Chuyên gia VN: Công nghệ tàng hình Nga khiến radar Mỹ như “mù”!

Đại tá Lê Thế Mẫu |

Cuộc chiến ở Syria rất dễ dẫn sự đối đầu giữa Mỹ và Nga - hai siêu cường hạt nhân, có thể dẫn tới chiến tranh lớn mà hậu quả không một ai có thể dự báo trước được.

Diễn đàn Đại hội đồng LHQ đang diễn ra ở Mỹ chứng tỏ, Cuộc chiến chống tổ chức khủng bố mang tên “Nhà nước Hồi giáo” (IS) ở Syria đang chia rẽ thế giới.

Liên minh chống IS do Mỹ đứng đầu, còn Pháp đóng vai trò quân tiên phong, vừa chống IS lại vừa muốn diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad là người đã và đang chống IS quyết liệt nhất nhưng bị Tổng thống Barack Obama coi là “tên bạo chúa tàn sát người dân”.

Trong khi đó, Nga và nhiều nước khác coi Syria là lực lượng đóng vai trò then chốt trong cuộc chiến chống IS.

Vì thế, phía Nga cho rằng, nếu Mỹ và đồng minh không hợp tác với Nga chống IS thì liên minh mới do Nga đề xuất thành lập sẽ tiến hành cuộc chiến chống IS mà không có sự tham gia của Mỹ.

Do đó, trong khi Mỹ và Pháp chủ trương sẽ thiết lập “vùng cấm bay” ở Syria để ngăn chặn không quân Syria, thì Nga đã chuyển giao cho Syria nhiều loại vũ khí để chống IS, trong đó có máy bay ném bom Su-34 và máy bay tiêm kích MIG-31.

Những động thái này rất dễ dẫn sự “chạm trán” giữa Mỹ và Nga. Để tránh khả năng này xẩy ra, Bộ Quốc phòng Mỹ chủ động đề nghị thảo luận với phía Nga về khả năng trao đổi thông tin tình báo. Vì sao vậy?

Lý do là các máy bay của Nga có khả năng tàng hình, nên dù Mỹ và Pháp có thiết lập “vùng cấm bay” ở Syria thì cũng chẳng thế nào ngăn chặn được các máy bay Su-34 hay MIG-31 yểm trợ từ trên không cho các lực lượng của họ trên bộ mở các mũi tiến công nhằm vào IS.

Với chiến thuật này, vừa qua Quân đội Syria đã mở cuộc phản công quyết định nhằm vào thành phố chiến lược Allepo tàm thời bị IS kiểm soát.


Nga tham chiến chống IS ở Syria với nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có cả máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM.

Nga tham chiến chống IS ở Syria với nhiều vũ khí hiện đại, trong đó có cả máy bay tiêm kích đa năng Su-30SM.

 
đại tá lê thế mẫu
Nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng. Chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Hợp tác quốc tế (Hội hữu nghị Việt Nam với các nước). Cộng tác viên bình luận chính trị-quân sự quốc tế các chương trình thời sự chính luận Toàn cảnh thế giới (VTV1), Người quan sát (TV QPVN), Thế giới 3600 (TV TTXVN), ANTV, VTC1, IVTV. Tác phẩm: Thế giới một góc nhìn (NXB Chính trị quốc gia, HN 2010); Thế giới một thập niên nhìn lại (NXB Chính trị quốc gia, HN 2011); Thế giới: Bước ngoặt lịch sử (NXB Chính trị quốc gia, HN 2015)...

Bí quyết công nghệ tàng hình của Mỹ và Nga

Một trong các mục tiêu quan trọng nhất khi phát triển công nghệ “tàng hình” là áp dụng trong kỹ thuật hàng không để chế tạo máy bay có khả năng tránh được sự phát hiện của radar phòng không.

Để đạt mục tiêu đó, máy bay phải hấp thụ hoặc làm tán xạ hoàn toàn sóng điện tử của các đài radar chiếu vào nó. Có nhiều cách để đạt mục tiêu này và người Mỹ và người Nga đã đi theo hai hướng khác nhau.

Có thể hình dung sự khác nhau căn bản giữa công nghệ tàng hình của người Mỹ và người Nga qua một thí dụ minh họa đơn giản sau đây.

Nếu ném một quả bóng bàn vào bức tường, nó sẽ va chạm và bật trở lại ngay. Cũng tương tự như vậy, khi tín hiệu radar chiếu vào máy bay, nó bị phản xạ lại từ máy bay và quay trở về với ăngten thu sóng vô tuyến của radar và hiện nguyên hình trên màn hình.

Nhưng nếu bức tường gồ ghề, có nhiều góc cạnh hướng về các phía khác nhau thì quả bóng sau khi va chạm sẽ bật trở lại theo nhiều hướng nhưng không thể quay trở lại nơi nó được ném đi.

Hoặc, có thể chế tạo bức tường từ loại vật liệu có thể dính chặt quả bóng váo bức tường, khiến nó không bật ngược trở lại. Công nghệ tàng hình của Mỹ dựa trên chính nguyên tắc này.

Do đó, để tạo ra khả năng tàng hình, các máy bay của Mỹ có kết cấu rất đặc biệt (xem ảnh dưới), hoàn toàn khác với máy bay thông thường. Vì thế chúng rất khó cơ động và không thể bay nhanh được.


Hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Mỹ là F-22 và F-35 trong một lần hiếm hoi cùng xuất kích.

Hai loại máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Mỹ là F-22 và F-35 trong một lần hiếm hoi cùng xuất kích.

Còn nếu phủ lên bức tường một mạng lưới mềm thì khi quả bóng bàn ném vào đó nó sẽ bị va chạm không đàn hồi và rơi xuống ngay dưới chân tường mà không bật trở lại. Công nghệ tàng hình của Nga dựa trên cơ sở nguyên lý này.

Theo nguyên lý đó, người Nga đã tạo ra “bức màn” bao phủ máy bay có khả năng rất đặc biệt là tán xạ các chúm tia điện tử chiếu vào nó, khiến máy bay hoàn toàn biến mất khỏi màn hình radar.

Để tạo “bức màn” này, người Nga sử dụng một loại máy phát, gọi là plazma gọn nhẹ có thể lắp đặt trên bất kỳ khí tài bay nào.

Loại máy này có khả năng ion hoá môi trường không khí bao quanh khí tài cần bảo vệ và tạo thành môi trường được gọi là plazma.

Đây là trạng thái thứ 4 của vật chất, bao gồm các điện tích dương và điện tích âm, nhưng xét tổng thể là trung hoà về điện. Môi trường này có tính năng rất đặc biệt là sẽ tán xạ các chùm tia điện tử chiếu, từ đó tạo ra khả năng tàng hình.

Ngoài ra, Nga còn sử dụng một loại sơn phủ thân máy bay được chế tạo từ vật liệu điện tử liên kết - một loại vật liệu nano có khă năng hấp thụ sóng radar.

Theo Anatori Coroteev, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học mang tên Viện sĩ Liên Xô Keldysh, thì công nghệ tàng hình dựa trên cơ sở sử dụng máy phát plazma của người Nga là công nghệ độc nhất vô nhị trên thế giới.

Một khi loại bức xạ này bao phủ xung quanh một vật thể nào đó cần che dấu thì vật thể đó hoàn toàn tàng hình trước "con mắt thần" theo dõi của các đài radar hiện đại nhất.

Ưu thế công nghệ tàng hình của Nga so với Mỹ

Ưu thế quan trọng nhất của các máy phát plazma của người Nga là có thể lắp đặt cho bất kỳ một khí tài chuyển động nào, từ xe ô tô, xe tăng, tàu chiến đến máy bay thuộc tất cả các loại thế hệ mà không làm giảm tính năng chiến - kỹ thuật của chúng.

Các máy bay của Nga khi được lắp thiết bị tàng hình plazma vẫn dễ dàng cơ động trong các trận không chiến. Trong khi đó, các máy bay tàng hình của Mỹ lại rất khó cơ động, thường phải bay theo các lịch trình đã định sẵn, do đó rất dễ bị đối phương đón lõng để bắn rơi.

Chính vì thế mà trong cuộc chiến tranh Kosovo năm 1999, máy bay tàng hình F-117 của Mỹ đã bị tên lửa phòng không của Cộng hòa Serbia “xơi tái”, khiến giới quân sự Mỹ lúng túng.


Máy bay tàng hình F-117 của Mỹ đã bị tên lửa phòng không của Cộng hòa Serbia “xơi tái”.

Máy bay tàng hình F-117 của Mỹ đã bị tên lửa phòng không của Cộng hòa Serbia “xơi tái”.

Về sau Mỹ xác minh được: tên lửa phòng không của Serbia bắn rơi máy bay tàng hình F-117A lại chính là loại tên lửa SAM-3 mà Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam, suýt chút nữa đã "kịp" tham chiến để đánh B-52 trong chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" 1972.

Công nghệ "tàng hình" của Nga đã thử nghiệm thành công trong điều kiện rất khó khăn về kinh tế sau khi Liên Xô tan rã. Trong thời kỳ đầy khó khăn này thì việc áp dụng công nghệ đó trong công nghiệp hàng không gặp nhiều trở ngại do thiếu kinh phí.

Vì thế, Trung tâm nghiên cứu khoa học mang tên Viện sĩ Keldysh không có khả năng tiếp cận thị trường.

Sau khi V.Putin trở thành Tổng thống Nga từ năm 2000, ông đặc biệt quan tâm phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực quân sự, đã tạo ra bước đột phá mới và diện mạo hoàn toàn mới cho Quân đội Nga. Đến năm 2020, Nga sẽ đổi mới khoảng 80% vũ khí và trang bị.

Với công nghệ cao mới, trong đó có công nghệ tàng hình độc nhất vô nhị trên thế giới, Nga đã tạo ra các loại vũ khí rất hiện đại, khiến cho ngay cả giới quân sự Mỹ cũng phải sửng sốt.

Thí dụ về ưu thế công nghệ tàng hình của Nga

Khi Nga chuẩn bị sát nhập Crimea hồi tháng 3-2014, Hải quân Mỹ cho một số tàu chiến tới Biển Đen để “răn đe” Nga.

Để “dọa” lại Mỹ, Tổng thống Nga V.Putin ra lệnh bố trí trên bờ Biển Đen một loại tên lửa tàng hình chống tàu hoàn toàn mới mà giới tình báo quân sự Mỹ ra sức săn lùng nhưng không tài nào phát hiện được.

Tổng thống Nga V.Putin chỉ thị cho Hải quân Nga cố ý để lộ loại tên lửa này khi bố trí trên bờ Biển Đen để cho các vệ tinh trình sát vũ trụ của Mỹ có thể “nhìn thấy” và chụp ảnh.

Cũng trong chiến dịch sáp nhập Crimea, Không quân của Hải quân Nga đã ra lệnh cho 2 chiếc máy bay chiến đấu tiếp cận sát tàu chiến của Mỹ đang hoạt động trên Biển Đen. Trong lần tiếp cận thứ nhất, các phi công của Nga cố ý để cho radar trên tàu của Mỹ “nhìn thấy”.


Máy bay Su-24 của Nga tiếp cận nhưng radar của Mỹ không tài nào phát hiện ra trên màn hình, trong khi các thủy thủ nhìn thấy rất rõ bằng mắt thường!

Máy bay Su-24 của Nga tiếp cận nhưng radar của Mỹ không tài nào phát hiện ra trên màn hình, trong khi các thủy thủ nhìn thấy rất rõ bằng mắt thường!

Nhưng những lần tiếp cận sau đó, các trắc thủ radar của Mỹ không tài nào phát hiện ra máy bay Nga trên màn hình, trong khi các thủy thủ trên tàu có thể nhìn thấy rất rõ máy bay Nga bằng mắt thường. Có nghĩa là, radar của Mỹ đã bị phía Nga làm cho “mù” và “điếc”!

Dĩ nhiên, ở đây Nga kết hợp công nghệ tàng hình với các chiến điện tử khiến hiệu quả tăng gấp bội. 

Hai đòn “dọa” này đã có hiệu lực: các tàu chiến của Mỹ lặng lẽ rút khỏi Biển Đen. Còn Tổng thống Nga V. Putin chấp nhận ý nguyện của người dân Crimea, đã sáp nhập vùng đất này về với nước mẹ Nga. Ông đã lấy lại Crimea mà không cần bắn 1 phát đạn!

Còn hiện nay ở Syria, ưu thế của các vũ khí do Nga xuất khẩu sang nước này để chống IS như máy bay chiến đấu tàng hình MIG-31, Su-34, tên lửa phòng không S-300 có khả năng vô hiệu hóa chủ trương của Mỹ thiết lập “vùng cấm bay” ở Syria.

Công thức chiến tranh chống IS của Nga và liên quân ở Syria là: sức mạnh yểm trợ trên không của không quân Nga kết hợp với các lực lượng mặt đất của Syria, Iran và các nước khác, sẽ đủ sức đánh bại các lực lượng khủng bố.

** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của Đại tá Lê Thế Mẫu. Để trao đổi lại với tác giả, vui lòng nhập ý kiến vào ô Bình luận bên dưới, hoặc gửi email về: quansu@ttvn.vn. Trân trọng!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại