“Tôi biết anh không phải là người xấu. Trẻ em rất nhạy cảm và chúng không cảm thấy sợ anh”, ông Sarkozy nói.

Đến 1h15 chiều, 5 con tin đầu tiên được thả. Sau đó, ông Sarkozy trở lại với 2 triệu USD và yêu cầu thả thêm con tin.

Trong 12 giờ kế tiếp, Erick thả nhiều con tin khác để đổi lấy các yêu cầu về tiền, điện thoại, radio, TV, thậm chí là một buổi phỏng vấn. Tổng cộng có 15 bé được phóng thích.

Ông Sakorzy cùng 1 sĩ quan RAID (trái) tại hiện trường
Sự nghiệp chính trị của ông Sarkozy bắt đầu "cất cánh" kể từ sau vụ bắt cóc

Sự nghiệp chính trị của ông Sarkozy bắt đầu "cất cánh" kể từ sau vụ bắt cóc

Cô Laurence Dreyfus tình nguyện ở lại cùng với 6 cháu bé còn lại. Trong suốt 46 giờ đồng hồ căng thẳng của vụ bắt giữ con tin, cô Dreyfus giúp các cháu bé ăn ngủ, chơi đùa như bình thường.

Cô được phép ra ngoài vài lần để tiếp tế thực phẩm và trấn an các phụ huynh, nhưng luôn quay trở lại. Cô kể với các bé rằng Erick Schmitt là một người đang đi săn cáo.

Đại úy Evelyne Lambert, một nữ y sĩ của quân đội, được phép vào bên trong trường để theo dõi sức khỏe các cháu bé.

Cô Laurence Dreyfus (trong hình) và Evelyne Lambert được tặng thưởng huân chương danh dự vì lòng dũng cảm

Sang ngày thứ 2 (14/5), tên bắt cóc bắt đầu trở nên mất bình tĩnh và kiên nhẫn.

Erick từ chối thả hết những con tin còn lại, kể cả khi được đưa đủ số tiền hắn yêu cầu. Hắn dự định sẽ dùng con tin như lá chắn trong quá trình trốn chạy.

Trong một mảnh giấy in sẵn được đưa cho cảnh sát, hắn cho biết: “Tôi sẽ không chịu để bị bắt sống và sẵn sàng cho nổ tung tất cả nếu thất bại”.

Cảnh sát Pháp quyết định dùng vũ lực để kết thúc vụ việc.

Hình ảnh tái hiện vị trí của kẻ bắt cóc và các con tin trong lớp học

Cuộc đột kích 30 giây

Mặc dù lên kế hoạch rất kỹ lưỡng, Erick bỏ qua một yếu tố là sức chịu đựng của bản thân. Đến rạng sáng ngày thứ 3 (15/5), hắn lộ rõ vẻ mệt mỏi.

Đến 7h25 sáng cùng ngày, nhờ vào camera và microphone mà cô Evelyne Lambert bí mật đặt trước đó, cảnh sát biết được Erick đang ngủ say.

Theo kế hoạch được vạch ra trước đó, cô Lambert đánh thức bọn trẻ và chơi một trò chơi trốn dưới nệm để bảo vệ các cháu bé trong trường hợp có đọ súng.

Theo tín hiệu từ Lambert, cuộc đột kích được tiến hành với 2 nhóm gồm 8 người. Một nhóm bảo vệ và che chắn cho những con tin, trong khi nhóm còn lại gồm 2 người tiếp cận kẻ bắt cóc.

Erick Schmitt bị đánh thức bởi tiếng động nhưng ngay lập tức, hắn bị tiêu diệt bằng 3 phát đạn súng ngắn vào đầu trước khi kịp kích nổ quả bom trên người.

Vũ khí của cảnh sát được trang bị ống giảm thanh nên các con tin nhỏ tuổi không nhìn thấy hay nghe thấy gì khi kẻ bắt cóc bị bắn hạ. Toàn bộ cuộc đột kích diễn ra trong 30 giây và tất cả các con tin đều an toàn.

Hình ảnh tái hiện khoảng khắc khi Erick bị bắn hạ
Con tin được các thành viên RAID đưa ra ngoài
Cả nước Pháp như trút được gánh nặng khi tất cả con tin đều an toàn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại