Báo Nga ca ngợi phi công Việt huyền thoại

Anh hùng không quân Nguyễn Văn Cốc sinh năm 1942 là một trong những phi công Việt Nam được chính các phi công đối thủ Mỹ kính trọng và suy tôn lên hàng 'Ace Pilot'.

Phi công huyền thoại Nguyễn Văn Cốc phục vụ trong Lực lượng Không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, thực hiện nhiêm vụ trên máy bay tiêm kích MiG – 21 thuộc trung đoàn không quân số 921 Sao Đỏ.

Báo Nga ca ngợi phi công Việt huyền thoại
Anh hùng, phi công 'ách' Nguyễn Văn Cốc.

Chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Miền Bắc vào tháng 12.1966. Chiến thắng đầu tiên trong trận không chiến 30.4.1967. Thành tích chiến đấu, bắn rơi 9 máy bay địch trong đó có 2 F4, 5 F 105 và 2 máy bay không người lái. Trở thành phi công hàng đầu của quân chủng Không quân Việt Nam (ace filot). Chiến thắng cuối cùng được thực hiện vào ngày 20.12.1969. Trong năm 1979 ở Việt Nam có chương trình tuyển chọn ứng viên - phi công cho chuyến bay vũ trụ quốc tế Việt Nam – Liên xô theo chương trình "Intercosmos" ông là một trong ba ứng viên được cử đến Moscow.

Sau khi rời khỏi đội bay chiến đấu, ông công tác trong Binh chủng Không quân. Tháng 8.1970, ông là Đại đội phó Đại đội 1, Trung đoàn Không quân 921. Tháng 9 năm 1972, ông được cử đi học sĩ quan chỉ huy không quân tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô). Mãi sau 1976, ông mới về nước và tiếp tục công tác trong Quân chủng Không quân vừa được thành lập. Tháng 10.1977, ông được cử làm Trung đoàn phó Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371, Quân chủng Không quân. Tháng 3.1978, ông được thăng làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Không quân 921. Tháng 8.1979, ông là Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371.

Tháng 8.1981, ông được chuyển làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 370. Một năm sau, tháng 8.1982, ông được chuyển về lại Sư đoàn Không quân 371 với chức vụ Sư đoàn trưởng. Tháng 5 năm 1988, ông được thăng làm Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Không quân, đến tháng 8.1990, là Phó tư lệnh Quân chủng Không quân, hàm Thiếu tướng.

Tháng 6.1996, ông giữ chức quyền Tư lệnh Quân chủng Không quân. Tháng 12.1997, ông được điều sang làm Phó Tổng Thanh tra Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 10.1998 đến năm 2002, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, hàm Trung tướng (từ 1999). Báo Nghệ thuật Quân sự của Nga trước đây từng có dịp phỏng vấn và ghi lại câu chuyện về ông, một ace Pilot huyền thoại của Việt Nam (Ách là thuật ngữ thông dụng trong hàng không quân sự dùng để chỉ các phi công đã bắn hạ từ 5 máy bay đối phương trở lên). Tiền Phong trân trọng giới thiệu lại bài báo này.

Phóng viên: Thưa ông, ông hãy kể về gia đình, về cha và mẹ ông, họ đã sống thế nào?

Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân ở tỉnh Bắc Giang, cách Hà Nội 50 km về phía Đông, trong khu vực vựa lúa của Đồng bằng Bắc bộ. Thời điểm đó tỉnh nổi tiếng về đói nghèo. Cha tôi là một trong những người lãnh đạo của Việt Minh (Tổ chức cách mạng do chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lâp vào năm 1941) ở xã Yên Viên quê tôi. Trong một trận đánh tại quê hương năm 1947, ông bị giặc Pháp bắt và hành hình tại thành phố Bắc Giang. Mẹ tôi cũng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, làm dân công gánh gạo cho chiến trường.

Phóng viên: Ông hãy kể lại, làm sao ông vào quân đội. Ông đã trở thành đảng viên như thế nào? Sự hình thành lực lượng không quân Việt Nam?

Vào năm 1959. Đảng Cộng sản Việt Nam, lúc đó mang tên là Đảng Lao động Việt Nam theo nghị quyết số 15 của Ban chấp hành Trung Ương đã quyết định một con đường đấu tranh cách mạng mới. Do không còn hy vọng về một giải pháp hòa bình thống nhất hai miền Nam Bắc theo Hiệp định Gionevo vào giữa những năm 1950-x, Nhân dân Việt Nam không còn con đường nào khác ngoài con đường đấu tranh vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam. Chúng tôi hiểu rằng, cuộc chiến tranh sẽ kéo dài và vô cùng gian khổ.

Vào năm 1960, phong trào yêu nước ở Miền Nam đã chuyển từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang, đánh dấu bằng phong trào Đồng Khởi trên khắp miền Nam Việt Nam. Các đơn vị du kích vũ trang, được sự giúp đỡ về vũ khí trang bị và con người từ miền Bắc qua con đường “Hồ Chí Minh” huyền thoại, ngày càng tấn công mạnh mẽ trên tất cả các chiến trường. Ở miền Bắc nhà nước Việt Nam đã xây dựng Lực lượng Vũ trang Nhân dân với các quân binh chủng để bảo vệ Tổ quốc, trong đó có binh chủng Không quân. Ngay từ cuối năm 1954 đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc. Ngày 24.01.1959 đã thành lập Cục không quân trực thuộc Bộ tổng tham mưu.

Sau chuyến bay của Gagarin vào vũ trụ, ước mơ trở thành phi công là của mỗi thanh niên Việt Nam lúc đó. Hai tháng sau sự kiện đó, ngày 09.6.1961 tôi ra nhập lực lượng không quân, và sau một thời gian, tôi cùng một đoàn 120 thanh niên Việt Nam sang Liên xô học tập. Hai tuần liền chúng tôi đi trên chuyến tàu liên vận quốc tế đến Moscow qua Bắc Kinh và Zabaykalsk. Đại diện tùy viên quân sự đại sứ quán Việt Nam và đại diện đối ngoại Quân đội Xô viết đã đón chúng tôi ở ga Yaroslavl. Ba tháng chúng tôi được học tiếng Nga.

Sau đợt kiểm tra sức khỏe của quân y quân đội Liên Xô, chúng tôi được chia thành 3 đội. Hai đội đến thành phố Crasnodar, một đội học kỹ thuật sửa chữa và bảo dưỡng máy bay, học viên đội thứ hai học lái máy bay ném bom IL 28. Đội của chúng tôi là đội thứ 3, được đưa về Học viện hàng không đào tạo phi công ở làng Bataiysk trên ngoại vi Rostova- sông Don, ở đây, sau khi học lý thuyết, chúng tôi tập bay trên những chiếc máy bay cánh quạt Yak - 18A. Huấn luyện viên bay của tôi là các sĩ quan Xô viết Totskiy, Kukuruz và Rezinov. Trong ký ức tôi nhớ mãi tên của các sĩ quan chỉ huy trung đoàn Trung tá Tyrsin, đại úy Dosychev – những người đã tham gia chiến tranh Triều Tiên, Trung tá Saklakova và các sĩ quan chỉ huy khác ..

Vào năm 1962, tôi cùng với 30 học viên quân sự khác chuyển đến thành phố Kuschevku khu vực Krasnodar, đây là khu vực huấn luyện bay MiG 17. Nhờ trình độ kinh nghiệm và nhiệt tình cũng như sự nỗ lực của các giảng viên Xô viết, đó là Phó trưởng khoa đào tạo Trung tá Saburov, Thiếu tá Malezhin (huấn luyện viên của tôi), đại úy Sarkisov (học viên là ông Phạm Thanh Ngân, sau này là - Anh hùng lực lượng vũ trang, Trung tướng không quân, đã bắn rơi đến tám máy bay Mỹ), tôi được gặp lại vào năm 1976, khi ông sang Việt Nam với tư cách chuyên gia không quân, Đại úy Tsertsev đội trưởng, đại úy George (học viên của ông là Đặng Ngọc Ngự, bắn hạ 7 máy bay Mỹ - anh hùng Lực lượng vũ trang, đã hy sinh trong một trận không chiến vào năm 1972), đại úy Koltsurov ( huấn luyện viên của học viên Hà Văn Chúc - Anh hùng lực lượng vũ trang), đại úy Mikhalkov… — trên trường huấn luyện bay MiG 17 này đã huấn luyện một thế hệ phi công tiếp theo của máy bay MiG 17 cho đến ngày Mỹ dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ 08.1964, lấy cớ để ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam.

Sau 3 năm học tập ở Liên bang Xô viết, tháng 10 năm 1964, chúng tôi quay về Tổ quốc. Không quân Mỹ thời điểm này đã bắt đầu chiến dịch Mũi lao lửa (Flaming Dart) – chiến dịch đánh phá miền Bắc đầu tiên chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những trận không chiến với lực lượng nhỏ máy bay MiG 17 của lực lượng không quân Việt Nam non trẻ chống lại một cường quốc không quân đã mang lại những kết quả tốt.

Trước cường độ tập kích đường không ngày một tăng của Mỹ, yêu cầu cấp thiết phải hiện đại hóa lực lượng không quân với những máy bay chiến đấu hiện đại hơn. Từ tháng 7.1965 đến tháng 4.1966, các học viên quân sự tốt nghiệp ở Liên xô, lại được gửi sang học viện hàng không ở Crasnodar học chuyển loại sang MiG 21. Thời gian học là từ năm 1965 đến đầu năm 1966, số lượng học viên là 30 người. Khi chúng tôi đang học ở CCCP, Nguyễn Hồng Nhị (sau này là thiếu tướng không quân, anh hùng lực lượng vũ trang) từ khóa chuyển loại trước đã bắn rơi một máy bay Mỹ trên bầu trời Việt Nam.

Ước mơ thứ 2 của tôi, là trở thành đảng viên Đảng Lao động Việt Nam sau những tháng ngày phấn đấu miệt mài đã trở thành hiện thực vào năm 1966, khi các trận không chiến trên bầu trời Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng.

Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với Bác Hồ
Phi công Nguyễn Văn Cốc báo công với Bác Hồ.

Phóng viên: Ông hãy kể về những chuyến bay đầu tiên.

Từ năm 1965, tôi là phi công của tiểu đoàn không quân số 1 thuộc trung đoàn không quân 921 Sao Đỏ (thời điểm này binh chủng Không quân Việt Nam chỉ có 2 trung đoàn không quân, 1 trong số đó là không quân vận tải). Trung đoàn không quân tiêm kích thứ hai mang số hiệu 923, được thành lập vào giữa năm 1965). Tiểu đoàn của tôi đã đánh thắng trận đầu tiên chống lại Không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng.

Nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ bầu trời Hà Nội và các khu vực ngoại vi, trong thời gian đầu tiên, các phi công trẻ chúng tôi thường bay ở vị trí số 2 trong biên đội cho các phi công có kinh nghiệm hơn – đó là đại úy phi công Trần Hanh (sau này là Trung tướng không quân, Anh hùng lực lượng vũ trang) tiểu đoàn trưởng Phạm Ngọc Lan (thiếu tướng không quân), Nguyễn Ngọc Độ (thiếu tướng không quân – Anh hùng lực lượng vũ trang), tiểu đoàn trưởng Nguyễn Nhật Chiêu (đại tá – Anh hùng lực lượng vũ trang).

Trong khuôn khổ của chương trình học chuyển loại máy bay MiG-21 tại Crasnodar. Giám đốc trường huấn luyện bay là Thiếu tướng Romanhenco. Chương trình kéo dài 11 tháng, chúng tôi vô cùng hạnh phúc được gặp lại những thầy giáo – giảng viên (Sarkisov, Tsertsev, Koltsurov) và những người bạn cũ. Huấn luyện viên chuyển loại của tôi trên máy bay siêu âm MiG - 21 là Moiseyev.

Vào tháng 4.1966, khi quay trở về Việt Nam, chúng tôi lập tức tham gia vào các trận chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ. Chúng tôi, những phi công trẻ thế hệ sau, tiếp tục bay số 2 cho các phi công đàn anh như Đồng Văn Đệ (hy sinh năm 1967) Nguyễn Nhật Chiêu, Nguyễn Ngọc Đỗ.. các anh đã kết thúc chương trình bay chuyển loại trên máy bay MiG 21 với các huấn luyện viên Xô viết tại Việt Nam như các đồng chí Chaban và Chetyulin, đồng thời vẫn tham gia chiến đấu.

Ngày 14/12/1966 Biên đội gồm có Nguyễn Nhật Chiêu, Đặng Ngọc Ngự, Đồng Văn Đệ và tôi theo sát một tốp máy bay Mỹ khoảng 20 chiếc đến Tam Đảo, anh Chiêu khai hỏa, bắn hạ một chiếc F-105, Tôi bay số 2 bảo vệ cho Đồng Văn Đệ, số một của tôi đã bắn hạ 2 chiếc máy bay địch. Bản thân tôi nhìn thấy những chếc dù màu xanh và màu đỏ của địch trước mặt. Các máy bay cường kích còn lại của không quân Mỹ trút bom bừa bãi và hỗn loạn rút lui khỏi cuộc chiến. Cuộc không kích của đối phương vào Hà Nội ngày hôm đó tan vỡ hoàn toàn. Trong trận đầu tiên tôi không có điều kiện tiêu diệt địch do thiếu kinh nghiệm và không có được thời điểm tấn công.

Phóng viên: Những nhiệm vụ gì ông thường xuyên được giao?

Nhiệm vụ chủ yếu của đơn vị là bảo vệ Hà Nội và các khu vực ngoại vi, vì vậy thời gian đầu tiên chúng tôi chưa được giao nhiệm vụ đánh địch tầm xa so với thủ đô. Quân đội Mỹ muốn dành quyền chủ động trên chiến trường Miền Nam, chính vì vậy cuối tháng 7.1966, Không quân Mỹ đẩy mạnh các hoạt động không kích ngoài Miền Bắc. Thông thường mỗi đợt không kích, đối phương sử dụng tần suất cất cánh lên đến 200 lần trong ngày vào đầu năm 1966, nhưng đến giữa năm, tần suất cất cánh của Mỹ lên đến 400 lần trong ngày.

Đồng thời Mỹ cũng sử dụng máy bay ném bom chiến lược B-52 không kích Vĩnh Linh và các tỉnh khu vực miền Trung. Cũng trong thời gian này, lực lượng không quân tiêm kích Việt Nam, trong đó có Trung đoàn Sao đỏ đã lớn mạnh và có nhiều kinh nghiệm không chiến. Đồng thời cũng có nhiều sân bay ở các tỉnh phía nam Miền Bắc được củng cố và tăng cường nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động chiến đấu của máy bay MiG 21. Chúng tôi cũng được giao nhiệm vụ đánh chặn lũ cướp trời bay sang từ hướng Lào, bao gồm cả máy bay B-52, các máy bay địch xuất kích từ hướng các sân bay miền Nam Việt Nam. Một lực lượng không quân đã được biên chế để thực hiện nhiệm vụ tác chiến ban đêm.

Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về năng lực tác chiến của các phi công Mỹ, tính năng kỹ chiến thuật của các máy bay Mỹ. Những tính năng kỹ chiến thuật của MiG có vượt trội hay không?

Các phi công Mỹ được huấn luyện kỹ lưỡng (đặc biệt là lực lượng phi công hải quân, có truyền thống và kinh nghiệm tác chiến trong chiến tranh thế giới thứ II và chiến tranh Triều Tiên. Các phi công Mỹ điều khiển máy bay và bay chuyên nghiệp, họ rất thuần thục điều khiển các máy bay đa nhiệm hiện đại, trang bị vũ khí tối tân, trong đó có các khí tài tác chiến điện tử. Các phi công tiêm kích thường có số giờ bay rất cao, đến hàng nghìn giờ (trong khi đó phi công tiêm kích Việt nam có số giờ bay rất ít, những trận đánh đầu tiên hầu như là bay mới). Được trả một mức lương cao đồng thời được coi là một nghề cao quý, có danh dự, các phi công Mỹ cũng rất nỗ lực thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Các đợt không kích của Không quân Mỹ thường có số lượng bay rất đông, được hỗ trở bởi một hệ thống trinh sát, dẫn đường, đảm bảo hậu cần, kỹ thuật rất mạnh và hiện đại, bao gồm cả hệ thống lực lượng tìm kiếm cứu hộ khẩn cấp hiện đại (МеdEvac). Dọc theo bờ biển và với chiều rộng không lớn của Việt Nam, có rất nhiều các căn cứ không quân, bao gồm cả trên tàu sân bay. Đây là những điều kiện rất có lợi cho không quân Mỹ.

Máy bay MiG 21 được đánh giá có tính năng kỹ chiến thuật tương đương, một vài tính năng chiến thuật còn tốt hơn cả F-4 và F-8 như tính cơ động rất cao ( trên cả hai mặt phẳng đứng và mặt phẳng ngang ở độ cao lớn và độ cao trung binh), khả năng tăng tốc nhanh ở độ cao trung bình trở lên rất nhanh, ngoại trừ trường hợp máy bay bay ở tầm bay thấp. Radar trên máy bay của F-4 có công suất lớn hơn, tầm phát hiện mục tiêu là 60 – 70 km, hơn hẳn của MiG 21 là 15 – 16 km và hiện đại hơn. Radar của MiG 21 là radar sử dụng các bóng điện tử, hoạt động không ổn định trong điều kiện thời tiết, khí hậu nhiệt đới.

Báo Nga ca ngợi phi công Việt huyền thoại
Máy bay F-4 là loại chiến đấu cơ hộ tống Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.

Các máy bay MiG 21 đời cũ của Việt Nam đến cuối những năm 1960-x chỉ có trang bị 2 tên lửa không đối không thế hệ R-3S (tương tự như tên lửa Mỹ Side – winder, có hiệu quả tác chiến từ 1,5 – 2km so với tên lửa Mỹ là 4 – 6 km) và máy bay Mỹ F-4 được trang bị từ 8 – 12 tên lửa các tầm bắn khác nhau. Điều kiện phóng tên lửa của MiG – 21 đòi hỏi phải ổn định đường bay hơn. Ngoài ra, góc mở theo dõi và bám mục tiêu của đầu tự dẫn tên lửa Mỹ cũng như bán kính sát thương của vụ nổ tên lửa Mỹ cũng lớn hơn so với MiG-21. Ở độ cao thấp, máy bay F-105 có khả năng tăng tốc đến tốc độ siêu âm nhanh hơn của MiG.

Ngược lại, những thông số về thời gian tăng tốc và chiếm độ cao của MiG-21 tốt hơn so với máy bay tiêm kích Mỹ, do đó các phi công Việt Nam đã triệt để tận dụng ưu thế cơ động này nhằm bí mật cơ động chuẩn bị chiếm vị trí có lợi và đột ngột chuyển hướng vào công kích, cũng như nhanh chóng thoát khỏi vòng chiến, tránh bị đeo bám bởi các máy bay tiêm kích Mỹ. Hầu như các trận chiến đấu, số lượng máy bay tiêm kích của Mỹ thường đông hơn gấp nhiều lần.

Xem thêm:

Phần 2: Phi công Việt bắn hạ 9 máy bay Mỹ và Dogfight nghẹt thở (II)

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại