Có Su-35, Trung Quốc cũng chưa thể làm chủ bầu trời Biển Đông

Dù được giới thiệu với những thông số kỹ thuật "khủng" nhưng Su-35 chưa hẳn là tiêm kích không đối thủ ở khu vực châu Á.

Thỏa thuận sơ bộ về việc mua bán 24 chiếc tiêm kích Su-35 giữa Nga và Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế hết sức quan tâm. Thậm chí, có nguồn tin từ phía Nga tiết lộ, hợp đồng chính thức có thể được ký kết vào cuối năm 2013.

Su-35 không hẳn là chiến đấu cơ bất khả chiến bại trên bầu trời, những thông số kỹ thuật ghi trên giấy không phải là thước đo chiến thắng trong thực tế.

Sức mạnh của Su-35

Tờ Defence Industrial đã đặt ra những nghi vấn qua việc phân tích đặc tính kỹ thuật của Su-35.

Tiêm kích Su-35 được phát triển trên cơ sở bộ khung của Su-27M, về hình dáng khí động học bên ngoài, Su-35 hoàn toàn giống Su-27.

Ban đầu Su-35 được phát triển với cánh mũi tương tự như Su-30MKI. Tuy nhiên, quá trình hiện đại hóa vào năm 2003 bỏ đi cánh mũi, tăng công suất chứa nhiên liệu và trang bị hệ thống điện tử cùng động cơ mới có khả năng kiểm soát vector lực đẩy.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa Su-35 và Su-27 là động cơ và hệ thống điện tử. Su-35 được trang bị một loạt các hệ thống điện tử kỹ thuật số mới. Trái tim của Su-35 là radar quét mạng pha điện tử bị động Irbis-E. Theo giới thiệu từ phía tập đoàn Sukhoi, radar Irbis-E có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly tới 400 km.

Su-35 không hoàn toàn quá vượt trội so với Su-30MK2 của Việt Nam, ai thắng ai trong một cuộc đấu tay đôi giữa 2 tiêm kích vẫn là một ẩn số lớn.

Mặt hạn chế của Su-35

Diện tích phản hồi radar RCS mà radar này phát hiện được ở cự ly 400 km không được công bố. Việc phát hiện một chiếc Boeing 747 ở cự ly 400 km dễ dàng hơn nhiều so với việc phát hiện một chiếc Jas-39 ở khoảng cách tương tự.

Mặt khác, khoảng cách 400 km là thông số về mặt lý thuyết, trong điều kiện chiến đấu thực tế dưới tác động của môi trường, các biện pháp gây nhiễu điện tử khả năng phát hiện mục tiêu của radar Irbis-E khó lòng đạt được cự ly nói trên.

Một điểm yếu khác của Su-35 chính là ở động cơ, việc trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy 117S mang lại khả năng cơ động cao hơn cho Su-35 nhưng cũng vì thế mà nó ngốn nhiên liệu một cách kinh khủng.

Đối với động cơ thông thường,  những pha tăng tốc, nhào lộn đã ngốn rất nhiều nhiên liệu với động cơ đẩy vector càng ngốn nhiều nhiên liệu hơn cho việc điều chỉnh các miệng xả.

Xét về khả năng cơ động, Su-35 có nhỉnh hơn so với Su-30MK2 do có động cơ điều khiển vector lực đẩy, nhưng khoảng cách này lại không đáng kể. Trong một cuộc đấu tay đôi giữa Su-35 và Su-30MK2, lợi thế không hoàn toàn thuộc về Su-35. Một lợi thế của Su-30MK2 là tiêm kích này có tốc độ lên cao nhanh hơn so với Su-35.

Cụ thể tốc độ lên cao của Su-35 chỉ 285 m/s, trong khi khả năng này của Su-30MK2 là 305 m/s. Trong các tình huống không chiến tầm gần, tốc độ lên cao có ý nghĩa rất quan trọng trong việc nhanh chóng tiếp cận đội hình chiến đấu của đối phương cũng như thoát khỏi đường ngắm.

Trong chiến tranh Việt Nam, lợi thế về tốc độ lên cao của MiG-21 so với F-4 và F-105 đã được các phi công Việt Nam khai thác triệt để trong việc đánh chặn đội hình chiến đấu của Không quân Mỹ với tốc độ cao dưới sự chỉ huy của đài điều khiển mặt đất.

Su-30MKI của Ấn Độ không hề kém cạnh so với Su-35 thậm chí còn có thể vượt trội so với biến thể xuất khẩu của Su-35.

Xét về vũ khí giữa Su-35 và Su-30MK2 hoàn toàn không có sự khác biệt. Đến nay, những vũ khí nào Su-35 mang được thì Su-30MK2 cũng mang được.

Tổng tải trọng vũ khí mà cả 2 tiêm kích này có thể mang được đều 8 tấn. Su-35 được điều khiển bởi một phi công duy nhất trong khi đó Su-30MK2 được điều khiển bởi 2 phi công, một người điều khiển máy bay còn một người điều khiển vũ khí nhiệm vụ sẽ nhẹ nhàng hơn so với một người đảm nhận tất cả.

Bên cạnh đó, nếu Trung Quốc mua được Su-35 thì cũng chỉ là biến thể xuất khẩu với các tính năng đã được giảm đi, như vậy Su-35 xuất khẩu hoàn toàn không phải quá vượt trội so với Su-30MK2 hay các tiêm kích khác như F-15, F-16, Jas-39 trong khu vực. So với Su-30MKI của Ấn Độ chưa chắc đã ngang bằng.

Mặc dù Su-35 là một tiêm kích đa nhiệm nhưng các hệ thống điện tử, động cơ của tiêm kích này lại thiên về khả năng không đối không trên bộ. Nếu Trung Quốc sở hữu Su-35, máy bay này chỉ phát huy tối đa lợi thế trên không phận Trung Quốc mà thôi.

Trong khi đó, không - hải chiến là một xu hướng chủ đạo trong các cuộc xung đột hiện tại và tương lai và đó chính là lợi thế của Su-30MK2 . Một tiêm kích chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh trên biển.

Su-30MK2 của Việt Nam là một tiêm kích thiết kế chuyên dùng cho nhiệm vụ đánh biển, một lợi thế mà Su-35 không có được.

Một trở ngại khác của Su-35 đó là khoảng cách địa lý, nếu tác chiến trên khu vực Biển Đông, Su-35 cần có sự hỗ trợ của các máy bay tiếp dầu, trong trường hợp này không có gì có thể đảm bảo an toàn cho Su-35 và đội hình khi tiếp dầu trên khu vực Biển Đông. Su-35 cũng không thể hoạt động được trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Su-35 chỉ có thể tạo được sự uy hiếp đối với Đài Loan, xa hơn một chút có thể tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhưng chắc chắn Trung Quốc chưa đủ khả năng để thách thức Nhật Bản trong một cuộc xung đột tại quần đảo tranh chấp này.

Cuối cùng, một vấn đề khác vô cùng quan trọng chính là phi công ngồi trong buồng lái. Một chiếc tiêm kích hiện đại đặt vào tay một phi công dở thì cũng như đồ bỏ mà thôi. Mặt khác, khi một phi công ngồi trong buồng lái của một chiếc tiêm kích siêu hiện đại chắc chắn sẽ nảy sinh tâm lý chủ quan và lệ thuộc vào máy móc. Không quân Mỹ đã phải trả giá đắt tại chiến trường Việt Nam khi đặt kỳ vọng quá nhiều vào máy móc mà xem nhẹ vai trò của phi công ngồi trong buồng lái.

Kết luận: Những tính năng của Su-35 chỉ là những thông số được ghi trên giấy, Su-35 có giành được thế áp đảo hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khách quan và chủ quan khác.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại