Kết cục bi thảm của một phi công huyền thoại

Lt Cdr. Mikhail Sergeyevich |

(Soha.vn) - Marion Eugene Carl là một trong những phi công cự phách nhất thế giới đến từ Hoa Kỳ, được mệnh danh là “Thợ săn Zero”. Ông chính là người đã hạ gục được hai phi công xuất sắc nhất của Nhật là Junichi Sasai và Toshio Ota. Với những chiến tích lừng lẫy của mình, Marion được ghi nhận là một trong số phi công xuất sắc nhất trong Chiến tranh thế giới thứ 2 trên mặt trận Thái Bình Dương.

Huyền thoại Marion Eugene Carl của Hoa Kỳ năm 1941
Huyền thoại Marion Eugene Carl của Hoa Kỳ năm 1941

Trong Thế chiến II, những chiếc máy bay tiêm kích một chỗ ngồi Mitsubishi A6M của Nhật còn được biết đến với cái tên Zero. Những chiếc Zero rất nhanh và có khả năng xoay chuyển linh hoạt hơn rất nhiều so với những chiếc F4F hay F6F của Hải quân Hoa Kỳ. Chúng đã gây ra những tổn thất nặng nề cho Hoa Kỳ trong nhiều mặt trận, từ cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng cho đến mặt trận Thái Bình Dương với những trận chiến Midway, Guadalcanal hay New Britain

Marion Eugene Carl là Trung tướng trực thuộc Phi đội bay số 223 của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ. Với thành tích hạ được 6 chiếc tiêm kích Zero, Marion trở thành một trong những phi công hạ được nhiều máy bay Zero nhất, chỉ đứng sau chỉ huy trưởng của mình là Đại tướng John Lucian Smith với thành tích hạ 9 chiếc Zero.

Marion Eugene Carl sinh ngày 1-11-1915, trong một gia đình nông dân có một nông trang khá lớn ở ngoại ô thành phố Hubbard, bang Oregon (Hoa Kỳ). Gia đình Marion có một chiếc máy bay Snow S-1 trong nông trại, cha ông thường xuyên sử dụng nó để tưới và phun thuốc cho ruộng lúa mì. Marion tỏ ra rất thích thú với chiếc máy bay nên luôn đòi cha đưa mình theo. Năm 10 tuổi, trong một lần vô tình, Marion đã khởi động chiếc S-1, khiến chiếc máy bay chạy tới 300m trên đường băng nhưng rất may, ông đã tắt được động cơ.

Sau khi học hết phổ thông, Marion theo học ngành Kỹ sư cơ khí tại Trường cao đẳng Oregon và còn tham gia khóa học đào tạo phi công tiêm kích tại Học viện bay Oregon của Không quân Hoa Kỳ (USAF). Ông dành hơn 1/2 thời gian mỗi ngày để tự học các kỹ năng và cách điều khiển máy bay.

Thiếu tướng Marion Eugene Carl (ngoài cùng hàng thứ nhất bên trái) tại buổi tốt nghiệp sĩ quan cấp cao của USMC.

Marion Eugene Carl (ngoài cùng hàng thứ nhất bên trái) tại buổi tốt nghiệp sĩ quan cấp cao của USMC.

Trong giới phi công, những anh hùng có thành tích hạ gục được trên 5 đối thủ trên không sẽ được vinh danh bằng danh hiệu “Ace”

Năm 1938, Marion tốt nghiệp trường cao đẳng với tầm bằng loại giỏi. Một thời gian ngắn sau đó, ông cũng tốt nghiệp Học viện bay Oregon và được phong quân hàm Trung úy hạng nhì. Sau khi được điều đi học các khóa học cất cánh từ Hàng không mẫu hạm trên những chiếc máy bay F4F, ông trở thành sĩ quan của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và phục vụ trong các phi đội bay.

Tám tháng sau, Marion được luân chuyển đến phi đội Thủy quân lục chiến số 22 (VMF-221) tại Quantico, bang Virginia. Ông phục vụ tại phi đội này trong hơn một năm với các nhiệm vụ chủ yếu là tuần tra khu vực. Sau đó, ông có lệnh quay trở lại Pensocola, để trở thành huấn luyện bay NOC (sĩ quan huấn luyện không qua đào tạo) trong các công tác huấn luyện cất cánh từ Hàng không mẫu hạm. Cuối năm 1940, Marion được quay trở lại phi đội VMF-221 tại đảo phía bắc sân bay căn cứ hải quân ở San Diego.

(Gửi chị Tiên) Thợ săn Zero
Trung úy Marion bên chiếc F6F “Hellcat” của mình trên Hàng không mẫu hạm Saratoga.

Ngày 7-12-1941, Không quân Hải quân Nhật (JNAF) điều các máy bay Mitsubishi A5M và A6M “Zero” tấn công căn cứ Trân Châu Cảng của Hạm đội Thái Bình Bương Hoa Kỳ. Trong lúc này, phi đội VMF-221 đang di chuyển trên chiếc USS Saratoga (CV-3) đến Căn cứ không quân USMC Ewa trên đảo Oahu, Hawaii. Ban đầu, Carl và cả phi đội được lệnh quay lại tiếp viện tại Trân Châu Cảng và tham gia cùng phi đội Wake. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có phi đội Wake được điều động, còn VMF-221 được điều đến Midway tham gia cuộc đánh chiếm đảo Midway ở Thái Bình Dương với Hải quân đế quốc Nhật từ ngày 4-6-1942.

Chỉ sau 2 ngày, 15 trong tổng số 22 chiếc F4F của Hoa Kỳ đã bị những chiếc Zero áp đảo và phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, trong chuỗi thời gian ngắn ngủi này, Marion đã hạ được một chiếc Zero và trở thành một trong những người may mắn quay trở về được Hawaii. Thương vong trong trận Midway đối với Hoa Kỳ là quá lớn.

(Gửi chị Tiên) Thợ săn Zero
Marion Eugene Carl (ngoài cùng bên phải) cùng huyền thoại của Hoa Kỳ John Lucian Smith (ở giữa) năm 1942 tại sân bay Henderson.

Sau một thời gian ngắn nghỉ ngơi tại Hawaii, Marion lại được điều động đến phi đội VMF-223 do Đại úy John Lucian Smith chỉ huy. Cả phi đội được đưa đến sân bay Henderson Field còn được biết đến với tên Cactus tại quần đảo Solomon trong trận đánh chiếm Guadalcanal. Chỉ trong 2 tháng, phi đội của ông đã áp đảo các phi đội của JNAF.

Đặc biệt, ngày 26-8-1942, ông đã bắn hạ Junichi Sasai, một trong những phi công giỏi nhất của JNAF với thành tích hạ được 23 chiếc máy bay, ngay sau đó Toshio Ota (với thành tích hạ được 34 chiếc máy bay) cũng đã bị Marion bắn hạ ngay trên không. Danh tiếng của Marion càng lúc càng nổi, cùng với Chỉ huy trưởng của mình là Smith, cả 2 đã tạo nên những cuộc không chiến lẫy lừng, nhất là cuộc không chiến có một không hai với Toshio Ōta - người được mệnh danh là “Bóng ma”.

Có rất nhiều tranh cãi về ngày xảy ra cuộc đối đầu giữa 2 huyền thoại này, nhưng theo các thông tin mới nhất từ đồng đội của Marion thì đó là vào ngày 21-10-1942, 2 tháng sau khi Marion bắn hạ Sasai. Trong cuộc không kích của các máy bay lên đảo Guadalcanal, chiếc F6F của Mario nằm trong phi đội bay cùng bảo vệ. Một chiếc Zero xé gió lao ra khỏi căn cứ trên đảo và bắt đầu bắn hạ lần lượt từng chiếc oanh tạc cơ của Hoa Kỳ.

Ngay lập tức, Mario tách ra khỏi phi đội và bám sát chiếc Zero của Ota. Ota liên tục bay vào các đám mây để cắt đuôi Mario nhưng ông đã nhanh hơn và liên tục bay đón đầu hắn. Marion đã vô cùng mưu trí khi lừa được Ota bay vào một hẻm núi, ông tăng cao độ bay lên và nhanh như cắt đâm xuống như một con đại bàng vồ mồi. Quá bất ngờ Ota không kịp trở tay, chiếc F6F đã bị bắn rách cánh đuôi và cánh chính trái, chiếc Zero rơi xuống hẻm núi và phát nổ ngay sau đó. Ngay sau chiến tích của mình trước 2 huyền thoại đến từ Nhật, ông đã được gọi với tên “Thợ săn Zero” khi liên tục hạ gục bất kỳ chiếc Zero nào trong tầm mắt của mình.

Marion Eugene Carl năm 1965
Marion Eugene Carl năm 1965

Cuối tháng 10-1942, phi đội VMF-221 của ông rời khỏi Guadalcanal và đến thành phố Perth, Australia nghỉ ngơi và nạp nhiên liệu. Tính đến ngày 30-10-1942, Marion đã hạ được 16,5 chiếc máy bay (có một chiếc máy bay ông cùng một đồng đội khác bắn hạ nên thành tích được chia đôi). Sau đó 7 tháng, phi đội VMF-221 của ông còn quay trở lại và tham chiến trong các trận đánh tại New Guinea, New Britain và trận chiến khốc liệt nhất Peleliu. Tại đây, ông đã hạ được thêm 2 chiếc máy bay chiến đấu, nâng tổng số thành tích của mình lên 18.5.

Sau khi kết thúc chiến tranh, Marion trở thành phi công bay thử nghiệm, ông từng lái chiếc máy bay phản lực Douglas D-558-2, một mẫu máy bay siêu âm đầu tiên của thế giới.

Marion E. Carl được an táng tại nghĩa trang quân đội Arlington, D.C
Marion E. Carl được an táng tại nghĩa trang quân đội Arlington, D.C

Marion nghỉ hưu và quay trở về Oregon sống cùng gia đình tại ngoại ô thành phố Roseburg. Ông cộng tác với người bạn của mình là Nhà văn Barrett Tillman và đã xuất bản cuốn “Pushing the Envelope”.

Năm 82 tuổi, Marion qua đời do bị 3 tên cướp 19 tuổi đột nhập vào nhà của ông bắn chết. Không ai ngờ, người anh hùng từng hạ gục rất nhiều kẻ thù đáng sợ thời chiến tranh lại kết thúc cuộc đời trong một hoàn cảnh bi thảm và éo le như vậy.

Ông đã được an táng tại nghĩa trang dành cho các tướng lĩnh quân đội Arlington bên sông Pontomac với các nghi thức dành cho một Trung tướng của Hoa Kỳ. Hiện nay, tại Bảo tàng Smithsonian vẫn còn lưu giữ chiếc F6F mà Marion đã sử dụng tại trận Guadalcanal và hạ gục Toshi Ota.

Xem thêm:

Phần 1: 'Bông hồng Xô Viết' khiến phi công Đức kinh hãi

Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục xin vui lòng gửi về email: tientruonghuong@vccorp.vn. Trân trọng!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại