Chính vì vậy, không hề cường điệu khi nói rằng, Thượng tá, phi công cấp 1 Trần Đình Long là phi công “dao pha” của Công ty Trực thăng miền Bắc (Binh đoàn 18, Bộ Quốc phòng)…
Từ lái ô tô lên lái máy bay
Cái câu “nghề chọn người chứ người không chọn nghề” quả thật đúng với Thượng tá Trần Đình Long, phi công thuộc Đội bay 1, Công ty Trực thăng miền Bắc. Nói vậy là bởi cái nghề phi công mà anh gắn bó từ năm 1978 đến nay, đến với anh thật tình cờ. Hay như cách nói của anh là “có mơ cũng không ra”.
Trần Đình Long sinh năm 1958, ở huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam). Tháng 10-1976, anh nhập ngũ và vào học lái xe tại Trường Lái xe của Quân khu 3.
“Sau gần 3 năm học lái ô tô, sắp tốt nghiệp ra trường, đoàn cán bộ của Quân chủng PK-KQ đến trường khám tuyển phi công, tôi cũng tham gia khám. Nhưng nghĩ khám thì cứ khám thôi, chứ sao trúng tuyển phi công được”, Thượng tá Trần Đình Long nhớ lại.
Vậy nhưng, chàng trai nặng hơn 60kg, cao 1m65 đã lọt vào “mắt xanh” của đoàn khám tuyển. Sau khi trúng tuyển phi công, tháng 1-1978 anh về học tại Trường Dự khóa bay và đến tháng 11 năm đó lên huấn luyện phi công trực thăng tại Trung đoàn không quân trực thăng 916 (Sư đoàn không quân 371, Quân chủng PK-KQ). Tốt nghiệp bay đầu năm 1981, Trần Đình Long ở lại Trung đoàn 916, gắn bó với những chiếc máy bay trực thăng suốt 23 năm ròng và về “đầu quân” cho Công ty Trực thăng miền Bắc kể từ năm 2001 đến nay.
Từ cái nghề ban đầu là lái xe "4 bánh", duyên nợ với bầu trời đã đưa anh đến với khoang lái máy bay. Và chính bầu trời rộng lớn đã tôi luyện anh trở thành một phi công lão luyện, với hơn 5.200 giờ bay tích lũy…
Phi công của chiến trường
Phi công Trần Đình Long từng gắn bó với chiến trường nước bạn Campuchia. Thời bình, cánh bay của anh lại tiếp tục vượt rừng rậm, lách thung sâu, tìm về những nơi vốn là chiến trường ác liệt năm xưa, thực hiện một nhiệm vụ mang tính nhân đạo cao cả.
Trong những năm công tác tại Trung đoàn không quân trực thăng 916, thì quãng thời gian từ tháng 9-1987 đến tháng 9-1989, Trần Đình Long được điều động sang thực hiện nhiệm vụ làm chuyên gia quân sự tại nước bạn Campuchia, với nhiệm vụ chính là bay chở lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ quân đội của bạn và chuyên chở thương binh, đạn dược phục vụ chiến đấu.
Hoạt động dưới mặt đất, khi đối mặt với quân pôn-pốt, người chiến sĩ tình nguyện có thể lợi dụng hầm hào, công sự, địa hình, địa vật để chiến đấu. Nhưng với các phi công quân sự thì khác, bầu trời không có nơi che chắn máy bay trước làn đạn của kẻ thù. Vậy nhưng, với các phi công quân sự của Không quân nhân dân Việt Nam nói chung và Trần Đình Long nói riêng, sự quả cảm, mưu trí, sáng tạo là vũ khí hiệu quả để các anh đối chọi với làn đạn của quân thù. Và các anh đã vượt qua nhiều hiểm nguy bằng cái khí chất đáng quý ấy.
Thời gian trôi qua đã lâu, song Thượng tá Trần Đình Long vẫn nhớ như in một kỷ niệm sâu sắc trong những ngày làm nhiệm vụ trên đất bạn: “Trong năm 1988, tôi thực hiện một chuyến bay chở cán bộ quân đội nước bạn lên kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu tại một điểm chốt thuộc tỉnh Pô-Xát. Ngay sau khi chiếc Mi-8 vừa hạ cánh, bạn thông báo cho tổ bay là vừa có đạn bắn về hướng máy bay xuống hạ cánh”.
Cất cánh như thế nào cho an toàn trong điều kiện địch có thể xả súng vào trực thăng bất cứ lúc nào? Trần Đình Long đã có “đáp án” cho bài toán này. Anh cất cánh, vừa bay vòng quanh chốt, vừa lấy độ cao lên 1.500m, sau đó mới cơ động theo hướng đã chọn, đưa đoàn cán bộ nước bạn “về đích” an toàn.
Chiến trường nước bạn Campuchia ghi dấu cánh bay của phi công Trần Đình Long, rồi đến các chiến trường xưa trên đất nước ta cũng đã và đang ghi dấu cánh bay bền bỉ của anh, khi anh ròng rã thực hiện một nhiệm vụ khá đặc biệt trong nhiều năm qua – nhiệm vụ bay MIA (Chương trình tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh). Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, luôn có những thách thức mới mẻ đợi chờ…
Được ưu tiên…việc khó
“Vì là phi công “dao pha”, có thể thực hiện được nhiều nhiệm vụ đòi hỏi trình độ, bản lĩnh và kinh nghiệm, nên Thượng tá Trần Đình Long luôn được Ban giám đốc Công ty tin tưởng giao nhiệm vụ khó khăn, phức tạp. Vì thế chúng tôi hay đùa rằng anh luôn được ưu tiên…việc khó”, Thượng tá Tạ Xuân Vĩnh, Chủ nhiệm Chính trị Công ty Trực thăng miền Bắc tâm sự.
Một trong những nhiệm vụ khó khăn mà phi công Trần Đình Long được tổ chức tin tưởng giao phó là nhiệm vụ bay MIA như đã nói ở trên. Địa bàn hoạt động của nhiệm vụ bay MIA rất rộng; địa hình hoạt động đa dạng, nhưng phần lớn trên rừng núi; điều kiện thời tiết không thuận lợi do nắng to, gió lớn, gió quẩn, gió giật, mây mù, mưa giông kèm sấm sét; điều kiện bãi hạ cánh phần lớn khó khăn do diện tích hẹp, nghiêng lún, ở trên núi cao hoặc thung lũng sâu…
Đứng trước những khó khăn như vậy, Thượng tá Trần Đình Long luôn tâm niệm rằng, chuẩn bị bay chu đáo là biện pháp quan trọng đầu tiên nhằm khắc phục cái khó, tạo ra thuận lợi cho mình và tổ bay. Bởi thế, trước mỗi chuyến bay, ngày bay, anh đều nhận và hỏi rõ, nắm chắc nhiệm vụ được giao; giao nhiệm vụ, phân công chuẩn bị, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ trong tổ bay, tổ kỹ thuật; tích cực thu thập từ nhiều nguồn khác nhau để có thêm những thông tin liên quan đến chuyến bay, từ đó đề ra các phương án thực hiện nhiệm vụ hiệu quả nhất.
“Kết thúc mỗi chuyến bay, tôi luôn ghi chép lại đầy đủ những thông tin về chuyến bay vừa thực hiện, nhất là những đặc điểm cần chú ý để làm tài liệu cho bản thân và cung cấp cho các tổ bay khác khi anh em đề nghị”, Thượng tá Trần Đình Long chia sẻ.
Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (từ 2009-2014), phi công Trần Đình Long đã bay được hơn 650 giờ bay MIA, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Khi chúng tôi bắt đầu bài viết này cũng là lúc Thượng tá Trần Đình Long đang thực hiện nhiệm vụ bay phục vụ khai thác dầu khí tại Vũng Tàu; đồng thời làm nhiệm vụ giáo viên bay dầu khí, kèm một phi công cùng công ty thực hiện nhiệm vụ này. Nhiệm vụ nào cũng hăng hái thực hiện, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành tốt, nên trong 3 năm liên tục (từ 2011-2013), Thượng tá Trần Đình Long đều được tặng Danh hiệu Chiến sĩ Thi đua cấp cơ sở và nhiều bằng, giấy khen trong thực hiện các nhiệm vụ.
Tháng 7 bay phục vụ thăm dò khai thác dầu khí ở Vũng Tàu; đầu tháng 8 đến đầu tháng 9 bay MIA tại Quảng Nam; về Hà Nam nghỉ vài ngày cùng gia đình dịp mồng 2-9, rồi lại quay trở lại Vũng Tàu bay dầu khí, thế nên thời gian Thượng tá Trần Đình Long công tác ở sân bay Gia Lâm mỗi năm chỉ chừng 4 tháng. Như thế cũng đồng nghĩa với thời gian anh ở bên gia đình vô cùng hạn hẹp. Vậy nhưng, 36 năm nay, như cánh chim không mỏi, phi công Trần Đình Long vẫn mải miết với những chuyến bay ra biển xanh, lên rừng thẳm, với tất cả tình yêu bầu trời, với trách nhiệm và “men say” nghề nghiệp…