Chuyên gia Mỹ: Quân đội Nga chỉ là “hổ giấy”

Hải Vy |

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, ngay cả khi đã hoàn tất cải cách, quân đội Nga cũng không thể đủ sức đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Dưới đây là nội dung bài viết của nhà phân tích Dave Majumdar trên tạp chí National Interest (Mỹ):

Tồn tại nhiều điểm yếu

Mặc dù chiến dịch quân sự tại Syria cho thấy quân đội Nga đã có những tiến bộ đáng kể sau khi gần như sụp đổ vào giữa những năm 1990 nhưng nhìn chung, lực lượng này vẫn còn nhiều điểm yếu.

Chỉ một số binh chủng nhất định trong quân đội Nga, đáng chú ý nhất là lực lượng tên lửa chiến lược, lính dù và hải quân đánh bộ, là được hiện đại hóa sâu rộng.

Các binh chủng khác vẫn phụ thuộc vào nguồn lính nghĩa vụ được đào tạo kém và khí tài quân sự cũ nát từ thời Xô Viết.

Nói cách khác, chương trình hiện đại hóa quân đội của Nga không đồng đều.


Nhiều binh chủng trong quân đội Nga vẫn sử dụng lính nghĩa vụ được đào tạo kém.

Nhiều binh chủng trong quân đội Nga vẫn sử dụng lính nghĩa vụ được đào tạo kém.

Trong nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, chi tiêu quân sự của Nga tụt xuống mức thấp nhất. Tinh thần chiến đấu suy sụp và ngành công nghiệp quốc phòng của Nga về cơ bản cũng sụp đổ cùng với những bộ phận còn lại trong xã hội.

Sau đó, kể từ cuối những năm 1990, đầu những năm 2000, các nhà lãnh đạo Nga thường tuyên bố sẽ cải cách quân đội nhưng họ chưa từng có hành động đáng kể nào để thực sự tiến hành những thay đổi đó.

Kết quả là quân đội Nga đã có thất bại “thảm họa” tại Chechnya và màn thể hiện “đáng xấu hổ” trong cuộc xung đột tại Gruzia năm 2008.

Một phần của vấn đề là thiếu tiền nhưng phần lớn xuất phát từ sự phụ thuộc của Nga vào nguồn lính nghĩa vụ yếu kém và thiếu tinh thần chiến đấu.

Dưới thời Liên Xô, mỗi sư đoàn chỉ có 50-75% khả năng chiến đấu đầy đủ. Khi chiến tranh sắp xảy ra, các nhà lãnh đạo Liên Xô sẽ kêu gọi quân dự bị và tiến hành diễn tập động viên.

Tuy nhiên, việc bổ sung quân dự bị và lính nghĩa vụ cho các đơn vị chính quy sẽ mất nhiều thời gian.

Mặc dù hệ thống này tỏ ra hiệu quả trong thời Chiến tranh Lạnh nhưng nó không còn phù hợp với kỷ nguyên hiện đại.

Như khi tiến hành chiến dịch bất ngờ tại Gruzia, Nga chỉ có thể tập hợp lực lượng từ những đơn vị thường trực. Người Nga vẫn giành chiến thắng nhưng đây là một chiến thắng không hề dễ dàng.

“Hổ giấy”

Sau cuộc xung đột tại Gruzia, quân đội Nga bắt đầu cải cách nhưng chỉ một vài đơn vị nhỏ được chuyển sang “mô hình kiểu mới”.

Hơn 2/3 lực lượng vũ trang Nga, đặc biệt là lục quân, vẫn theo mô hình lính nghĩa vụ và trang bị những hệ thống vũ khí ngày càng cũ kỹ từ thời Liên Xô.

Thậm chí, phần lớn lực lượng Nga tham chiến tại Syria vẫn đang sử dụng các loại khí tài có từ những năm 1970 nhưng được hiện đại hóa.

Quân đội Nga đã bắt đầu tiến lên lực lượng chuyên nghiệp nhưng quá trình này mất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành.

Chỉ khoảng ¼ lực lượng Lục quân Nga là các binh sĩ được huấn luyện chuyên nghiệp. Những người lính này trở thành một phần của lực lượng phản ứng nhanh.

Nga cũng đã tiến hành cải cách công tác huấn luyện và đào tạo quân nhân chuyên nghiệp, dựa trên mô hình của phương Tây.

Họ còn thực hiện nhiều thay đổi về tổ chức, như cắt giảm các bộ máy cồng kềnh, sắp xếp hợp lý bộ máy chỉ huy và kiểm soát, cải thiện công tác hậu cần.

Ngoài ra, các sư đoàn từ thời Liên Xô được cắt giảm bớt và cơ cấu lại thành các lữ đoàn tác chiến, tương tự như quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, chương trình cải cách này của Nga phải mất nhiều năm nữa mới có thể hoàn thiện, nhất là khi nền kinh tế nước này tiếp tục đối mặt với những thách thức lớn do giá dầu giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Mặc dù Nga đang dần khắc phục những điểm yếu lớn nhất của mình – về huấn luyện, tổ chức và tinh thần sẵn sàng chiến đấu – nhưng ngành công nghiệp quốc phòng của nước này vẫn không trở lại được như thời Liên Xô.

Các cơ sở công nghiệp – quốc phòng Nga đã suy yếu rõ rệt kể từ khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991.

Nga bị tụt hậu trong rất nhiều lĩnh vực công nghệ quan trọng, đặc biệt là trong những năm 1990. Ví dụ như các công nghệ then chốt trong lĩnh vực chế tạo vũ khí chính xác, pod chỉ thị mục tiêu và radar quét mạng pha điện tử chủ động.

Ngành công nghiệp đóng tàu là một điểm yếu khác của Nga. Moscow không còn khả năng đóng các tàu chiến cỡ lớn như tàu sân bay và vẫn sử dụng những kỹ thuật xây dựng lỗi thời.

Trong tương lai, Nga có thể khôi phục lại những năng lực này, tuy nhiên, điều đó còn rất xa.

Về mua sắm trang bị, Nga đưa ra nhiều kế hoạch tham vọng nhưng có vẻ không thực tế (như kế hoạch trang bị 2.300 xe tăng T-14 Armata vào năm 2020 rất khó có khả năng thực hiện được).


Theo nhà phân tích Dave Majumdar, kế hoạch trang bị 2.300 xe tăng Armata của Nga không khả thi.

Theo nhà phân tích Dave Majumdar, kế hoạch trang bị 2.300 xe tăng Armata của Nga không khả thi.

Không quân Nga đang mua một số lượng nhỏ các máy bay chiến đấu hiện đại do chính nước này chế tạo. Có thể kể đến các chiến đấu cơ Su-30M2, Su-30SM, Su-35 và Su-34.

Chúng đều là các biến thể của dòng máy bay Flanker nhưng lại không có nhiều điểm chung và điều này gây khó khăn cho công tác hậu cần.

Lực lượng này cũng mua thêm các biến thể của tiêm kích MiG-29 – điều đó càng làm phức tạp thêm vấn đề.

Nga còn bắt tay vào phát triển ít nhất 3 mẫu máy bay mới nhưng không rõ nước này làm cách nào để chi trả cho những chương trình nghiên cứu vô cùng đắt đỏ như vậy.

Chưa hết, trong chiến dịch tại Syria, Nga sử dụng các loại vũ khí dẫn đường chính xác một cách rất dè xẻn.

Ngoài ra, điều lạ là ngay cả các tiêm kích hiện đại Su-30SM tại đây cũng không được trang bị các tên lửa không-đối-không hiện đại.

Có thể là Nga đã phát triển được các loại vũ khí như tên lửa R-77 nhưng không triển khai chúng với số lượng lớn.

Trong khi đó, Hải quân Nga, ngoại trừ lực lượng tàu ngầm, thì còn rất nhiều thiếu sót.

Hải quân Nga đã bắt đầu triển khai các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Borey và tàu ngầm tấn công lớp Yasen. Những con tàu này thực sự đáng gờm, đặc biệt là tàu ngầm lớp Yasen.


Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey

Tàu ngầm hạt nhân lớp Borey

Chỉ trong năm ngoái, Nga đã khởi công chế tạo 2 tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo và 3 tàu ngầm tấn công, tuy nhiên, Moscow khó có thể duy trì khả năng đóng tới 5 tàu ngầm hạt nhân trong 1 năm.

Ngoài đóng mới tàu ngầm, nước này còn hiện đại hóa các tàu ngầm cũ.

Mặc dù có lực lượng tàu ngầm mạnh mẽ nhưng phần lớn lực lượng tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga là các tàu cũ từ thời Xô Viết.

Những con tàu này không được nâng cấp, bảo dưỡng, vận hành đầy đủ, đúng cách và không thường xuyên được triển khai.

Ví dụ rõ ràng nhất là chiếc Admiral Kuznetsov, tàu sân bay duy nhất của nước này, với lịch sử đầy rẫy những trục trặc trong quá trình triển khai. Nga đang đóng các tàu chiến mới nhưng tốc độ hiện đại hóa rất chậm chạp.


Tàu sân bay Admiral Kuznetsov với lịch sử đầy rẫy những trục trặc.

Tàu sân bay Admiral Kuznetsov với lịch sử đầy rẫy những trục trặc.

Nhìn chung, quân đội Nga đã đạt được những tiến bộ to lớn sau khi suy sụp vào giữa những năm 1990, khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, nước này còn phải trải qua một chặng đường dài mới có thể hoàn tất chương trình cải cách, có thể là tới năm 2030 hoặc lâu hơn nữa.

Ngay cả khi đã cải cách xong, Nga vẫn không thể là Liên Xô trước đây. Nước này không còn đông dân số và có các cơ sở công nghiệp thuộc hàng nhất nhì như trước.

Và thậm chí sau khi cải cách, Nga cũng không thể đủ sức đối đầu với Mỹ và các đồng minh của Washington.

Chắc chắn quân đội Nga sẽ tiếp tục hiện đại hóa nhưng sức mạnh quân sự của Nga, ngoài lực lượng hạt nhân, vẫn là một sự hư ảo. Họ chỉ là một chú "hổ giấy" mà thôi.

*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhà phân tích Dave Majumdar

Trước đó, một bản báo cáo trình lên Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu (ECFR) cho rằng nhiều nhà phân tích phương Tây đang đánh giá thấp năng lực quân sự của Moscow do chỉ chăm chăm vào những thiếu sót trong trang bị của nước này. Xem tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại